Về khiếu kiện hành chính ở TP Cần Thơ: Nhiều tình tiết mới để tái thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 01/06/2023 17:04
Nội dung vụ án
Theo Thông báo số: 306/TB-VKS-HC ngày 28/6/2019 của Viện KSND Tối cao gửi ông Phát:
Ngày 8/12/2006, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số: 2651/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ Dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài đoạn Cái Sơn - Hàng Bàng đến đường tỉnh 932, trên địa bàn quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy và huyện Phong Điền. Sau đây gọi là: Quyết định số 2651. Quyết định số 2651 bồi thường, hỗ trợ cho 18 hộ của quận Bình Thủy trong đó có hộ của ông Phát.
Ngày 1/12/2006, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thủy có Thông báo số: 30/TB.GPMB với tổng số tiền bồi thường đối với hộ ông Phát là: 1.109.934.120 đồng. Ngày 14/11/2007, UBND quận Bình Thủy ban hành Quyết định số: 2089/QĐ-UBND về thu hồi tổng diện tích 4.442,4m2 đất của ông Phát. Cho rằng Quyết định số: 2651 áp giá bồi thường thiệt hại về đất theo giá đất năm 2005 là không phù hợp, vì quyết định thu hồi đất của ông Phát ban hành ngày 14/11/2007. Ông Phát khiếu nại lên UBND TP Cần Thơ, yêu cầu áp giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi năm 2007; bồi thường đất nằm trong vị trí thâm hậu 50m của đường Nguyễn Văn Trường; bố trí thêm tái định cư.
Ông Trần Tấn Phát bên phần đất đã bị thu hồi. |
Ngày 22/5/2009, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số: 1544/QĐ-UBND, không chấp nhận khiếu nại của ông Phát.
Ông Phát khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên hủy một phần Quyết định số: 2651/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ.
Bản án sơ thẩm số: 04/2011/HCST ngày 24/5/2011 của TAND TP Cần Thơ: Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Phát đối với Quyết định số 2651. Ông Phát kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại Bản án phúc thẩm số: 40/2011/HCPT ngày 9/9/2011 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định: Bác yêu cầu của ông Phát đề nghị hủy một phần Quyết định số
2651; và Quyết định số 2149/QĐ-UBND ngày 8/9/2011 của UBND TP Cần Thơ về hỗ trợ phần chênh lệch cho ông Phát, với số tiền 196 triệu đồng là phù hợp với quy định.
Hủy phần quyết định của Bản án sơ thẩm số: 04/2011/HCST ngày 24/5/2011 của TAND TP Cần Thơ có nội dung: “Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Trần Tấn Phát đối với Quyết định số 2651. Ghi nhận sự tự nguyện của đại diện UBND TP Cần Thơ hỗ trợ cho ông Trần Tấn Phát số tiền 196 triệu đồng”.
Những tình tiết mới cần được xem xét
Một: Áp giá bồi thường của… 2 năm trước khi có quyết định thu hồi đất.
Hồ sơ vụ án thể hiện, Dự án đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn Cái Sơn - Hàng Bàng đến đường tỉnh 923) giai đoạn 1 thu hồi gần 1,4 triệu mét vuông đất của 2 quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ và huyện Phong Điền để xây dựng khu dân cư. Riêng quận Bình Thuỷ thu hồi đất của 18 hộ, trong đó hộ ông Phát là nhiều nhất 4.442,4m2.
Ngày 11/12/2006, UBND quận Bình Thuỷ ra thông báo số tiền ông Phát được đền bù tổng cộng 1,11 tỉ đồng (số tròn). Gần một năm sau, ngày 14/11/2007, cơ quan này mới ra Quyết định số: 2089/QĐ-UBND thu hồi số đất của hộ ông Phát.
Thông báo số 825/TB-TA ngày 30/6/2021 của TAND Tối cao. |
Sau khi nhận quyết định thu hồi đất, ông Phát phát hiện bảng giá mà UBND quận Bình Thuỷ áp dụng để tính ra số tiền trên, là bảng giá UBND TP Cần Thơ ban hành năm 2005 (Quyết định số: 11/2005/QĐ-UBND ngày 31/1/2005) chứ không phải bảng giá UBND TP Cần Thơ công bố năm 2007. Trong khi đó, Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, quy định: “Giá đất để tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất do UBND cấp tỉnh công bố theo quy định của Chính phủ”.
Tuy nhiên, tình tiết áp giá đền bù nói trên, chưa được Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xem xét, giải quyết.
Hai, việc áp giá đền bù giá đất loại 1 thành giá đất loại 3 hiện nay cần phải căn cứ vào hiện trạng. Trên thực tế, đất ông Phát chỉ cách đường chưa đến 1m nhưng toà phúc thẩm không áp dụng theo quy định mức giá các loại đất theo Luật Đất đai năm 2003 và Quyết định số: 104/2005/QĐ-UBND ngày 23/12/2005 mà lập luận “lời khai cả hai bên (ông Phát và UBND TP Cần Thơ) có khác nhau về khoảng cách (ông Phát nói cách đường chưa đến 1m, còn đại diện chính quyền nói là hơn 10m) nhưng đều là “không tiếp giáp với trục đường giao thông”! Tuy nhiên, tình tiết về lời khai có mâu thuẫn này, cũng chưa được 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm xem xét, giải quyết.
Ngoài 2 tình tiết mới trên, được biết: Xét đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm của ông Phát ngày 6/9/2020 đề nghị Chánh án TAND Tối cao xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm đối với Bản án Quyết định số: 40/2011/HCPT ngày 9/9/2011 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh đã có hiệu lực pháp luật; TAND Tối cao có Thông báo số: 825/TB-TA ngày 30/6/2021 gửi ông Phát “Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm/tái thẩm”, với nội dung: “Yêu cầu ông Phát sửa đổi, bổ sung cácnội dung sau đây trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo này: 1. Xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú: Hoặc kèm theo bản photo giấy tờ tùy thân.Trường hợp người đề nghị không sửa đổi, bổ sung đơn đề nghị và gửi lại cho TAND Tối cao trong thời hạn trên thì TAND Tối cao trả lại đơn đề nghị, tài liệu chứng cứ kèm theo cho người đề nghị và chưa thụ lí đơn đề nghị của đương sự”.
Ngày 23/7/2021, ông Phát đã có văn bản về thực hiện nội dung của Thông báo số: 825/TB-TA ngày 30/6/2021.
Xin nói rõ thêm về việc bố trí tái định cư: Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phát rút nội dung về việc xin cấp nền tái định cư, lí do sẽ làm đơn xin chính quyền xem xét giải quyết theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đến nay hơn 11 năm làm đơn, ông Phát chưa nhận được giải quyết, nên ông Phát có bổ sung nội dung này trong đơn gửi TAND Tối cao.
Từ những nội dung phản ánh trên, nên chăng các cơ quan chức năng cần xem xét, giải quyết theo thẩm quyền đối với vụ án theo đúng quy định của pháp luật về tái thẩm khi có tình tiết mới.