Tài sản đang thuộc quyền sở hữu bỗng dưng bị tranh chấp vì cho người thân… ở nhờ?
Pháp luật - Bạn đọc 23/06/2021 16:30
Làm ơn mắc … tranh chấp
Tháng 8/1955, bố mẹ đẻ của ông Nguyễn Công Toàn là cụ Nguyễn Công Phú và cụ Vũ Thị Tỵ đã mua căn nhà số 63 phố Hàng Than, tổng diện tích sử dụng là 181m2, với giá 3.000.000 đồng. Việc mua bán có giấy tờ hợp lệ đã được Ban Đại diện chính quyền khu 4, quận Hai, Hà Nội, cùng Ban Đại diện chính quản thủ điền thổ thời kỳ đó thị thực và xác nhận. Sau khi mua xong, 4 người trong gia đình ông Phú gồm 2 vợ chồng ông và 2 người con về ở tại căn nhà này.
Văn bản chứng minh việc cụ Phú và cụ Tỵ mua nhà 63 Hàng Than |
Năm 1956, cụ Phú đón mẹ của mình là cụ Nguyễn Thị Hợp và 3 người em ruột về ở cùng, trong đó có cụ Nguyễn Công Ngọ (bố đẻ của bà Nguyễn Thị Vân Anh).
Từ năm 1957 đến năm 1958, gia đình cụ Phú mời thêm vợ chồng cụ Nguyễn Công Tẩy (anh cả của cụ Phú) và cụ Nguyễn Thị Quy (chị dâu của cụ Phú) đến cùng sinh sống tại số nhà 63 phố Hàng Than để quây tụ gia đình.
Từ năm 1958 đến trước năm 2002, các anh chị em của cụ Phú đã lần lượt chuyển đi nơi khác, duy chỉ còn lại cụ Nguyễn Thị Quy là vẫn ở nhờ gia đình ông. Năm 2002, do có nhu cầu lấy lại nhà để sử dụng nên gia đình cụ Phú đã đề nghị bà Quy chuyển đi nhưng gia đình bà Quy không đồng ý. Năm 2003, TAND quận Ba Đình và TAND TP Hà Nội lần lượt xử sơ thẩm và phúc thẩm, chấp nhận đơn kiện đòi nhà cho ở nhờ của cụ Nguyễn Công Phú và cụ Vũ Thị Tỵ ủy quyền cho ông Nguyễn Công Toàn đối với cụ Nguyễn Thị Quy. Cả 2 phiên tòa đều xác định quyền sở hữu tài sản là nhà và đất tại số 63 phố Hàng Than của vợ chồng cụ Phú, đồng thời buộc cụ Quy trả lại nhà và đi nơi khác ở. Tuy nhiên ở phiên xử giám đốc thẩm, dựa vào lập luận của gia đình cụ Quy cùng một lá đơn viết tay có tên cụ Phú gửi BGĐ Sở trước bạ Hà Nội thể hiện căn nhà số 63 Hàng Than là tài sản do cụ Hợp cùng các con cùng góp tiền mua (không có dấu nhận đơn của Sở, không thể hiện bút lục có trong hồ sơ), TAND Tối cao quyết định hủy cả 2 bản án,cho rằng Hội đồng xét xử ở cả 2 phiên xử trước chưa thu thập đủ tài liệu, căn cứ và yêu cầu xét sử sơ thẩm lại. Phía cụ Phú cho rằng lá đơn này không phải do cụ viết, không phải chữ ký của cụ và nghi ngờ “lá đơn được đưa vào hồ sơ trong những năm gần đây”. Năm 2008, do đã đạt được thỏa thuận với cụ Quy, ông Nguyễn Công Toàn xin rút đơn yêu cầu khởi kiện và được TAND Quận Ba Đình chấp nhận đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
Tháng 3/2019, ông Toàn nộp hồ sơ tới UBND phường Nguyễn Trung Trực xin cấp sổ đỏ để sau đó sửa sang lại nhà cửa cho cụ Vũ Thị Tỵ (năm nay 93 tuổi) được sống những năm tháng cuối cùng của tuổi già trong một căn nhà khang trang, tiện nghi hơn.
Hồ sơ của ông có đầy đủ các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với bất động sản số 63 Hàng Than và đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, UBND phường Nguyễn Trung Trực đã không tiếp nhận với lý do là có đơn của bà Nguyễn Thị Vân Anh đề nghị phường dừng giao dịch đối với nhà và đất của gia đình ông Toàn.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như bà Nguyễn Thị Vân Anh đưa ra được các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền đối với tài sản là nhà và đất tại số nhà 63 Hàng Than. Theo lý lẽ bà Vân Anh đưa ra, thì căn nhà số 63 Hàng Than được mua bằng tiền của bà nội mình là cụ Hợp, cụ Phú chỉ là người đứng tên về mặt danh nghĩa nên bà Vân Anh có quyền thừa kế tài sản. Tất cả những bằng chứng mà bà Vân Anh cho rằng đủ căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sở hữu nhà đất cho đến nay chỉ dừng lại ở lập luận chủ quan, giấy khai sinh của bà, sổ Đảng và giấy chứng tử của cụ Nguyễn Công Ngọ – người thân sinh ra bà Vân Anh.
Mặt khác, cho dù giả định rằng, nhà đất tại địa chỉ 63 Hàng Than là tài sản chung của cụ Hợp với bố mẹ ông Toàn và việc tranh chấp của bà Vân Anh là có đủ căn cứ pháp lý, thì theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, “thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, thời điểm mở thừa kế trong trường hợp này được tính từ ngày 19/10/1990 do bà Hợp đã mất từ năm 1976.
Như vậy, tính đến nay đã là hơn 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế mà không có đơn khởi kiện để yêu cầu chia di sản từ phía bà Nguyễn Thị Vân Anh, theo quy định thì đã hết thời hiệu chia di sản thừa kế và ông Toàn có thể toàn quyền sở hữu và sử dụng tài sản là bất động sản tại số nhà 63 Hàng Than. Nhưng bằng một cách lập luận nào đó, căn nhà cho đến hiện tại vẫn được chính quyền cho rằng đang thuộc diện “tranh chấp”.
Đơn khiếu nại của ông Toàn |
Le lói rồi lại vụt tắt
Gia đình ông Toàn nhiều lần gửi đơn kêu cứu tới các cấp chính quyền nhưng đáp lại ông thì chỉ có sự "im lặng" hoặc những câu trả lời mà ông đã thuộc nằm lòng. Cảm thấy không thỏa đáng, ông Toàn vẫn kiên trì đấu tranh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình mình. Về phía UBND phường Nguyễn Trung Trực, lãnh đạo phường cũng thể hiện sự đồng thuận, thái độ hợp tác và nhiệt tình đồng hành với các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Cuối cùng, sau hơn 2 năm thu thập hồ sơ chứng cứ với tập hồ sơ chất thành đống, ngày 29/4/2021, UBND phường Nguyễn Trung Trực cũng chính thức đủ căn cứ kết luận hồ sơ hợp lệ, không có tranh chấp, thỏa mãn điều kiện cấp sổ đỏ.
Ngày 4/6/2021, hồ sơ của ông Toàn được chuyển tới Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình. Đối với gia đình ông Toàn, đây quả thực là một bước tiến dài sau quãng thời gian mòn chân mỏi gối, "ánh sáng le lói" cuối cùng cũng được thắp lên trong căn nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng khiến gia đình ông rất mừng. Nhưng quả thực niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngày 15/6/2021, UBND quận Ba Đình lại … trả hồ sơ ngược về phường với lý do rất đỗi quen thuộc mà ngắn gọn: Tài sản đang thuộc diện tranh chấp.
Tâm sự với phóng viên, cụ Vũ Thị Tỵ nói với giọng nói hiền lành và nụ cười thường trực trên môi nhưng vẫn không giấu đi được nỗi buồn day dứt. Cụ móm mém trong lời kể của mình: “Thời gian tôi ở đây cũng gần bằng cả đời người rồi. Nào có mong muốn gì cao xa đâu,tôi chỉ muốn làm xong cái sổ đỏ rồi yên tâm sửa nhà để an hưởng tuổi già, đón cháu chắt về quây quần. Nhà của mình mà cũng khó quá, chẳng biết phải đợi đến bao giờ thì họ mới cho làm. Mong đến lúc đó tôi còn sức chống gậy, được chứng kiến thằng chắt lấy vợ, ở nhà mới sạch đẹp thì mới yên lòng nhắm mắt”.
Cụ Vũ Thị Tỵ |