Vợ thương binh đề nghị cấp sổ đỏ nhà Đại đoàn kết được tặng nhưng đến khi qua đời vẫn chưa được giải quyết
Đơn thư bạn đọc 02/06/2022 14:26
Nhà Đại đoàn kết xây chồng lên đất nhà văn hóa thôn, ai chịu trách nhiệm?
Vừa qua, phóng viên Ngày mới Online (Tạp chí Người cao tuổi) nhận được phản ánh của người dân xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình về việc một gia đình chính sách được tặng nhà Đại đoàn kết, nhưng sau nhiều năm lặn lội xin cấp sổ đỏ nhưng vẫn không được cấp.
Ngôi nhà Đại đoàn kết của cụ Nguyễn Thị Náo do Quỹ Thiện Tâm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình tặng |
Tìm hiểu được biết, cụ Nguyễn Thị Náo là vợ của thương binh Ngô Văn Phịu (đã mất năm 1997), thường trú ở thôn Thượng Hải, xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Năm 2011, cụ Náo được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình tặng nhà Đại đoàn kết từ nguồn kinh phí quỹ Thiện Tâm.
Trong tờ trình gửi UBND xã Ngư Thủy, cũng như trao đổi với phóng viên, ông Ngô Trung Phương (con trai cụ Náo) cho biết, tháng 9/2005, ông Phương có khai hoang một mảnh đất ở vị trí giáp ranh giữa hai thôn Thượng Hải và thôn Thượng Nam để làm nhà ở. Khi đang xây dựng nhà thì xã có thông báo đình chỉ không cho gia đình làm, với lý do đất đã quy hoạch để làm trạm y tế xã. Nhận được thông báo, ông Phương chấp hành chỉ đạo của xã và đồng thời tiếp tục đề xuất xã tạo điều kiện cho khai hoang đất ở vị trí khác để làm nhà. Lúc đó, cán bộ địa chính và Phó Chủ tịch UBND xã đã giao cho ông Phương một mảnh đất cách vị trí đó không xa, với diện tích có chiều ngang 25 mét và chiều sâu 27 mét, và ông Phương đã xây tường rào bao quanh khu đất này để khi có đủ tiền thì tiếp tục làm nhà ở.
Đến năm 2011, cụ Nguyễn Thị Náo được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình tặng nhà đại đoàn kết từ nguồn kinh phí quỹ Thiện Tâm. Triển khai xây dựng nhà Đại đoàn kết cho cụ Náo, cả bên gia đình và chính quyền xã cũng như phía nhà tài trợ đều thống nhất xây tại vị trí đất của ông Phương được giao nói trên. Sau khi xây dựng nhà xong, cụ Náo đã về ở trong sự chăm sóc của con cháu và không hề có tranh chấp nào từ người dân hay thu hồi của chính quyền và cơ quan chức năng nào cả.
|
Do không được cấp sổ đỏ nên nhà Đại đoàn kết tặng cụ Náo khi hư hỏng không được sửa chữa nên ngày càng xuống cấp nghiêm trọng |
Tuy nhiên, đến cuối năm 2019, khi bà Náo có tờ trình và ủy quyền cho con Trai của mình là ông Ngô Trung Phương đến UBND xã xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tu sửa lại nhà cửa thì mới biết phần đất xây nhà Đại đoàn kết cho bà Náo thuộc đất cơ sở văn hóa thôn Thượng Hải. Và đã được UBND tỉnh Quảng Bình cấp quyền sử dụng đất vào ngày 27/7/2009, thửa đất số 5, tờ bản đồ số 6, số phát hành: AP 387785.
Do nhà đất không được cấp sổ đỏ, nhà xuống cấp nên lúc còn sống cụ Nguyễn Thị Náo phải về ở nhà con trai |
Ông Phương bức xúc: “Trước đây tôi khai hoang để làm nhà dưới này, nhưng xã đã đình chỉ và thu hồi để xây trạm xá, chúng tôi cũng chấp hành và xã đã đổi cho tôi đến vị trí hiện tại. Do điều kiện khó khăn nên tôi chưa xây dựng nhà mà đi làm ăm ở Miền Nam. Đến năm 2011 thì mẹ tôi được tặng nhà Đại đoàn kết, và cả xã và Bộ đội Biên phòng đưa đến đó để xây nhà cho mẹ tôi. Được quan tâm tặng nhà cho mẹ nên anh em con cháu chúng tôi ai cũng vui mừng đồng thuận mà không có ý kiến gì cả. Bây giờ theo nguyện vọng của mẹ tôi là làm sổ đỏ thì họ bảo bị chồng lên đất nhà văn hóa thôn nên không cấp được là sao? Đất tôi làm từ năm 2005, không tranh chấp với ai cả, Nhà nước cũng chưa có việc thu hồi, đặc biệt khi xây nhà Đại đoàn kết cho mẹ tôi đều có khảo sát nhất trí của xã và Biên phòng, rồi bây giờ lại cho rằng bị chồng lấn đất, để không cấp sổ đỏ cho dân chúng tôi? ”.
Xã quy hoạch để bán đấu giá?
Tìm hiểu được biết, thửa đất đã xây dựng nhà Đại đoàn kết cho cụ Nguyễn Thị Náo mặc dù đã được UBND tỉnh Quảng Bình cấp quyền sử dụng đất cho văn hóa thôn Thượng Hải. Nhưng hiện tại nhà văn hóa thôn đã được xây dựng ở một vị trí khác.
Làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nguyễn Hữu Hiến xác nhận có sự việc xảy ra, phía chính quyền đã tiếp nhận đơn của gia đình cụ Náo và chỉ đạo bộ phận tham mưu rà soát và đã có văn bản trả lời gia đình.
“Trong trường hợp này thì xã sẽ rà soát lại quy hoạch, nếu vùng này đã quy hoạch đất ở thì sẽ xem xét đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích từ đất công sở sang đất ở để cấp cho người dân”, ông Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy nói.
Trụ sở UBND xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy |
Trong khi đó, bà Dương Thị Ngân, cán bộ địa chính xã Ngư Thủy sau khi được Chủ tịch UBND xã chỉ đạo làm việc với phóng viên cho hay: “Khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp đất của con cụ Náo (vì cụ Náo đã già yếu nên ủy quyền cho con là ông Phương), đã kiểm tra thực địa, nguồn gốc thì phát hiện thửa đất xây nhà cho cụ Náo nằm trong khuôn viên đất hội trường thôn Thượng Hải, do UBND tỉnh cấp năm 2009. Giờ đối chiếu theo Luật Đất đai thì thửa đất này không đủ điều kiện để cấp sổ đỏ, vì thửa đất đã có thẻ đỏ rồi. Và hiện tại nhà văn hóa thôn đã di dời xây dựng chỗ khác, còn ở đó đã quy hoạch đất ở và đã được phê duyệt, dự kiến trong năm 2022 xã sẽ phân lô để bán đấu giá”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi với một hộ gia đình chính sách được tặng nhà Đại đoàn kết, việc triển khai xây dựng phải được khảo sát thống nhất từ chính quyền địa phương, đơn vị tài trợ và gia đình, nhưng nay lại đưa vào bán đấu giá thì có đúng không? Thì Chủ tịch UBND và cán bộ địa chính xã Ngư Thủy mới ậm ờ trả lời là không đúng, vì đây là hộ gia đình chính sách, nên sẽ trình lên cấp trên xem xét xử lý (!?). Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, xã này vẫn chưa hề có văn bản hay đề xuất trực tiếp lên cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời cho người dân.
Mặc dù đã xây nhà Đại đoàn kết cho cụ Nguyễn Thị Náo, nhưng UBND xã Ngư Thủy vẫn không làm thủ tục để cấp sổ đỏ cho cụ mà đưa vào quy hoạch bán đấu giá |
Trao đổi với phóng viên, ông Phương cho biết: sau thời gian dài chờ cấp sổ đỏ để tu sửa lại nhà cửa vì đã xuống cấp nhưng không được, cụ Náo phải về ở với ông và đã mất cách đây gần một tháng.
“Lúc còn sống mẹ tôi mong muốn được cấp sổ đỏ để tu sửa nhà cửa kín đáo để ở, và sau này nếu có mất thì ngôi nhà để làm nơi thờ tự và cũng như lưu giữ kỷ vật về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đối với người có công để thế hệ con cháu sau này noi gương học tập. Nhưng chưa cấp được sổ đỏ thì mẹ tôi đã mất rồi”, ông Phương ngậm ngùi nói trong nước mắt.
Đề nghị UBND huyện Lệ Thủy và cơ quan có thẩm quyền tỉnh Quảng Bình khẩn trương vào cuộc kiểm tra giải quyết kịp thời để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho hộ gia đình chính sách nói trên.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!