Vụ án ông Huỳnh Thúc Mẫn, cựu Chủ tịch UBND xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận: Cần xem xét, giải quyết công tâm để không oan sai và bỏ l
Pháp luật - Bạn đọc 11/10/2019 08:19
Đâu rồi tiếng nói của chính quyền?
Ông Huỳnh Thúc Mẫn, Chủ tịch UBND xã La Dạ bị TAND tỉnh Bình Thuận kết án 42 tháng về tội Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Báo Người cao tuổi đã đăng nhiều bài phản ánh về nội dung vụ việc. Tại số ra ngày 17/6/2019 có bài: “TAND tỉnh Bình Thuận: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án xảy ra ở xã La Dạ?” và ngày 20/8/2019 có bài: “Viết tiếp vụ án xảy ra ở xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận: Tòa kiến nghị, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố, Viện KSND “im lặng”!?
Vụ án có dấu hiệu oan sai, dư luận xã hội quan tâm, các cử tri đã có ý kiến với đại biểu HĐND các cấp, Cụ thể: Tại báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận ngày 5/7/2019, trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tại kì họp thứ 8, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X: Thực tế, trong tỉnh có 25/33 xã thực hiện việc làm thủ tục chọn nhà thầu cung cấp và hợp đồng mua sắm máy móc nông cụ giúp dân theo đúng quy trình thủ tục quy định; máy móc được kiểm tra, nghiệm thu giao cho người dân, dưới sự giám sát của ban, ngành, đoàn thể của xã theo đúng chủng loại, nhu cầu của người dân; đơn giá phù hợp với số tiền 5 triệu đồng/hộ, được Nhà nước hỗ trợ tại Quyết định số 755/QĐ- TTg, nhằm bảo đảm người dân sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả thiết thực chính sách và trên cơ sở đề xuất của người dân được thụ hưởng.
Quyết định Thi hành án của Chánh án TAND huyện Hàm Thuận Bắc |
Tuy nhiên, ở địa phương có 25 xã làm như ông Huỳnh Thúc Mẫn thực hiện tại xã La Dạ, nhưng tại sao chỉ xử lí hình sự một mình ông Mẫn?! Dư luận cử tri đang lo ngại, với sự im lặng của chính quyền trước bản án đã có hiệu lực pháp luật và ông Mẫn phải đối diện với vòng lao lí, trước bản án có nhiều dấu hiệu sai phạm. Chúng tôi xin điểm lại một số thông tin sau:
Sau khi kí kết hợp đồng, ông Hồ Minh Thắng liên hệ với ông Nguyễn Văn Thế Tôn, chủ Cơ sở nông cơ Tôn Sơn trao đổi, đặt mua máy móc, nông cụ là hàng không rõ xuất xứ, trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn chứng từ. Đây là hành vi tư lợi chủ động trước. Tham khảo ý kiến các luật sư và chuyên gia pháp luật, đều cho rằng: Dấu hiệu hành vi khách quan của tội “Lừa dối khách hàng” là tội phạm được thể hiện thông qua hành vi gian dối trong bán hàng hoá, kinh doanh dịch vụ nhằm thu lời bất chính. Các thủ đoạn thường được thực hiện như: Cân, đong, đo, đếm sai trong quá trình giao hàng hoá; cố ý tính tiền sai trong khi thanh toán, trong vay mượn; giao hàng chất lượng kém nhưng bán theo giá hàng chất lượng tốt; cố tình thay thế phụ tùng có giá trị thấp nhưng yêu cầu khách hàng phải thanh toán số lượng tiền nhiều hơn giá trị dịch vụ, hàng hóa thực tế. Hành vi của ông Thắng đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa dối khách hàng”, được quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Thế nhưng, Cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc lại cho rằng: Việc ông Thắng, thực hiện không đúng nội dung hợp đồng đã kí kết, hưởng lợi bất chính. Tuy nhiên, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hậu quả trên do ông Mẫn là người có trách nhiệm chính trong việc quản lí tiền của Nhà nước thiếu kiểm tra, giám sát không chặt chẽ, do đó ông Thắng không phạm tội lừa dối khách hàng. Chẳng lẽ, cung cấp hàng giả mà không bị phát hiện được khi nghiệm thu là không vi phạm?! Dư luận đang đặt dấu hỏi vì sao doanh nghiệp của ông Thắng cũng cung cấp máy giả tại một số xã, thị trấn của tỉnh Bình Thuận, nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật!?
Đâu là lương tâm, trách nhiệm?
Bà Lê Thị Hồng, vợ của ông Mẫn cho biết, hiện sức khỏe của ông Mẫn ngày càng sa sút, bệnh lao phổi tái phát ngày một nặng hơn. Hiện đang phải điều trị tại Phòng Cấp cứu - Khoa Lao, Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận, sức khỏe không bảo đảm cho việc thi hành án (THA).
Bà Hồng cho biết thêm: “Ngày 4/7/2019, Chánh án TAND huyện Hàm Thuận Bắc ra Quyết định trưng cầu giám định số 01/QĐ-CA về việc trưng cầu giám định tình trạng bệnh của ông Mẫn. Ngày 19/8/2019, Trung tâm Pháp y - Sở Y tế tỉnh Bình Thuận gửi giấy mời tôi đến Trung tâm Pháp y Bình Thuận với nội dung: “Để giám định bệnh tật, nếu không đến được vào ngày 3/9 thì đến vào ngày 9/9 hoặc ngày 16/9/2019”. Tôi không hiểu, lí do gì phải giám định và buộc gia đình tôi phải trả tiền cho việc giám định, trong khi gia đình tôi không yêu cầu. Mặc dù gia đình tôi chỉ mới nhận thông báo có 2 lần, nhưng cơ quan Công an khẳng định đã giao 3 lần. Tôi yêu cầu cung cấp biên nhận thì không được trả lời”.
Ngày 20/9/2019, TAND huyện Hàm Thuận Bắc ra Công văn số 06/CV-TA yêu cầu Cơ quan THA hình sự, Công an huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức thi hành Quyết định THA phạt tù số 26/2019/QĐ-CA ngày 3/6/2019 của Chánh án TAND huyện Hàm Thuận Bắc.
Sáng 1/10/2019, Đội THA công an huyện Hàm Thuận Bắc lại xuống Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận, cưỡng chế đưa Mẫn đi THA, mặc dù bệnh viện chưa cho xuất viện. Nghẹn ngào trong nước mắt, bà Hồng chia sẻ: “Chồng tôi nguyên là cán bộ Nhà nước, nhân thân tốt, có nơi ở địa chỉ rõ ràng. Vì lí do sức khỏe không bảo đảm THA nên chúng tôi mới xin hoãn. Ông Mẫn đâu phải đối tượng nguy hiểm cho xã hội mà phải cách li khỏi xã hội khẩn cấp như vậy?”
Thiết nghĩ, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã rút hồ sơ từ TAND tỉnh Bình Thuận để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Trường hợp phạm tội của bị cáo Huỳnh Thúc Mẫn, có phải buộc cưỡng chế THA khi người bệnh đang điều trị, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh và phòng ngừa răn đe tội phạm của TAND huyện Hàm Thuận Bắc hay không? Dư luận xã hội đang bức xúc và họ cần lời giải thích của chính quyền trước việc làm trên của các Cơ quan tố tụng huyện Hàm Thuận Bắc.