Về sai phạm ở Dự án Khu đô thị Hoàng Long, TP Nha Trang: Cần có cái nhìn toàn diện về các vụ việc (Kì 2)
Pháp luật - Bạn đọc 08/03/2020 10:23
Bài II: Mức độ thiệt hại và trách nhiệm hình sự của các nhóm bị cáo
Do không được nhận Kết luận điều tra và Cáo trạng, khi đưa vụ án ra xét xử lại không được triệu tập với tư cách bị hại, nên Công ty UPGC không có điều kiện xác minh số liệu thiệt hại được ghi trong Kết luận và Cáo trạng. Thực tế số tiền mà Công ty đã chi đang có hóa đơn, chứng từ lưu giữ khi bồi thường, hỗ trợ cho 4 hộ dân không đủ điều kiện gồm các ông, bà: Lê Thanh Hóa; Trần Thị Thu Giang; Phạm Văn Lợi và Trần Thị Kim Anh là hơn 600 triệu đồng, hiện nay ông Phạm Văn Lợi với số tiền 165 triệu đồng chưa nộp trả. Lẽ ra, với số tiền đó, các bị cáo Vũ Thị Mai Hương và Võ Đức Cường sẽ bị khởi tố theo Khoản 2, Điều 230 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội có mức án tù từ 3 đến 12 năm; thay vì số tiền thiệt hại gần 280 triệu đồng, nên các bị cáo chỉ bị khởi tố, truy tố theo Khoản 1, tội có mức án phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Theo đó, các bị cáo: Lê Huy Toàn, Võ Mỹ và Lương Như Giáp cũng chỉ bị áp dụng Khoản 1, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Trong khi đó, nếu thiệt hại hơn 600 triệu đồng, phải áp dụng Khoản 2, Điều 360, thì mức án sẽ lên tới từ 3 đến 7 năm tù.
Bên cạnh thiệt hại về vật chất là số tiền bồi thường, hỗ trợ trái pháp luật cho 4 hộ dân, theo ông Trần Thanh Thịnh, còn thiệt hại về vật chất do doanh nghiệp ngừng hoạt động suốt 3 năm nay. Hàng chục cán bộ, công nhân viên của Công ty phải nghỉ việc không lương; doanh nghiệp phải trả lãi suất ngân hàng; chịu tổn thất về uy tín, danh dự. Đó là những khoản tổn thất hiện hữu phải được tính. Chưa nói đến thiệt hại của các hộ dân nằm trong diện phải giải tỏa, lẽ ra họ đã được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để ổn định cuộc sống, nhưng nay đang bị mắc kẹt, sống vật vưỡng trong cảnh màn trời chiếu đất chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt. Ngoài ra, các bị cáo còn gây mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, trong việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; gây ảnh hường xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Đây là vụ án gây bất bình trong Nhân dân nhiều năm nay, thuộc loại đại án ở Khánh Hòa. Bởi thế, khi thấy các cơ quan thực thi pháp luật dành cho các đối tượng trong đường dây tội phạm quá nhiều ưu ái, nên dư luận cán bộ, Nhân dân tỏ ra bất bình.
Khu đô thị Hoàng Long tiêu điều bên cạnh những nhà dân lụp xụp |
Không thông báo cho đại diện bị hại tham gia phiên tòa, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Không nhập vụ án “Giả mạo trong công tác” vào hai vụ án: “Vi phạm quy định về bồi thưòng, hồ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để xét xử, tạo nên cảnh trớ trêu: Các bị cáo trong vụ án này thuộc loại “cùng hội cùng thuyền” với các bị cáo trong vụ án khác, nhưng lại là nhân chứng của vụ án đó, thì không thể đem lại tính khách quan. Không nhập các vụ án để truy tố, xét xử dẫn đến việc đánh giá tính logic của hành vi, vai trò của từng bị cáo trong đường dây; chưa đánh giá đúng bản chất, mức độ vi phạm; xử lí các đối tượng vi phạm thiếu công bằng...
Chúng ta cần thống nhất đánh giá: Muốn có một bộ hồ sơ đủ điều kiện để được bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì ít nhất phải có ba điều kiện quan trọng. Đó là đất, nhà ở và hộ khẩu thường trú, hoặc tạm trú dài hạn. Để quán lí ba điều kiện thiết yếu này của các hộ dân, Nhà nước đã bố trí 3 cán bộ chuyên trách: Địa chính, Đô thị và Công an. Phối hợp và giám sát chặt chẽ hoạt động của 3 cán bộ này là Tổ trưởng dân phố và Chi bộ Đảng cơ sở. Thực tế lâu nay, khi người dân đặt viên gạch làm cái chuồng heo, cán bộ đô thị đã biết để đến đòi “giấy phép xây dựng”, huống hồ bây giờ là cả căn nhà, dù chỉ là nhà tôn. Cán bộ địa chính còn kĩ hơn, ai tách, ai nhập thửa, ai chuyển nhượng, ông ta đều biết cả. Cảnh sát khu vực vừa nắm chắc dân cư, lại thông thạo địa bàn. Ai thường trú, tạm trú, lưu trú anh ta đều biết hết. Bên cạnh 3 ông cán bộ này là Tổ trưởng dân phố. Bốn vị này đều nằm trong tay của Chủ tịch UBND phường. Là người dân cư trú ở Phước Long, đảng viên sinh hoạt ở Đảng bộ phường, tôi biết trong bản kiếm điểm hằng năm của Phó Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường, lúc nào cũng có đoạn: “Thường xuyên đi sâu, đi sát quần chúng, bán sát địa bàn, lắng nghe dân, có ý thức học tập để nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phục vụ Nhân dân; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo thành phố tháo gỡ, giải quyết mọi vướng mắc trong điều hành, chỉ đạo, được cán bộ và Nhân dân tín nhiệm, yêu mến”. Bản kiểm điểm tự xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đề nghị cấp trên khen thưởng. Vậy mà nay, khi ra tòa, đối diện với pháp luật, họ lại biện bạch, quanh co, cho rằng “nhiều việc quá không quán xuyên nổi; nhận thức pháp luật còn hạn chế, quá tin tưởng ở cấp dưới...”. Một số tình tiết họ còn “ngây thơ” “không biết”, “không nhớ” và ai cũng tỏ ra thành khẩn, trong sạch: “Không nhận bất cứ khoản tiền bồi dưỡng nào”!?
Một dãy lán do các tay cò đất dựng lên ở dự án Khu giết mổ tập trung tại thôn Phước Sơn, xã Phước Đồng, chờ được Hội đồng BTHT&TĐC phê duyệt |
Không ai khác, chính nhóm cán bộ này là mắt xích quan trọng nhất của vụ án, là nơi tạo lập hoàn chỉnh những bộ hồ sơ giả. Con số 71/79 bộ hồ sơ, với nhiều giấy tờ giả đã được Hội đồng thông qua, là minh chứng cho hành vi cố ý làm trái của họ, chứ không phải thiếu trách nhiệm. Họ phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Chúng tôi chia sẻ với nhóm cán bộ kiêm nhiệm, nhất là đội ngũ chuyên viên, nhân viên. Trước Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng, họ chỉ là người lấp chỗ. Việc hầu hết các trưởng, phó phòng chuyên môn của thành phố, là thành viên Hội đồng, nhưng không được mời họp thông qua hồ sơ, là minh chứng bộc lộ ý đồ thiếu trong sáng của Chủ tịch Hội đồng và Chủ tịch UBND phường. Tại tòa, khi được hỏi, ông Lê Huy Toàn còn cao giọng: “Việc gửi giấy mời là của văn thư. Vì sao các thành viên khác của Hội đồng không nhận được giấy mời, không phải là trách nhiệm của ông. Thử hỏi, ông không kí thì văn thư lấy đâu ra giấy mời để gửi? Hoặc nếu văn thư không gửi, với tư cách là Phó Chủ tịch, ông có xử lí được văn thư không? Trong lúc đó, các thành viên tô công tác, nhưng là chuyên viên của các phòng như các ông: Võ Mỹ, Lương Như Giáp, thì Chủ tịch Hội đồng lại mời đủ, yêu cầu họ kí đủ vào hồ sơ, để hôm nay họ phải lĩnh đủ án!?
Ông Lê Huy Toàn không thể trốn tránh trách nhiệm đổi với 71 hồ sơ không đủ điều kiện bồi thường đất ở và cấp đất tái định cư, thậm chí còn có trách nhiệm chính. Là Phó Chủ tịch phụ trách địa chính - đô thị, ông phải là người hiểu hơn ai hết thực trạng đất đai, nhà cửa của người dân, các công trình xây dựng và các dự án đô thị đang triển khai trên địa bàn TP Nha Trang. Sự thật, phần lớn dự án khu đô thị hiện nay, nguyên là những cánh đồng tôm, cánh rừng tự nhiên nghèo hoặc rừng trồng, có diện tích hàng nghìn đến nhiều nghìn mét vuông. Việc các hộ dân chỉ có đất 25 - 30m2 để kê khai làm hồ sơ, phải được xem là điều bất thường. Khi cấp đất tái định cư, theo nguyên tắc, lô đất tái định cư không lớn hơn lô thu hồi. Trường hợp lô đất thu hồi thực sự nhỏ hơn lô tái định cư, thì thẩm quyền kí quyết định giao đất tái định cư phải là Chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng với 39 lô đất trong số 71 lô làm bằng hồ sơ giả ở Dự án Hoàng Long chỉ có diện tích dưới 30m2, nhưng ông Lê Huy Toàn vẫn kí. Bởi vậy phải coi các quyết định đó là trái pháp luật, phải được thu hồi, hủy bỏ. (Còn nữa)