Ngọn cờ hòa bình của V.I.Lênin
Nghiên cứu - Trao đổi 03/01/2025 12:39
V.I.Lênin với “Sắc lệnh về hòa bình”
Mở đầu “Sắc lệnh về hòa bình”, V.I.Lênin khẳng định bảo vệ hòa bình là vấn đề cấp bách, có ý nghĩa sống còn của nhân loại. Trên cương vị người đứng đầu nước Nga Xô viết, V.I.Lênin kêu gọi chính phủ tất cả các bên can dự vào Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) phải đình chiến và tiến hành những cuộc thương lượng, đàm phán hòa bình để kí kết một hòa ước hòa bình ngay lập tức mà không cưỡng bức, không thôn tính, không xâm chiếm đất đai của nhau và không được sáp nhập các dân tộc khác vào lãnh thổ của mình.
“Sắc lệnh về hòa bình” cũng nêu những vấn đề có tính nguyên tắc của một kiểu quan hệ quốc tế mới, được đề ra không phải trên cơ sở các dân tộc lớn áp bức, chà đạp các dân tộc nhỏ và yếu, mà là dựa trên sự đoàn kết, xây dựng và giữ vững môi trường hòa bình bền vững của tất cả các dân tộc và sự bình đẳng của các quốc gia, dân tộc.
V.I.Lênin chỉ rõ bộ mặt thật của chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai phản động chính là nguyên nhân gây ra các cuộc chiến tranh hủy hoại sự phát triển của nhân loại. V.I.Lênin nhận định: “Chúng ta đấu tranh chống sự dối trá của các chính phủ, trên lời nói thì tất cả đều nói về hòa bình, về công lí, nhưng trong việc làm lại tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược và cướp bóc...”. Đồng thời V.I.Lênin khẳng định bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là yêu chuộng hòa bình, kiên quyết phản đối chiến tranh xâm lược.
Các sĩ quan Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình LHQ tại Phái bộ Nam Sudan. |
Liên Xô đã có công đầu và quyết định đến thắng lợi trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), Liên Xô đã góp công xây dựng Liên Hợp Quốc (LHQ). Là Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Liên Xô đã góp phần to lớn duy trì nền hòa bình của thế giới.
Đi theo ngọn cờ hòa bình của V.I.Lênin
Kế thừa ngọn cờ hòa bình của V.I.Lênin, trong bài trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Còn chủ nghĩa đế quốc, còn thực dân, thì còn nguy cơ chiến tranh”.
Trên thực tế, chỉ 3 tuần sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn (23/9/1945), mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa.
Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới” .
Ngày 19/11/1950, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam - tổ chức đối ngoại Nhân dân đa phương đầu tiên của Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã được thành lập tại Việt Bắc.
Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (7/5/1954) đã mở ra thời đại sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới và do đó đã góp phần lớn trong việc củng cố hòa bình thế giới. Đồng chí William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới”.
Ngày 1/1/1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị của Nhân dân Việt Nam đối với Nhân dân Mỹ; hoan nghênh và cảm ơn Nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Người viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự” . Trong lá thư trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/8/1969, Người khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thực sự” .
Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã nhận định: “Thế giới ngày nay đang trải qua một cuộc khủng hoảng... Cái cần bây giờ là tiếp cận hòa bình, hữu nghị và tình bạn. Tiến sĩ Hồ Chí Minh là biểu tượng cho sự tiếp cận đó” .
Romesh Chandra, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới (1977-1995), đã nói rằng: “Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình công lí, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng ta đã xác định rõ chủ trương quan hệ đối ngoại của Đảng ta là: “Trước sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta cũng khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước” .
Hiện nay, thế giới không chỉ nhớ đến Việt Nam là một quốc gia đi tiên phong trong việc chống chủ nghĩa thực dân đế quốc mà còn biết đến Việt Nam như là một nhân tố tích cực bảo vệ hòa bình thế giới. Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kì 2008-2009, 2020-2021. Việt Nam cũng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ vào tháng 7/2008, 10/2009, 1/2020, 4/2021. Việt Nam là một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 (nhiệm kì 2022-2023) đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam sau quá trình dài đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới.