Vì sao đất khai hoang của người dân không được đền bù?
Pháp luật - Bạn đọc 04/07/2023 09:13
“Đất khai hoang” bị biến thành “đất rừng tự nhiên”(!)
Tạp chí Người cao tuổi nhận được đơn khiếu nại của ông Phan Văn Phúc, 68 tuổi ở xã Cửa Cạn, TP Phú Quốc, với nội dung: Từ năm 1995 đến năm 1998, gia đình ông đã khai khẩn một khu đất tại ấp 4, xã Cửa Cạn có diện tích khoảng 51.570m2 (theo bản đồ đo vẽ ngày 6/6/2011), làm nhà sinh sống ổn định và canh tác liên tục, hằng năm đều đóng thuế cho Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, từ khi có quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bầu, đất của gia đình ông dù doanh nghiệp và chính quyền địa phương kê khai nhưng lại không được hỗ trợ, bồi thường.
Ông Phan Văn Phúc đau xót trước việc doanh nghiệp thi công dự án kiểu bất chấp pháp luật, ngang nhiên san ủi đất đai, cây cối của gia đình ông khai hoang từ năm 1995-1998 nhưng không được đền bù, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. |
Ông Phúc cho biết: Khu đất nói trên sau này gia đình ông có chia cho con trai là Phan Văn Kha một phần diện tích khoảng 23.000m2 (không đo thực tế) để canh tác, trồng trọt. Trên đất có 1 giếng đào, trồng hoa màu và chuối. Đến năm 2010, do không nhận được đền bù, gia đình ông tiếp tục trồng thêm các loại cây như tràm bông vàng, xà cừ,…
Năm 2002, một người hàng xóm là ông Nguyễn Quốc Huệ có cho Phan Văn Kha thêm 1 mảnh đất liền kế bên, có diện tích 13.272m2 (đất có nguồn gốc khai khẩn từ năm 1995). Diện tích đất cho thêm này đã được Phó Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn Trần Kiều Hưng và cán bộ đo đạc kí, đóng dấu xác nhận qua Bản kiểm kê diện tích đất đai, cây trồng, vật kiến trúc của bên bồi thường hỗ trợ và tái định cư.
Toàn bộ 2 mảnh đất trên do con trai ông Phúc là Phan Văn Kha đứng tên đều nằm trong diện tích quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bầu của Công ty TNHH May thêu - Thương mại Lan Anh (Công ty Lan Anh). Năm 2017, dự án này được chính quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho doanh nghiệp.
Tháng 7/2009, gia đình ông Phan Văn Phúc nhận được Phiếu tham khảo đơn giá bồi thường và lấy ý kiến các hộ dân trong khu quy hoạch dự án, nhưng vô cùng bức xúc vì nội dung xác định nguồn gốc đất có nhiều “mâu thuẫn” - đất có nguồn gốc khai phá (khai hoang) lại biến thành đất rừng tự nhiên (vùng đệm). Cụ thể:
Hàng vạn cây cối của gia đình nhà ông Phan Văn Phúc trên diện tích đất cho con trai Phan Văn Kha bị doanh nghiệp san ủi, triệt hạ. |
Phía bên phải tờ Phiếu có ghi chú nguồn gốc đất của Phan Văn Kha, do cha Phan Văn Phúc khai phá năm 1998 cho lại con. Nhưng phía bên trái tờ Phiếu lại ghi đất đai của Phan Văn Kha có tổng diện tích là 46.319,24 là loại đất rừng tự nhiên (vùng đệm - 1998).
Ông Phúc bức xúc: “Mặc dù nguồn gốc đất cùng do tôi và ông Nguyễn Quốc Huệ khai khẩn từ năm 1995 -1998 nhưng không hiểu sao trong Phiếu tham khảo lại ghi là đất rừng tự nhiên. Trong khi diện tích đất của con trai tôi là Phan Văn Kha nằm giữa diện tích đất của tôi (Phan Văn Phúc, Nguyễn Quốc Huệ, Huỳnh Thành Tiến) và đã được UBND xã xác nhận là đất khai khẩn, nhưng đã biến thành đất rừng tự nhiên. Họ làm như vậy chẳng khác nào chơi trò “đánh lận con đen” nhằm hợp thức hóa, lấy đi thành quả lao động khai hoang của gia đình tôi”.
Sau hơn 10 năm làm đơn khiếu kiện, ngày 31/5/2023, cán bộ địa chính xã Cửa Cạn mới tiến hành đo đạc lại diện tích đất trên của gia đình ông Phúc để làm căn cứ xác định đền bù theo quy định. Diện tích sau khi đo đạc chỉ còn 27.684,1m2 (hụt đi hàng nghìn mét vuông) so với trước đây.
Mặc dù chưa có Quyết định thu hồi đất, chưa được đền bù nhưng từ tháng 5/2023, diện tích đất trên đã bị Công ty Lan Anh quây tường tôn bịt kín, ban đêm huy động phương tiện máy móc san ủi cây cối trên đất, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình ông Phúc.
“Họ không thể tự viện cớ là đất đã được cấp GCNQSDĐ nên có quyền vào khu đất của gia đình tôi để san ủi, phá hoại tài sản một cách bất chấp pháp luật như vậy được. Gia đình tôi đã trình báo và chính quyền địa phương lập biên bản, nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được xử lí, giải quyết dứt điểm”, ông Phúc cho biết thêm.
Người dân chưa “tâm phục khẩu phục” kết luận của Chủ tịch UBND TP Phú Quốc
Được biết, sau 12 năm làm đơn khiếu nại, làm đơn xin gặp lãnh đạo để đối thoại, ngày 5/6/2023, gia đình ông Phúc mới được ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc tổ chức buổi tiếp và làm việc để nghe trình bày về nội dung yêu cầu: Bồi thường quyền sử dụng đất; hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với diện tích 9.900m2 và đề nghị được đo đạc, lập phương án bồi thường đối với diện tích 27.684,1m2 theo quy định của pháp luật tại Dự án Khu du lịch Vũng Bầu do Công ty Lan Anh làm chủ đầu tư.
Theo Thông báo số: 366/TB-UBND ngày 9/6/2023 của UBND TP Phú Quốc, về kết luận của Chủ tịch UBND TP Phú Quốc tại buổi làm việc với ông Phúc như sau:
Tờ Phiếu tham khảo đơn giá bồi thường đất đai, hoa màu, vật kiến trúc khu vực quy hoạch khu du lịch Vũng Bàu của Công ty Lan Anh: Phía bên phải tờ Phiếu ghi chú nguồn gốc đất của Phan Văn Kha do cha Phan Văn phúc khai phá năm 1998 cho lại con. Nhưng phía bên trái tờ Phiếu lại ghi đất đai của Phan Văn Kha là loại đất rừng tự nhiên (vùng đệm -1998). |
Về kết quả xét duyệt nguồn gốc đất và công tác bồi thường, hỗ trợ, chi trả tiền cho ông Phan Văn Phúc. Năm 2009, Trung tâm Kĩ thuật và Môi trường phối hợp với UBND xã Cửa Cạn thực hiện đo đạc, kiểm kê đất đai, vật kiến trúc và cây trồng của các hộ dân trong khu vực quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái Vũng Bầu, tại ấp 4, xã Cửa Cạn. Khi đo đạc kiểm kê ông Phan Văn Phúc kê khai đo đạc thửa đất có tổng diện tích 14.160,10m2. Hội đồng tư vấn xét duyệt nguồn gốc đất xã Cửa Cạn xác định diện tích 4.260,10m2 được bồi thường, hỗ trợ và phần diện tích đất 9.900m2 do có Quyết định thu hồi sau thanh tra nên chỉ được hỗ trợ.
Năm 2010 và 2013, ông Phúc đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, tổng số tiền 2 lần nhận là 2.366.314.000 đồng.
Tại kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang cho biết, đã tiếp nhận được thông tin về vụ việc và đã chỉ đạo UBND TP Phú Quốc xem xét, giải quyết để tránh thiệt thòi cho người dân... |
Cũng theo kết luận này, phần diện tích đất 9.900m2, ông Phúc đã có đơn khiếu nại yêu cầu bồi thường, hỗ trợ nên Chủ tịch UBND TP Phú Quốc đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra TP Phú Quốc, Ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, UBND xã Cửa Cạn kiểm tra, xác minh, tham mưu Chủ tịch UBND TP giải quyết khiếu nại của ông Phan Văn Phúc hoàn thành trong tháng 7/2023.
Đối với phần diện tích đất 27.684,1m2: Khi kê khai, đo đạc, lập phương án ông Phúc không kê khai nên Nhà nước không lập phương án đối với phần diện tích này vì thuộc đất Nhà nước quản lí; đồng thời đến thời điểm này, phần diện tích trên đã được UBND tỉnh Kiên Giang cấp GCNQSDĐ cho Công ty Lan Anh. Nếu có tranh chấp, đề nghị ông Phan Văn Phúc có đơn gửi UBND xã Cửa Cạn để được giải quyết theo quy định.
Theo ông Phan Văn Phúc, kết luận như trên là chưa chính xác, vì phần diện tích đất 27.684,1m2 (đo đạc ngày 31/5/2023) là đất do gia đình ông khai hoang từ năm 1995-1998 (và chia cho con trai Phan Văn Kha đứng tên) nên cần được xem xét, bồi thường.
Ông Phúc thắc mắc: “Tại sao đất khai hoang của các hộ dân xung quanh, liền kề, liền thửa với đất gia đình tôi khai hoang (hơn 27.000m2) lại được đo đạc, kê khai đền bù thỏa đáng; nhưng đất gia đình tôi thì không được đền bù, thậm chí trước đây còn được “biến” thành đất rừng tự nhiên? Hơn nữa, phần diện tích 9.900m2 (trong tổng số hơn 14.000m2) gia đình tôi chỉ nhận được hỗ trợ mấy chục triệu đồng?”.
Ông Phúc cho biết, sẽ tiếp tục làm đơn khiếu kiện gửi các cơ quan Trung ương, tỉnh Kiên Giang để đòi lại công bằng.
Để có thông tin nhiều chiều, khách quan về vụ việc, ngày 15/5/2023, Tạp chí Người cao tuổi đã gửi giấy giới thiệu và đặt lịch đề nghị cung cấp thông tin làm việc với UBND TP Phú Quốc. Theo bà Hồ Thị Nguyễn Hạnh Tiên, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Phú Quốc, vụ việc đang giao cho các bộ phận chuyên môn rà soát và trả lời sớm cho báo chí theo quy định.