Tỉnh Đắk Lắk: Hộ ông Đặng Minh Hùng có đủ căn cứ pháp luật về quyền sử dụng đất
Pháp luật - Bạn đọc 14/01/2021 09:39
Ông Đặng Minh Hùng, sinh năm 1951, ở số nhà 50, đường Nguyễn Văn Linh, khối 11, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, tính Đắk Lắk gửi đơn đến Tạp chí Người cao tuổi, đề nghị tư vấn pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người cao tuổi. Đơn đề nghị xác minh, làm rõ tính pháp lí của Quyết định số 1179-QĐ-UB ngày 2/5/2001 và Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 22/9/2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho Nông trường Cư Bao, trong đó có diện tích 52,6 ha đất của gia đình ông được Liên hiệp các xí nghiệp Cao su Đắk Lắk giao đất năm 1989 để trồng cao su. Hiện nay, gia đình ông đã trồng cao su trên diện tích này, ổn định, đúng quy hoạch, không tranh chấp, đang trong chu kì khai thác mủ cao su.
Đơn của ông Hùng có nội dung: “Ngày 24/10/2017, gia đình tôi kê khai đăng kí quyền sử dụng đất (QSDĐ) gửi UBND tỉnh Đắk Lắk. Ngày 26/12/2017, Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk có Văn bản số 506/CT-NSPC cho biết, ngày 22/9/2008, UBND tỉnh có Quyết định số 2477/QĐ-UBND cho Nông trường Cư Bao thuê đất và cấp sổ đỏ số AM 204476 cho Nông trường có cả diện tích 52,6ha đất đã giao cho gia đình tôi từ năm 1989. Sau khi phát hiện vụ việc này, tôi có đơn khởi kiện Quyết định số 2477 của UBND tỉnh Đắk Lắk. Trong quá trình giải quyết vụ kiện, tôi phát hiện Quyết định số 2477, là quyết định tiếp nối có liên quan đến Quyết định số 1179/QĐ-UB ngày 2/5/2001, UBND tỉnh Đắk Lắk cấp sổ đỏ số P002633 cho Nông trường Cư Bao có cả phần diện tích 52,6ha đất đã giao cho gia đình tôi trồng cao su từ năm 1989”.
Con trai ông Đặng Minh Hùng giới thiệu với PV vườn cao su của gia đình trồng từ năm 1989. |
Với chức năng giám sát việc thi hành pháp luật, bảo vệ pháp luật, góp phần giải quyết khiếu kiện, khiếu nại, củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền, phóng viên (PV) Tạp chí Người cao tuổi đã vào Đắk Lắk, đăng kí làm việc với ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh là người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, tại Giấy ủy quyền số 9394/UQ-UBND ngày 21/10/2020) trong vụ án kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai, người khởi kiện là ông Đặng Minh Hùng.
PV Tạp chí Người cao tuổi cũng đã làm việc với lãnh đạo nông trường Phú Xuân, đại diện ủy quyền của Công ty Cao su Đắk Lắk, hộ ông Đặng Minh Hùng và xuống vườn cao su kiểm tra thực địa, nhằm thu thập thông tin khách quan, đa chiều, phản ánh trung thực, xung quanh nội dung kiến nghị của ông Hùng gửi về tòa soạn.
Hộ ông Hùng có nguồn gốc đất giao 52,6ha trồng cao su đúng quy định của pháp luật
Qua hồ sơ giao đất trồng cao su của hộ ông Đặng Minh Hùng còn lưu giữ và hồ sơ của Công ty Cao su, đối chiếu với các quy định của pháp luật tại thời điểm năm 1989, gia đình ông Hùng được giao đất, thể hiện như sau:
Tại thời điểm năm 1989, Liên hiệp các xí nghiệp Cao su Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk giao 1.600ha để trồng cao su theo Quyết định số 1241/QD-UB ngày 23/11/1985 tại xã Cư Bao.
Khoản 2, Điều 27, Luật Đất đai năm 1987 quy định: “Các nông trường, lâm trường, trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp được giao lại cho các hộ thành viên của mình một diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp trong số đất được Nhà nước giao sử dụng ổn định, lâu dài để các hộ này làm kinh tế gia đình”. Khoản 1 và 2, Điều 29 Luật Đất đai năm 1987 quy định: “Ở những nơi còn đất chưa sử dụng thì UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thể giao loại đất này cho các tổ chức hoặc các hộ thành viên của hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, ngư nghiệp, nghề muối, nông trường, lâm trường, trạm, trại nông nghiệp, lâm nghiệp, công nhân, viên chức và Nhân dân để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.Đối với đất trống, đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt thì được giao theo chính sách giao đất, giao rừng để trồng trọt và chăn nuôi; đất giao cho mỗi tổ chức và cá nhân là căn cứ vào khả năng sử dụng, không hạn chế về diện tích”. Khoản 2, Điều 19 Nghị định 30-HĐBT quy định: “Đối với các nông trường, lâm trường, trạm trại nông nghiệp, lâm nghiệp: a) Mức đất làm kinh tế gia đình tính theo hộ. b) Đất được trích bao gồm đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. c) Khi chủ hộ là thành viên của nông trường, lâm trường, trạm trại nông nghiệp, lâm nghiệp nghỉ hưu tại chỗ thì được tiếp tục sử dụng đất làm kinh tế gia đình”.
Từ những căn cứ trên, tại cuộc họp ngày 15/3/1989, UBND tỉnh Đắk Lắk cho phép Liên hiệp các xí nghiệp Cao su được liên kết với các đơn vị và cá nhân trồng cao su. Ngày 20/3/1989, Liên hiệp các xí nghiệp Cao su Đắk Lắk có Quyết định số 17/QĐ-LH, giao 50 ha đất đã khai hoang năm 1989, thuộc lô 40+41 của Nông trường Cư Bao cho ông Đặng Minh Hùng công nhân lái xe của Liên hiệp các xí nghiệp Cao su, để ông Hùng trồng cao su (thực tế trên thực địa là 52,6ha).
Sau khi giao đất, Nông trường Cư Bao và hộ ông Hùng kí Hợp đồng nguyên tắc ngày 22/5/1989, tại mục 2.5 có nội dung: “Bên A (Nông trường Cư Bao) có trách nhiệm lo làm đủ thủ tục về QSDĐ cho bên B (hộ ông Hùng) nhưng không tách rời quy hoạch tổng thể của bên A”.
Hộ ông Hùng đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ
Hộ ông Hùng đã trồng cao su trên đất được giao, ổn định, đúng quy hoạch và không có tranh chấp. Hộ ông Hùng bỏ tiền khai hoang đất, trả tiền thuê đất hàng năm (phần diện tích trong hạn mức và vượt hạn mức) cho UBND xã Cư Bao và trả tiền vay Dự án 327 cho Nông trường Cư Bao theo kế hoạch hàng năm.
Như vậy, nguồn gốc đất của hộ ông Hùng là rõ ràng, phù hợp với các quy định của pháp luật, đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo Điều 49, Điều 50, Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 1, Điều 100, Luật Đất đai năm 2013.
Song, hộ ông Hùng không được cấp sổ đỏ cho diện tích đã được giao trồng cao su, vì đất hộ ông đang quản lí, canh tác ổn định, đã bị UBND tỉnh giao và cấp sổ đỏ cho Nông trường Cư Bao 20 năm qua, dẫn đến vụ kiện hành chính xảy ra.
Tạp chí Người cao tuổi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.