Sức sống mới nơi đầu nguồn biên giới
Đời sống 06/06/2023 09:35
Những ngày này, nếu có dịp về 3 xã bờ đông của xứ đầu nguồn huyện An Phú mới thấy hết không khí khẩn trương tất bật và nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt của nhà nông. Những rẫy bắp đã vào mùa thu hoạch và cây lúa cũng đang vào vụ “đông ken”. Tiếng máy gặt đập liên hợp chạy ầm ầm ngoài ruộng xa xa, thấp thoáng bóng người đang hăng say lao động. Đất màu mỡ giúp cho năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản tăng lên. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện An Phú hiện đạt 183,5 triệu đồng/ha/năm. Nhiều mô hình sinh kế mùa lũ mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, như: Trồng rau thủy sinh, nuôi cá kết hợp trồng lúa, nuôi tôm càng xanh...
Sông Tiền đoạn chảy qua biên giới Tân Châu tấp nập thuyền ghe. |
Điểm nhấn nổi bật về kinh tế - xã hội của huyện An Phú tính đến thời điểm này là xã Phước Hưng, dù có xuất phát điểm thấp, nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí, 57/57 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới (NTM) và được UBND tỉnh An Giang công nhận xã đạt chuẩn “Xã NTM” năm 2022. Thành quả trong xây dựng NTM đã tạo nên diện mạo đổi mới, đời sống Nhân dân khởi sắc, càng thêm tin tưởng chủ trương đúng đắn, hợp ý Đảng, lòng dân. Huyện không còn “điểm nóng” phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội gây bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Đây là tín hiệu vui giúp người dân, doanh nghiệp yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh. Cũng xin được nói thêm: Trong thành quả rực rỡ của huyện An Phú thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, hội viên NCT. Đó là việc nêu cao tinh thần “Tuổi cao - Gương sáng”, giáo dục, động viên gia đình, con cháu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, nhiệt tình tham gia xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương như: đóng góp gần 70 triệu đồng, hiến hơn 10.000m2 đất xây dựng NTM và đô thị văn minh; tham gia hàng ngàn ngày công lao động giúp sửa chữa nhà ở, nâng cấp cầu, đường giao thông nông thôn và các phong trào thi đua ở địa phương…
Hạ tầng giao thông ở An Phú ngày càng hoàn thiện |
An Phú có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch, đặc biệt là kinh tế biên giới. Địa phương có đường biên giới giáp Campuchia hơn 42km. Trên địa bàn huyện có 3 cửa khẩu (2 cửa khẩu quốc gia và 1 cửa khẩu phụ), có 2 tuyến giao thông chính đến Cửa khẩu Long Bình là Quốc lộ 91C và Tỉnh lộ 957. Đặc biệt, có mạng lưới chợ biên giới và các trung tâm thương mại hoạt động nhộn nhịp cùng với cầu Long Bình - Chrey Thom đã chính thức thông xe từ ngày 1/8/2017. Đây là điều kiện tốt để huyện tăng cường kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Long Bình, khai thác du lịch và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Phát huy những kết quả năm 2022 khi thực hiện đạt và vượt tất cả 21 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, huyện An Phú xác định tập trung nhiều giải pháp đồng bộ để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, bứt phá trong năm 2023. Cụ thể: sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có chất lượng, nâng cao năng suất, hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh gắn với kinh tế hợp tác. Chủ động xây dựng kế hoạch xả lũ cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại; giúp người dân sản xuất, trồng trọt hiệu quả hơn. Tăng cường phối hợp chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình thuộc Dự án WB9, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất của nông dân trên địa bàn 3 xã: Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Phú Hữu. Đồng thời, hướng dẫn các xã bổ sung, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, theo dõi diễn biến thiên tai, đặc biệt là tình hình mưa dầm, sạt lở đất và lốc xoáy. Năm 2023, An Phú phấn đấu thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 682 tỉ đồng, tăng 3,8% so năm 2022. Doanh thu bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú phấn đấu đạt 5.900 tỉ đồng, tăng 7,27%; giá trị hàng hóa xuất, nhập khẩu phấn đấu tăng 19,05% so năm 2022.
Những con đường mới mở đang khai thông “dòng chảy” kinh tế của miền biên giới, góp phần tạo nên vóc dáng của đô thị hiện đại nằm giữa sông Hậu - sông Tiền trong tương lai.