Sẽ cho rà soát lại tính pháp lí và các kiến nghị của công dân tại Dự án nối đường Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì
Pháp luật - Bạn đọc 04/10/2023 09:45
Mong lời hứa thành hiện thực
Dự án xây dựng đường nối Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) triển khai gần 10 năm nhưng cho đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì vướng mắc nhiều vấn đề nảy sinh. Dự án bị nghi ngờ là có tác động điều chỉnh quy hoạch, nắn đường vào diện tích nhà đất của hàng chục hộ dân (không nằm trong quy hoạch của dự án), pháp lí không minh bạch khiến người dân phản ứng, khiếu kiện, khiếu nại nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng TP Hà Nội giải quyết thấu đáo, trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Ngày 27/9/2023, đại diện các hộ dân có nhà, đất bị thu hồi tại dự án này đã được ông Trần Đức Hoạt, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm tiếp và khẳng định sẽ chỉ đạo, cho rà soát lại toàn bộ quy trình, hồ sơ, tính hợp pháp của dự án và các kiến nghị khác nảy sinh trong khi cưỡng chế, thu hồi đất.
Tuyến đường nối Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì hiện vẫn đang xây dựng |
Ông Phạm Văn Đạc, 65 tuổi, có nhà đất nằm trong diện bị thu hồi cho biết: Trong lần tiếp công dân kì này, ngay cả ông Trần Đức Hoạt cũng không hài lòng, không đồng tình về những giải thích, trả lời người dân của các cán bộ Ban Quản lí dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Nam Từ Liêm. Ông Hoạt đề nghị các ban, ngành của quận Nam Từ Liêm trả lời làm rõ về những khúc mắc, tồn tại của dự án khiến cho dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Đặc biệt, ông Trần Đức Hoạt nhấn mạnh đến vụ việc cưỡng chế, thu giữ cửa hàng vàng bạc mà ông đã 13 lần có ý kiến chỉ đạo nhưng chưa được UBND quận Nam Từ Liêm giải quyết triệt để; không trả lời và không cung cấp được các kiến nghị của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Tài sản bị thu giữ từ ngày 3/8/2022 đến nay vẫn chưa trả lại cho người dân. Gia đình bị cưỡng chế tài sản nhiều lần đề nghị chuyển vụ việc sang Cơ quan điều tra nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cũng tại buổi tiếp dân, bà Nguyễn Thị Điệp, ở phường Mễ Trì đề nghị ông Bí thư Quận ủy tiếp tục giám sát, trả lời cho người dân về việc thu hồi 7.576,6m2 cho 4 dự án trong đó có xây dựng UBND phường Mễ Trì. Đề nghị cơ quan trả lời các câu hỏi: Thu hồi đất thực tế để làm đường là bao nhiêu? 12.481m2 đất mà UBND phường Mễ Trì, UBND quận Nam Từ Liêm cho là đất do UBND phường quản lí đi đâu? Thực tế nguồn vốn đầu tư cho dự án là bao nhiêu?.
Bà Điệp nói: “Hi vọng rằng, ông Bí thư Quận ủy thực hiện đúng theo tinh thần trong cuộc gặp đối thoại ngày 27/9/2023. Trong khi chờ làm rõ mọi kiến nghị của người dân, đề nghị tạm dừng dự án để giám sát, thanh tra và nếu nghiêm trọng thì cần chỉ đạo điều tra làm rõ, tránh tình trạng “lời nói gió bay”, dẫn đến mất uy tín, mất niềm tin của dân vào cấp ủy, chính quyền”.
Trao đổi ngắn gọn với phóng viên qua điện thoại chiều muộn ngày 2/10/2023, ông Trần Đức Hoạt cho biết, vụ việc đã được ông có ý kiến chỉ đạo UBND quận sẽ phải rà soát, cập nhật thông tin để trả lời người dân theo đúng quy định. “Về nguyên tắc bao giờ cũng thế, khi người dân có ý kiến thì mình phải biết lắng nghe để làm cho đến nơi, đến chốn” - ông Hoạt nói.
Cần làm rõ những “khuất tất” mà người dân kiến nghị
Theo ông Phạm Văn Đạc, dự án đường nối Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì có quá nhiều khuất tất, không minh bạch. “Một dự án mới chỉ được phép chuẩn bị đầu tư với hình thức xây dựng mới mà sử dụng các quyết định, bản vẽ từ 3 năm trước; một bản vẽ chỉ giới không có số quyết định, không có ngày, tháng… chủ đầu tư không phải là UBND quận Nam Từ Liêm là có dấu hiệu giả mạo, lắp ghép pháp lí. UBND quận Nam Từ Liêm cũng không cung cấp cho người dân Biên bản lấy ý kiến, Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Bản vẽ thiết kế chi tiết, bản đồ tỉ lệ 1/500… là có dấu hiệu trái với các quy định của pháp luật” - ông Đạc bức xúc nói.
Đối với việc xác minh nguồn gốc đất đã có sự gian dối của cán bộ UBND phường khi không giao nộp các giấy tờ xác nhận nguồn gốc đất người dân đã nộp cho cơ quan thanh tra. Nếu căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ tại một dự án khác thì UBND phường Mễ Trì không có sổ mục kê, không có sổ theo dõi đất đai... thì không có cơ sở để thiết lập và quản lí, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương, không có cơ sở để xác định nguồn gốc sử dụng đất.
Cùng quan điểm, bà Điệp cho rằng: UBND huyện Từ Liêm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân căn cứ quy hoạch chi tiết huyện Từ Liêm năm 2000 và quy hoạch khu Thể thao Tây Nam Hà Nội năm 2003, nếu nằm trong quy hoạch thì đều có ghi chú trên Giấy chứng nhận. Điều đó cũng thể hiện tại báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm với các cấp tại Văn bản số: 8243/SXD-KTXD ngày 12/9/2019 của Sở Xây dựng gửi UBND quận Nam Từ Liêm, UBND TP Hà Nội và nhiều sở, ban, ngành. Thể hiện rõ nhất tại Văn bản số: 1401/UBND-TTPTQĐ ngày 2/6/2022 UBND quận Nam Từ Liêm trả lời người dân tại mục số 5: “...Nếu đất và nhà ở của gia đình nào nằm trong quy hoạch hoặc trong hành lang bảo vệ của đường đều có ghi chú”. Sơ đồ tuyến đường hiện tại khác xa với sơ đồ tuyến đường do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy hoạch huyện Từ Liêm từ năm 2005 đến 2020.
Bà Điệp khẳng định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà tôi và nhiều hộ dân khác hoàn toàn không có ghi chú nằm trong quy hoạch thì đương nhiên UBND quận Nam Từ Liêm không có căn cứ để thu hồi”.
Bà Nguyễn Thúy Lan, ở tổ dân phố số 3, Mễ Trì Thượng cho rằng: “Nghị định số: 79/2019/NĐ-CP của Chính phủ là vô cùng nhân văn để người dân trả nợ tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Thế mà không hiểu sao có 6 hộ gia đình mà chỉ duy nhất 1 hộ được trả và xóa nợ tiền sử dụng đất từ ngày 27/2/2020. Gia đình tôi và 4 hộ khác đã thanh toán nợ cho Nhà nước, đã nộp Hồ sơ xóa nợ từ ngày 27/2/2021 đến nay vẫn chưa được xóa nợ (!). Mọi kiến nghị của người dân đã được nhiều Cơ quan Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo UBND TP Hà Nội trả lời nhưng người dân chỉ nhận được sự “im lặng” đến khó hiểu. Chúng tôi mong muốn các Cơ quan chức năng sớm vào cuộc thanh kiểm tra toàn bộ các phản ánh của người dân”.