Nhịp cầu bạn đọc
Nhịp cầu bạn đọc 28/05/2024 14:10
Đơn của bà Lê Thị Hạnh và 5 hộ dân cho biết: Năm 1992, hưởng ứng phong trào vận động “phủ xanh đất trống đồi trọc” của UBND xã Đức Trạch, 6 hộ dân, gồm: Bà Hạnh, ông Nguyễn Thanh Long, bà Lê Thị Cúc, ông Hồ Văn Tư, ông Hoàng Văn Cảnh và ông Hoàng Văn Liền đã mua cây dương liễu và trồng tại bãi cát trắng ven biển thôn Đức Trung, với số lượng khoảng 4.000-5.000 cây, đến nay đã hơn 30 năm. Phần đất trồng cây của các hộ giáp ranh, liền kề với phần đất trồng cây dương liễu của gia đình ông Hái ở cùng thôn.
Các hộ dân cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho ông Hái đã cấp chồng lấn vào đất của các hộ dân đang sử dụng. |
Quá trình các hộ khai hoang và trồng hơn 3 chục năm, đến khi đất đang sử dụng bị rao bán cho người khác thì họ mới “té ngửa”, vì thửa đất của họ trồng cây và sử dụng hơn 3 chục năm bỗng dưng đã được cấp chồng lấn một phần sang cho hộ ông Hái. Cụ thể, năm 1997, ông Hái kê khai và được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 4,5,6, tờ bản đồ số 6 tọa lạc tại xã Đức Trạch, với tổng diện tích là 13.985m2, trong đó có một phần diện tích cấp chồng lên phần diện tích trồng cây của 6 hộ dân.
Ông Hái được cấp GCNQSDĐ nhưng các hộ dân không hề hay biết quá trình đo đạc, kí giáp ranh, xác định diện tích thực tế cũng không thấy ai thông báo và lấy ý kiến của họ. Thậm chí, một phần diện tích đã cấp sổ cho ông Hải còn chồng lấn một phần đất nghĩa trang của thôn.
Người dân ý kiến sổ đỏ của ông Nguyễn Thanh Hái cấp chồng lấn cả vào khu vực nghĩa trang, lăng mộ đã tồn tại bao đời |
Vụ việc khiến người dân bức xúc, dẫn đến việc tranh chấp giữa các bên về phần đất cấp GCNQSDĐ bị chồng lấn và cấp sai diện tích so với thực tế, gây mâu thuẫn giữa các gia đình sử dụng đất, mất đi “tình làng, nghĩa xóm”, gây thiệt hại về kinh tế, khiếu kiện kéo dài.
Trải qua 2 phiên tòa xét xử, phía TAND tỉnh Quảng Bình, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đều khẳng định, việc cấp GCNQSDĐ cho ông Hái là đúng pháp luật. Các cấp Tòa án cho rằng các hộ dân không có giấy tờ chứng minh được diện tích đất thuộc sở hữu của mình (!).
Tuy nhiên, bà Hạnh và 5 hộ dân cho rằng, bản án tuyên là chưa khách quan toàn diên, không xem xét đến nguồn gốc, quá trình sử dụng đất và các nhân chứng người địa phương. Các nhân chứng nguyên là lãnh đạo xã, cán bộ thôn đều khẳng định, UBND huyện Bố Trạch cấp đất cho ông Hái đã chồng lấn lên đất của 6 hộ dân. Ngay anh Nguyễn Thanh Long (con trai của ông Hái), cũng cho rằng, việc cấp GCNQSDĐ của bố mình bị chồng lấn vào các thửa đất của các hộ dân khác. Anh Long cho rằng, Tòa án nên xem xét thực tế khu đất để các hộ canh tác đất bao năm nay được hưởng quyền lợi đúng theo quy định.
Văn bản xác nhận của ông Hồ Dữa, nguyên Chủ tịch UBND xã Đức Trạch (giai đoạn 1990-2000) và xác nhận của bà Nguyễn Thị Hương, Trưởng hội Thanh niên xung phong thôn Đức Trung đều khẳng định, từ năm 1992, các hộ dân nêu trên đã cùng nhau trồng cây gây rừng theo chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của Nhà nước. Trên thực tế, các gia đình đã làm nhà ở và sinh sống trên khu vực đất tranh chấp đó một thời gian, sau đó họ mới chuyển đi nơi khác vì quá sát biển.
Ông Dữa cũng xác nhận, quá trình cấp GCNQSDĐ cho ông Hái không thông qua UBND cấp xã, nên ông không biết được việc UBND huyện Bố Trạch đã cấp GCNQSDĐ bị sai lệch diện tích cho ông Hái, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân khác cùng sinh sống tại địa phương.
Vì những lí do trên, bà Hạnh và 5 hộ đân đã gửi đơn kiến nghị đến TAND Tối cao để vụ án được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi chuyển nguyện vọng của bà Lê Thị Hạnh và 5 hộ gia đình đến TAND Tối cao xem xét, giải quyết theo quy định.
Đơn thư và tài liệu gửi về tòa soạn đề nghị ghi rõ địa chỉ và điện thoại liên lạc. Đơn thư và tài liệu không sử dụng tòa soạn không trả lại. Bạn đọc gửi tin bài theo hộp thư điện tử phapluatbandocbnct@gmail.com Quý vị theo dõi thông tin qua nhịp cầu bạn đọc đăng trên Tạp chí Người cao tuổi. |