Vụ án Dự án Tây Hồ Tây: Hàng loạt "bất thường" diễn ra tại phiên tòa
Pháp luật - Bạn đọc 09/07/2019 09:27
Luật sư đưa ra nhiều bằng chứng …
Luật sư Đỗ Anh Thắng, Công ty luật Asem Việt Nam (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hữu Khiêm) cho rằng: Do sự vắng mặt của đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm nên chưa thể làm rõ được vai trò, trách nhiệm cá nhân những thành viên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (HĐ BTHT TĐC) như: Bà Nguyễn Thị Huệ, bà Liên, bà Hương, ông Thái Minh Tuấn và ông Lê Văn Thư, nguyên Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm... Các cá nhân này tham gia trực tiếp vào dự án với vai trò thành viên HĐ BTHT TĐC. Chủ tịch UBND huyện là người đã ký vào các quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất. Đồng thời, chưa làm rõ được đối tượng thiệt hại là của Công ty TNHH Phát triển T.H.T (Công ty T.H.T) hay Nhà nước; Số tiền thiệt hại cụ thể là bao nhiêu? Bao nhiêu của Công ty T.H.T và bao nhiêu của Nhà nước? Do cách tính áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa bóc tách được rõ xem cái nào các hộ dân được hưởng, cái nào UBND xã được hưởng, từ đó chưa xác định được Nhà nước và Công ty THT bị thiệt hại là bao nhiêu? Việc cho rằng bồi thường sai làm thiệt hại cho Nhà nước, thì tại sao thu hồi được 576 triệu đồng lại giao trả cho Công ty T.H.T giữ?
Cũng theo luật sư Đỗ Anh Thắng: Bị cáo Khiêm bị truy tố với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" (Khoản 2 Điều 281 Bộ luật Hình sự năm 2009) là không phù hợp với thực tế khách quan của hành vi phạm tội. Bởi các lẽ: Hành vi của bị cáo Khiêm không có dấu hiệu của việc tư lợi được quy định tại Điều 281, BLHS năm 1999. Bị cáo Khiêm không lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền hay bất cứ lợi ích vật chất nào từ người dân. Viện KSND cho rằng, bị cáo Khiêm đã ký vào Biên bản điều tra xác minh hiện trạng đất, Phiếu xác nhận nguồn gốc đất cho bà Hoàng Thị Tý cho đất bà Phượng và cho rằng, đây là họ hàng nhà bị cáo Khiêm. Tuy nhiên, tại phần xét hỏi tại tòa và tại các lời khai của bị cáo Khiêm tại Cơ quan điều tra, Viện KSND đều cho thấy, ông nội của bị cáo Khiêm và ông nội của bố chồng bà Tý là họ hàng rất xa. Bà Tý chỉ làm dâu bên họ nhà bị cáo Khiêm.
Hơn nữa, tại bút lục số 6782 lời khai của bà Tý xác nhận rằng, không có họ hàng với bất kỳ ai trong Tổ công tác, Hội đồng bồi thường. Việc cho đất là do bà Dung, Đội trưởng đội sản xuất số 1 đã hướng dẫn bà và con gái là Lan viết đơn. Sau đó, bà Lan ký thay chữ bà Tý vào bên cho. Đặc biệt, bà Lan là cán bộ Ban kiểm soát của HTX.
Bị cáo Khiêm không nhận bất kỳ đồng tiền nào từ các gia đình bên cho và nhận nêu trên nên không có dấu hiệu của tội tư lợi.
Đối với việc xác nhận của bị cáo Khiêm vào Giấy xác nhận nguồn gốc đất và ký vào Biên bản kiểm tra xác minh cho bà Oanh (là mẹ vợ bị cáo Khiêm) thì cũng chỉ là thủ tục hành chính như bao hộ dân khác. Việc bà Tuyết là con dâu bà Oanh, chị dâu vợ bị cáo Khiêm xin đất của bà Trà, Đội trưởng đội sản xuất số 2 từ năm 2005. Sau đó tự canh tác, nộp sản lượng, tiền dịch vụ vào HTX (theo sổ theo dõi năm 2007) thì cá nhân bà Oanh cũng không hề biết, bị cáo Khiêm lại càng không, chỉ đến khi UBND xã gọi ra nhận tiền thì bà Tuyết mới nói với bà Oanh (mẹ chồng bà Tuyết đồng thời là mẹ vợ bị cáo Khiêm). Đồng thời, bà Tuyết chở mẹ chồng là bà Oanh ra UBND xã để ký nhận tiền và ngay sau đó giao lại cho bà Tuyết.
Sau khi có được tiền bồi thường thì bà Tuyết cũng không chia cho bà Oanh hay biếu, cảm ơn bị cáo Khiêm. Ở đây, bà Oanh chỉ làm vì để bà Tuyết xin ruộng và nhận tiền. Do vậy, không có căn cứ chứng minh việc bị cáo Khiêm tư lợi.
Đối với hộ bà Nguyễn Thị Kim là thông gia của bà Oanh (mẹ vợ bị cáo Khiêm) thì bị cáo Khiêm kết hôn năm 1993, trong khi đó con gái bà Oanh là đã li hôn với chồng là Tiến (con bà Kim) từ năm 1992, trước thời điểm bị cáo Khiêm kết hôn.
Cũng như hộ bà Oanh, Tý, Phượng, hộ bà Kim cũng không hề chia tiền, biếu, tặng, cho bị cáo Khiêm tiền hay lợi ích vật chất nào khác. Như vậy, không có căn cứ khẳng định bị cáo Khiêm tư lợi ở đây.
Từ những phân tích trên, luật sư Thắng cho rằng: Việc Viện KSND truy tố bị cáo Khiêm với tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ" là không đúng với sự thực khách quan, không thỏa mãn mặt khách quan của tội phạm, không cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ". Đối với tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn" thì dấu hiệu tư lợi/vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân là dấu hiệu bắt buộc. Nếu không có dấu hiệu này thì sẽ không cấu thành tội phạm.
Trong lời bào chữa trước tòa, luật sư bào chữa của bị cáo Lục Văn Cường và Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Việc cân đối đất là rất công khai và UBND xã Xuân Đỉnh đã báo cáo bằng Văn bản số 557/UBND-ĐC ngày 7/10/2010, cho 5 cơ quan là UBND huyện, HĐ BTHT TĐC, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Phòng Quản lí đô thị huyện, cũng như đã công khai tại các cuộc họp giải quyết vướng mắc. Đồng thời, luật sư cũng đã viện dẫn văn bản chỉ đạo của ông Lê Văn Thư tại cuộc họp ngày 10/10/2011, về việc cân đối đất tại dự án Tây Hồ Tây thể hiện rõ lãnh đạo huyện đã biết việc này. Nếu nói thiếu trách nhiệm thì phải là trách nhiệm của lãnh đạo huyện, các phòng tham mưu của huyện và HĐ BTHT TĐC.
Từ những lập luận đưa ra, các luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra lại
Thông báo kết luận buổi làm việc ngày 10/10/2011 của ông Lê Văn Thư |
… Kiểm sát viên giữ quyền công tố điềm nhiên nghe điện thoại, khi tranh tụng
Trong khi các luật sư đưa ra những chứng cứ tranh tụng thì Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là ông Nguyễn Sinh Sáng, Phó phòng PC03 của Viện KSND TP Hà Nội không đối đáp lại các lập luận, chứng cứ mà các luật sư đưa ra. Thậm chí, ông Sáng còn liên tục bấm, "lướt" và nghe điện thoại "phớt lờ" những lời tranh tụng của luật sư. Đây là hành vi vi phạm tố tụng, không tôn trọng Hội đồng xét xử cũng như các luật sư tham dự phiên tòa. Luật sư đã buộc phải có ý kiến với Chủ tọa để nhắc nhở thái độ của Kiểm sát viên tham dự phiên tòa.
Từ thực tiễn trên, thiết nghĩ cần phải có quy định nghiêm cấm tất cả các thành viên của HĐXX, Viện Kiểm sát và các luật sư không được sử dụng điện thoại trong quá trình tranh tụng.
Đại diện VKSND TP Hà Nội nói chuyện điện thoại trong phiên tòa xét xử |
Đề nghị Viện KSND Tối cao, Viện KSND TP Hà Nội cần xem xét, kiểm điểm thái độ của ông Nguyễn Sinh Sáng tại phiên tòa vừa qua.