TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên: Người dân “tố” nhiều việc làm khuất tất của Bí thư Đảng ủy phường An Tảo (Kỳ 1)
Pháp luật - Bạn đọc 21/12/2019 15:49
Hô “biến” nhà xe gần tỷ đồng thành sân chơi cầu lông
Trụ sở phường An Tảo có 2 nhà để xe phục vụ cán bộ công nhân viên. Quy mô và thiết kế của 2 nhà để xe này chênh nhau tới gần tỷ đồng.
Năm 2008, UBND TP Hưng Yên phê duyệt dự án xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy – HĐND – UBND phường An Tảo, trong đó có hạng mục nhà để xe 1 tầng với 7 gian (mỗi gian kích thước 2,8m x 5m). Hiện nhà xe này vẫn đang được sử dụng phục vụ việc để xe của cán bộ công nhân viên. Đến tháng 10/2013, ông Vũ Ngọc Nam, khi đó là Chủ tịch UBND phường An Tảo đã ban hành Quyết định số 69/QĐ –UBND, về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình: Nhà để xe trụ sở làm việc UBND phường An Tảo. Công trình do UBND phường làm chủ đầu tư, gồm 1 tầng, nhà cao 7,5m, mặt bằng hình chữ nhật với chiều dài 18m, rộng 9m, gồm 5 gian, diện tích xây dựng 174m2. Tổng mức đầu tư là hơn 1 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.
Để xây dựng công trình này, tiếp theo Quyết định số 69 /QĐ-UBND, tháng 6/2014 ông Nam ban hành Quyết định số 67 QĐ –UBND, về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu Thi công xây dựng công trình Nhà để xe trụ sở làm việc UBND phường An Tảo. Đơn vị được duyệt trúng thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng Tuấn Minh, với tổng giá trị gói thầu hơn 918 triệu đồng. Thế nhưng kể từ khi hoàn thiện đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ một chiếc xe máy nào được để tại nhà xe này.
Bởi thiết kế được phê duyệt của công trình này ngay từ đầu đã mang bóng dáng của một sân chơi cầu lông “đội lốt” nhà để xe. Nhóm PV Báo Người cao tuổi đã đến địa phương xác minh và ghi nhận nhà để xe này được xây kín xung quanh, mái tôn cao, sàn bê tông cán phẳng và được phủ một lớp thảm cao su chống trơn trượt; hai bên tường được trang bị nhiều đèn cao áp chiếu sáng cùng hệ thống quạt điện treo tường và được treo cờ với các giải Nhất, Nhì, Ba và cờ Lưu niệm... sau những cuộc thi cầu long được tổ chức tại đây. Một sân chơi cầu lông với vạch kẻ bằng sơn trắng, cùng lưới, được dựng lên bằng cọc sắt. Đặc biệt, khu vực này luôn trong tình trạng cửa đóng the cài. Theo một số người dân, chỉ có ông Nam cùng một số người thân tín mới có chìa khóa để mở “vì đây là sân chơi cầu lông của ông Nam cùng bạn bè sau giờ làm việc, chứ không phải là sân cầu lông phục vụ cho phong trào thể dục thể tham của nhân dân trong phường”
Ông Vũ Ngọc Nam giới thiệu nhà trông xe xây dựng từ năm 2008, còn nhà trông xe mới thì cửa đóng then cài không giới thiệu |
Làm việc với PV, ông Vũ Ngọc Nam, hiện là Bí thư Đảng ủy phường An Tảo cho rằng, chủ trương xây nhà để xe là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cán bộ công nhân viên, tuy nhiên “nhiều anh em cán bộ không quen để xe tại nhà mà để xe ngoài trời, nên mình tận dụng nhà để xe mới này làm sân chơi cầu lông cho anh em cán bộ cùng người dân trên địa bàn có nơi vui chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe”. Khi PV đặt vấn đề có nhất thiết cần có thêm một nhà để xe với giá trị gần tỷ đồng, trong khi theo người dân thì chi phí để xây dựng công trình này thực tế thấp hơn rất nhiều, thì ông Nam né tránh không trả lời câu hỏi, nhưng vẫn khẳng định hoàn toàn minh bạch về vấn đề tài chính khi duyệt chi dự án. “Việc xây dựng công trình này cũng là vì chiều theo nguyện vọng của nhân dân trong phường. Bởi tại thời điểm ấy, phường không có sân chơi tập trung, mà nếu làm nhà thi đấu cấp phường thì lại không được phép”. Còn việc vì sao lán xe lại không được để xe? Ông Vũ Ngọc Nam viện lý do: “Bà con không cho cán bộ để xe bên trong mà muốn được mượn để làm sân thể thao, tập dưỡng sinh, chơi cầu lông” . Như lời ông Nam nói thì nhà xe “ trá hình” này chính là sân chơi cầu lông của địa phương được mở cửa 24/24, ai ra vào tùy thích để phục vụ mọi tầng lớp nhân dân trong phường.
Thế nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hồng, người mới được điều động về làm Chủ tịch UBND phường An Tảo lại cho biết, ông Nam – người tiền nhiệm của bà là người phê duyệt dự án, trong khi bản thân bà mới về nhận công tác, nên không biết việc nhà thi đấu cầu lông này vốn dĩ được phê duyệt xây dựng là nhà để xe. “Chính bản thân tôi cũng như văn phòng UBND phường không có chìa khóa để mở cửa cho các PV vào tham quan được”, bà Hồng phân bua và khẳng định.
“Kim thiền thoát xác” trượt Chủ tịch, quay về làm Bí thư phường
Việc điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi này sang nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác cũng là để người cán bộ đó có điều kiện phát huy phẩm chất, năng lực của mình tốt hơn nữa. Tuy nhiên, cách làm nhân sự của Ban Thường vụ Thành ủy Hưng Yên lại đang khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo ngại với trường hợp ông Vũ Ngọc Nam không đủ phiếu tín nhiệm cho chức danh Chủ tịch UBND xã Liên Phương, lại bất ngờ được quay trở lại phường An Tảo ở “ghế” Bí thư Đảng ủy phường.
Cũng theo nội dung đơn thư phản ánh của người dân phường An Tảo, thì do bộ máy chính quyền của xã Liên Phương, bị khuyết chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Để kiện toàn bộ máy, ngày 11/3/2019, Ban Thường vụ thành ủy Hưng Yên đã có Thông báo số 802-TB/TU thống nhất cho ông Vũ Ngọc Nam, thôi giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường An Tảo, đồng thời, điều động ông Nam đến công tác tại Đảng bộ xã Liên Phương, chỉ định tham gia Ban chấp hành Đảng bộ xã và giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Đảng ủy xã khóa XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020. Thông báo 802-TB/TU còn nói rõ, giới thiệu ông Vũ Ngọc Nam ứng cử để HĐND xã Liên Phương bầu vào vị trí Chủ tịch UBND xã. Cùng ngày, Ban Tthường vụ thành ủy Hưng Yên ban hành Quyết định số 1670-QĐ/TU về việc điều động cán bộ đối với ông Nam với nội dung như trên.
Quyết định điều động ông Nam về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Phương |
Trớ trêu là ý muốn của Ban Thường vụ Thành ủy lại không hợp với lòng dân xã Liên Phương, nên khi tổ chức để HĐND xã bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã trong cuộc họp bất thường ngày 27/3/2019, ông Vũ Ngọc Nam chỉ được 5/26 số phiếu và không trúng cử Chủ tịch UBND xã như kỳ vọng. Kết quả bầu này đã khiến ông Nam lâm cảnh “đi đã dở mà ở cũng… không xong”. Để “cứu” ông Nam, ngày 28/6/2019, Ban Thường vụ Thành ủy ra Thông báo số 879-TB/TU, với nội dung có thể nói là “độc nhất vô nhị” từ trước đến nay, là điều động ông Vũ Ngọc Nam, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Phương quay ngược trở lại vị trí công tác là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường An Tảo.
Dư luận cho rằng, việc điều động, luân chuyển cán bộ như vậy không khác gì trò “đánh cờ người” với nước tiến lên. Nhưng tiến làm sao được, khi nhiều người dân ở xã Phương Liên cho rằng “Ông này (ông Nam) luôn có thái độ hống hách, cửa quyền gây mất uy tín cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân; một con người như vậy thì không thể xứng đáng làm Chủ tịch của chúng tôi”. Điều này lý giải cho việc vì sao ông Nam chỉ có 5/26 phiếu bầu không đủ tín nhiệm.
Trả lời phóng viên về trường hợp điều động ông Vũ Ngọc Nam, ông Tạ Hồng Quảng, Bí thư Thành ủy Hưng Yên cho biết: Việc điều động, luân chuyển ông Vũ Ngọc Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường An Tảo đến công tác tại xã Liên Phương với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy và chức vụ dự kiến bố trí là Chủ tịch UBND xã nằm trong Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 10/11/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở phường, xã trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020 và cũng là một bước chuẩn bị cho nhân sự Đại hội Đảng bộ xã Liên Phương nhiệm kỳ tới. “Nhiều cán bộ đã được chúng tôi luân chuyển và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, tuy nhiên trường hợp đồng chí Nam không được tín nhiệm là điều chúng tôi rất lấy làm tiếc”. Tuy nhiên ông Quảng chỉ cười khi phóng viên hỏi về việc đưa ông Nam trở lại làm Bí thư phường An Tảo liệu có khiến người dân mất niềm tin vào sự minh bạch trong công tác cán bộ của địa phương?
(Còn nữa)