Tổng Công ty Bình Dương đã “vượt mặt” Tỉnh ủy để “hóa kiếp” 43ha đất công như thế nào?
Pháp luật - Bạn đọc 07/10/2019 14:17
Một số hình ảnh về dự án Tân Phú đang gây lùm xùm trong dư luận
Âm thầm “hóa kiếp” hàng chục héc-ta đất công với giá bèo bọt?
Ngày 1/7/2010, Tổng Công ty Bình Dương kí Hợp đồng thỏa thuận với Công ty CP Bất động sản Âu Lạc để thành lập liên doanh - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú. Mục đích của việc thành lập liên doanh nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án 43ha thuộc khu đất dịch vụ rộng hơn 567ha mà Tổng Công ty Bình Dương đã giao hồi năm 2004. Theo đó, Công ty Tân Phú có vốn điều lệ là 200 tỉ đồng, trong đó Tổng Công ty Bình Dương góp 60 tỉ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ và Công ty Âu Lạc góp 140 tỉ đồng, chiếm 70% vốn điều lệ.
Ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương ban hành Công văn số 407 – CV/TU về việc phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của Tổng Công ty Bình Dương, trong đó đã chỉ định rõ, Tổng Công ty Bình Dương phải chuyển khu đất 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương. Thế nhưng Tổng Công ty Bình Dương lại không thực hiện, mà tự ý chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú từ ngày 8/12/2016, với giá chỉ gần 600.000 đồng/1m2, trong khi giá thị trường lên tới cả chục triệu đồng/m2.
Mặc dù đã chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú, nhưng Tổng Công ty Bình Dương vẫn báo cáo trong văn bản số 98/TCTY – TCKT ngày 19/7/2017 gửi UBND tỉnh và Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh Bình Dương rằng, Tổng Công ty Bình Dương sẽ chuyển giao khu đất 43ha cho Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Dự án tỉnh Bình Dương.
Do không còn đất để chuyển giao cho Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Dự án tỉnh Bình Dương như đã báo cáo trước đó nên Tổng Công ty Bình Dương đã nghĩ ra “chiêu trò” lấp liếm nhằm hợp thức hóa cho khu đất 43ha mà Công ty Tổng Công ty đã tự ý chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú. Cụ thể, ngày 10/10/2018, Tổng Công ty Bình Dương có Công văn số 101/TCTY – TCKT gửi Tỉnh ủy Bình Dương xin điều chỉnh chi tiết phương án sử dụng đất theo Công văn 407 CV/TU: “Theo Công văn 407-CV/TU, thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương cho chuyển giao khu đất 43ha tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một nằm trong danh mục 41 khu đất bàn giao về Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương, nhưng thực chất đây là phần vốn góp 30% của Tổng Công ty Bình Dương tại Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú và việc chuyển nhượng phần vốn góp này đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý theo Thông báo 287-TBTU ngày 20/4/2017, do đó đề nghị điều chỉnh Công văn số 407 – CV/TU và cho phép chuyển nhượng vốn góp trên (trong đó có quyền sử dụng dất 43 ha), không chuyển giao về cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lí Dự án Bình Dương”.
Phát hiện ra "ý đồ" của Tổng Công ty Bình Dương, Tỉnh ủy Bình Dương ra Thông báo số 512 – TB/TU nêu rõ: “Trong công văn số 101/TCTY ngày 10/10/2018 của Tổng Công ty Bình Dương về xin điều chỉnh phương án đất có thể hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không phải góp vốn bằng tiền. Do đó, để thực hiện nghiêm túc, thống nhất chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy đã cho Công ty góp 30% vốn bằng tiền, Thường trực Tỉnh ủy quyết định thu hồi chủ trương đã cho chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú, để tiếp tục làm rõ thêm một số vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy”. Thông báo này cho thấy Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương không chấp thuận ý đồ hợp thức hóa sai phạm của Tổng Công ty Bình Dương.
Trong một diễn biến khác, báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương đều không xác định, phân định được đây là đất công hay đất tư. Tuy nhiên, hai cơ quan này đều nhận định, dù là tài sản được hình thành có nguồn vốn từ ngân sách hay ngoài ngân sách, nhưng khi chuyển nhượng phải báo cáo cơ quan chủ quản và giá chuyển nhượng phải sát với giá thị trường, nhằm tránh thất thoát vốn doanh nghiệp kinh tế Đảng.
Cố ý làm trái quy định?
Theo nhận định của nhiều luật sư thì tại thời điểm chuyển nhượng khu đất 43ha, Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương vẫn là Doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn Điều lệ. Do đó khu đất 43 ha được Sở TM&NT cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty TNHH Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương ngày 6/2/2013 là tài sản của Nhà nước.
Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì mọi tài sản do doanh nghiệp đứng tên quản lý, sử dụng đều thuộc quyền quyết định, định đoạt của chủ sở hữu là nhà nước (cụ thể là Tỉnh ủy Bình Dương). Do đó khu đất 43ha nêu trên là tài sản của Nhà nước trong doanh nghiệp, mà không phụ thuộc nó được hình thành từ vốn tự có hay vốn huy động.
Việc chuyển nhượng khu đất 43ha với mức giá 250 tỷ đồng được cho là quá thấp so với giá thị trường. Đó là chưa kể, việc chuyển nhượng 43 ha đất này phải thông qua hình thức bán đấu giá. Theo quy đinh tại Mục a.1 Khoản 1, Điều 17 Thông tư 78/2014/TT – BTC hướng dẫn thi hành nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định: “Trường hợp giá chuyển quyền sử dụng đất theo hợp đồng chuyển nhượng, mua bán bất động sản thấp hơn giá đất tại bảng giá đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm kí hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì tính theo giá đất do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng bất động sản”.
Điều rõ là nhất là việc chuyển nhượng của Tổng Công ty Bình Dương đã trái chủ trương của Tỉnh ủy Bình Dương. Bởi khu đất 43ha là tài sản thuộc quyền định đoạt của Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, đã được Tỉnh ủy có chủ trương chuyển nhượng cho Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương theo công văn 407/CV – TU ngày 29/7/2016 nhưng Tổng Công ty Bình Dương đã tự ý chuyển nhượng cho Công ty Tân Phú…
Vừa qua, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, chủ trương của Tỉnh ủy chỉ cho phép Tổng Công ty Bình Dương góp vốn thành lập công ty liên doanh để thực hiện dự án bằng tiền mặt chứ không cho phép góp vốn bằng tài sản đất, không cho bán, chuyển nhượng 43 ha khu đất dự án nói trên.