TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên: Người dân “tố” nhiều việc làm khuất tất của Bí thư phường An Tảo (Kỳ 2)
Pháp luật - Bạn đọc 22/12/2019 16:17
Có hay không việc “ngầm” để cấp dưới làm tờ trình xin cấp đất cho người thân?
Theo phản ánh của người dân phường An Tảo, mảnh đất mà vợ chồng ông Vũ Ngọc Nam đang ở cùng bà Mai Thị Sắn (mẹ vợ ông Nam), trước đây vốn là đất mượn của hợp tác xã. Thời điểm ông Nam làm Chủ tịch UBND phường An Tảo, đã có chuyện cán bộ chuyên môn lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho bố mẹ vợ của ông Nam là ông Đinh Văn Thụy (đã mất) và bà Mai Thị Sắn. Ngày 29/6/2012, UBND TP Hưng Yên đã cấp GCNQSDĐ số BI 014067 tại thửa đất số 21, tờ bản đồ số 31, diện tích 88,5m2 loại đất ở đô thị cho ông Đinh Văn Thụy và vợ là bà Mai Thị Sắn.
Không đủ tín nhiệm làm Chủ tịch UBND xã Liên Phương, ông Nam lại quay về làm Bí Thư Đảng ủy phường An Tảo |
Xác minh nguồn gốc diện tích đất này, báo cáo ngày 26/11/2019 của Văn phòng Đăng ký đất đai TP Hưng Yên, gửi UBND TP Hưng Yên, có nội dung khẳng định “Việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Đinh Văn Thụy là đúng quy trình, phù hợp với luật đất đai”.
Hồ sơ cấp GCNQSDĐ đúng là đúng quy trình và phù hợp Luật Đất đai, nhưng nội dung trong hồ sơ thì hoàn toàn mâu thuẫn, bởi mảnh đất được cấp cho gia đình ông Thụy vốn là đất đi mượn của hợp tác xã. Minh chứng tại Quyết định số 2070 QĐ – UBND do UBND thị xã Hưng Yên ban hành ngày 27/11/2007, về việc thu hồi đất do hộ gia đình ông Đinh Văn Thụy đang sử dụng tại số nhà 90, đường Nguyễn Văn Linh, phường An Tảo, thị xã Hưng Yên, để phục vụ GPMB nâng cấp, mở rộng quốc lộ 38B. Theo quyết định này thì năm 1993, UBND xã Hiến Nam đã khẳng định phần đất mà gia đình ông Thụy đang sử dụng được UBND xã cho mượn. Kết luận của Chánh thanh tra tỉnh Hải Hưng tại thời điểm năm 1993 cũng khẳng định: việc UBND xã Hiến Nam cấp đất sai thẩm quyền cho các hộ dân thì yêu cầu UBND xã Hiến Nam rà soát lại các hộ và nếu đủ tiêu chuẩn cấp đất hoặc không đủ tiêu chuẩn, nhưng đã xây dựng nhà cửa thì lập danh sách xin quyết định cấp đất và phải nộp tiền theo quy định.
Từ nguồn gốc đất đi mượn, không đủ tiêu chuẩn nhưng qua bàn tay “phù phép” của một số cán bộ phường An Tảo, đã giúp bố vợ ông Vũ Ngọc Nam trở thành chủ sử dụng mảnh đất hơn 88m2 tại con đường đẹp nhất TP Hưng Yên. Lãnh đạo TP Hưng Yên cho rằng việc cấp GCNQSDĐ cho bố vợ ông Nam là đúng theo Nghị định số 198/2004. Tuy nhiên điều này hoàn toàn trái so với quy định tại Nghị định 120/2010 sửa đổi Nghị định số 198/2004, về việc cấp GCNQSDĐ..Bởi nếu diện tích đất được xét để cấp GCNQSDĐ thì phải nộp phí chuyển đổi cùng thuế trước bạ. Nhưng thực tế, ông Đinh Văn Thụy chỉ nộp thuế trước bạ mà không nộp khoản tiền phí chuyển đổi khoảng 300 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan chức năng TP Hưng Yên có “vận dụng” luật để cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thụy, nhưng những công bộc này của dân, đã góp phần làm ngân sách Nhà nước bị thất thu khoảng 300 triệu đồng như đã viện dẫn ở trên và chính là ngôi nhà vợ chồng ông Nam đang ở. Đó cũng lý giải vì sao một số gia đình “quan chức” lại giàu lên từ đất, còn ngân sách của Nhà nước lại bị rút ruột từ các khoản tiền chuyển đổi mục đích đất đai.
Bên cạnh đó, trong nội dung Kết luận số 88 TB –UBKTTU ngày 18/6 /2019 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hưng Yên cũng khẳng định: Ông Vũ Ngọc Nam đang ở cùng với gia đình tại số nhà 410 đường Nguyễn Văn Linh, phường An Tảo, TP Hưng Yên thuộc thửa thất số 21, tờ bản đồ số 31, có giấy chứng nhận mang tên bà Mai Thị Sắn (mẹ vợ ông Nam) và bà Đinh Thị Vân (vợ ông Nam). Tuy nhiên gia đình có sử dụng phần diện tích 39,9m2 đất công phía sau nhà để thả gà (khu đất này được làm rào chắn bằng tôn, phía trong là lưới B40 và được lợp tôn diện tích khoảng 10m2). Việc làm này đã vi phạm quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hưng Yên đã yêu cầu ông Nam nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm; đồng thời vận động gia đình thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai.
Một cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nhưng lại không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Trong khi đó, nhiều kiến nghị, phản ánh về các dấu hiệu sai phạm của ông Nam được gửi đến các cơ quan chức năng thành phố và tỉnh Hưng Yên, nhiều câu hỏi đã được đặt ra? Song đến nay người dân phường An Tảo nhận được vẫn chỉ là những câu trả lời chưa rõ ràng.
Nhà giữ xe xây gần 1 tỷ đồng biến thành nhà chơi cầu lông |
Theo Luật sư Tạ Quang Trang, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc ông Vũ Ngọc Nam, Bí thư Đảng ủy phường An Tảo lúc còn là Chủ tịch phường đã phê duyệt xây dựng nhà thi đấu trá hình nhà xe, cần phải có các căn cứ về thẩm quyền, hạn mức được phê duyệt của Chủ tịch UBND cấp phường xã và hiện trạng các công trình đang sử dụng.
Trường hợp có căn cứ việc ông Vũ Ngọc Nam phê duyệt nhà để xe của cán bộ công nhân viên ủy ban phường, nhưng hiện trạng là nhà thi đấu cầu lông và các bộ môn thể thao khác là có vi phạm thì căn cứ, đối chiếu các quy định về chức năng quyền hạn của Chủ tịch UBND phường được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Bộ luật Hình sự, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công để xử lý về trách nhiệm của ông Nam khi ký Quyết định số 69/QĐ-UBND năm 2013 và Quyết định số 67/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình: Nhà để xe UBND phường An Tảo; phê duyệt kết quả chỉ định thầu gói thầu thi công xây dựng nhà để xe trụ sở làm việc UBND phường An Tảo.
Đó là lý do vì sao đông đảo dư luận tại địa phương cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên cần có sự vào cuộc để xem xét các nội dung phản ánh của công dân với ông Nam, nhằm chuản bị công tác nhân sự tại phường An Tảo, nhất là trong thời điểm Đại hội Đảng lần thứ 13 đang ở rất gần, tránh được việc đưa những cán bộ không đủ uy tín có nhiều dấu hiệu sai phạm vào cấp ủy.