Viết tiếp bài phù phép đất nông nghiệp thành đất ở tại phường Kênh Dương, quận Lê Chân (Hải Phòng): Chủ tịch phường mua 3 tỷ nhưng không thành công?
Pháp luật - Bạn đọc 19/11/2020 07:54
Chủ tịch phường ra giá 3 tỷ đồng
Trao đổi với báo chí mới đây, bà Lê Thị Tuyết, Chủ tịch UBND phường Kênh Dương cho biết, bà ra giá 3 tỷ đồng cho một ngôi nhà xây trên vỉa hè tại ngõ 571, đường Nguyễn Văn Linh, song không được đồng ý.
Bà Tuyết cho rằng, chủ thực sự của ngôi nhà này là của ông Bình - lãnh đạo cấp phòng, thuộc một sở của TP Hải Phòng. Người đứng tên trên giấy tờ là ông Vũ Quang Huy, thường trú tại tổ 12, phường Kênh Dương.
Bản thân lãnh đạo này cũng thừa nhận với người dân về việc ông này cùng ông Huy “chung tiền” mua đất, xây nhà tại ngõ 571, đường Nguyễn Văn Linh. Công trình hiện đang bị đình chỉ do xây sai thiết kế và trong quá trình xây dựng có nhiều người xăm trổ đến đe dọa cư dân trong ngõ.
Nhiều người cao tuổi tại ngõ 571 đường Nguyễn Văn Linh vô cùng bức xúc trước sự lộng hành, coi thường pháp luật của ngôi nhà xây dựng trên đất nông nghiệp |
“Các ông ý ra giá những 5 tỷ đồng, tôi làm sao mua nổi. Họ bảo trong đó có cả tiền thuê "xã hội đen" trong lúc xây dựng. Quả thực tôi rất mệt mỏi với trường hợp này, tôi chỉ muốn mua xong rồi đập đi cho xong chuyện”, bà Tuyết nói.
Công trình này là nguồn cơn của việc nhiều cư dân ngõ 571 ký đơn tập thể, khiếu kiện hàng loạt quan chức từ phường Kênh Dương đến quận Lê Chân. Vụ việc kéo dài nhiều năm, người dân đã 44 lần gửi đơn song chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Báo chí từng có những bài viết phản ánh về việc “Đất nông nghiệp bị 'phù phép' thành đất ở” tại quận Lê Chân.
Ngôi nhà nhiều sai phạm
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngôi nhà nêu trên được xây trên đất nông nghiệp, có nhiều dấu hiệu cho thấy bị “phù phép” thành đất ở. Căn cứ hồ sơ địa chính năm 2005 thì thửa đất 168, tờ bản đồ địa chính số 36, có diện tích: 545,4m2 chủ sử dụng Phạm Thị Nhủ. Đối chiếu phương án bồi thường, hỗ trợ của Dự án cải tạo mương An Kim Hải năm 2010 thì thửa đất của bà Phạm Thị Nhủ đã bị thu hồi 629,8 m2 trong đó 200,0m là đất nông nghiệp làm nhà ở sau năm 1993 và 429,8 m là đất nông nghiệp tự sử dụng. Bà Nhủ đã nhận số tiền bồi thường là 234.456.033 đ và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Khuất tất nằm ở chỗ tại hồ sơ đề nghị hợp thức chuyển mục đích sử dụng đất của ông Vũ Quang Huy lại có giấy tờ mua bán chuyển nhượng với con trai bà Nhủ từ năm 2006. Theo Điều 191, Luật Đất đai năm 2013, ông Huy thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, giấy tờ này vẫn được cơ quan chức năng của quận Lê Chân chấp nhận.
Mặt khác, con trai bà Nhủ đã “bán” 130,0 m2, nhưng năm 2010, bà Nhủ vẫn là chủ sử dụng đất và nhận tiền bồi thường hỗ trợ.
Tại buổi làm việc giữa UBND phường với người dân ngõ 571, bà Lê Thị Tuyết cho rằng, phường xác định theo hiện trạng, không căn cứ vào bản đồ, sổ mục kê… Vậy “hiện trạng” đất ở của ông Vũ Quang Hụy được hình thành từ hè đường của ngõ 571 và phần diện tích đất thu hồi cải tạo mương An Kim Hải mà Nhà nước chưa sử dụng đến.
Liệu khi có chức vụ là quản lý đường thủy nội địa, đứng sau còn có thêm một quan chức cấp phòng ở một sở thuộc TP Hải Phòng, người ta có thể xẻ bờ mương, cuốc hè đường xây nhà và được sự “che chở” từ chính quyền địa phương?
Căn cứ bản đồ do bà Tuyết cung cấp, chỉ giới thu hồi mương An Kim Hải là một đường thẳng từ đường Võ Nguyên Giáp vào đến nhà ông Vũ Quang Huy. Tuy nhiên, bằng mắt thường, có thể thấy rõ đuôi nhà ông Huy “ăn lẹm” về hướng bờ mương khoảng 1m.
Theo bản đồ do bà Tuyết cung cấp, phía Đông nhà ông Huy giáp đất nông nghiệp còn lại của bà Nhủ. Trong khi tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do quận Lê Chân cấp thì phần đuôi nhà lại giáp đất gia đình khác. Dường như phường Kênh Dương đang cố tìm mọi cách hợp thức hóa cho phần đất của ông Huy.
Một điều kỳ lạ khác là năm 2007, quận Lê Chân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Vũ Đình Dũng, đối diện thửa đất hiện tại của ông Huy, mặt đường có chiều rộng 8m. Còn tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Huy cấp năm 2018, mặt đường được ghi là rộng 6,35m. Sau 9 năm, chiều rộng của đường mất đi 1,65m.
Nếu căn cứ theo hiện trạng có từ trước là đất của ông Dũng, thì cửa nhà ông Huy hiện tại chỉ rộng 2,2m. Theo Quyết định 1394 của UBND TP. Hải Phòng, chiều rộng này không đủ điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở. Phải chăng để hợp thức hóa đất, UBND phường Kênh Dương và quận Lê Chân đã vẽ đất, hay nhắm mắt làm ngơ để ông Huy lấn đất? Nếu thửa đất đó hoàn toàn không có vấn đề, tại sao nữ Chủ tịch phường lại phải ngỏ lời bỏ tiền ra mua lại? Hay đây là hình thức khắc phục hậu quả cho những sai phạm đã có?
Tại Quy định số 19-QĐ/TW về những điều Đảng viên không được làm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm sai quy định của Đảng và Nhà nước trong những việc như : quản lý nhà, đất, quỹ, thuế; cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, giấy phép xây dựng; cấp, sử dụng, chứng thực, xác nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; thẩm định, phê duyệt, đấu thầu, giao, nhận dự án; tuyển dụng, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức và lao động...
Ông Bình – lãnh đạo cấp phòng, thuộc một sở của TP Hải Phòng được bà Lê Thị Tuyết nhắc đến là ai? Ngày mới Online sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc vào các kỳ tiếp theo!