Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển đơn của công dân tới Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị thanh tra, điều tra làm rõ
Pháp luật - Bạn đọc 14/09/2023 10:32
Liên quan đến vụ việc, ngày 24/4/2023 vừa qua, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Văn bản số: 450/BDN với nội dung chuyển đơn của ông Phạm Văn Đạc và một số hộ dân khác có nhà, đất bị cưỡng chế tại dự án xây dựng đường nối từ Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì đến các cấp có thẩm quyền xem xét, làm rõ việc UBND TP Hà Nội báo cáo Văn phòng Chính phủ không đúng thực tế (về dự án) khiến người dân bức xúc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài.
Theo đơn công dân gửi tới Ban Dân nguyện: Ngày 28/2/2023, UBND TP Hà Nội có Báo cáo số: 56/BC-UBND báo cáo Văn phòng Chính phủ, Ban Tiếp công dân TP Hà Nội có Báo cáo số: 57/BC-BTCD ngày 5/7/2022, phúc đáp Văn bản số: 4005/VPCP-V.I ngày 28/6/2022 của Văn phòng Chính phủ. Tuy nhiên, tại Văn bản số: 8308/VPCP-V.I ngày 10/12/2022 của Văn phòng Chính phủ lại đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Văn bản số: 4005/VPCP-V.I. Ban Dân nguyện cũng cho rằng, không nhận được Báo cáo số: 132/BC-BTCD ngày 7/10/2022 của Ban Tiếp công dân TP Hà Nội nêu tại Báo cáo số: 56/BC-UBND.
Tuyến đường nối Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì hiện vẫn đang xây dựng |
Cũng theo nội dung văn bản này, ông Phạm Văn Đạc và các công dân cho rằng, UBND TP Hà Nội cần cung cấp, công khai cho người dân các văn bản pháp lí trước khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất và thực hiện dự án, gồm: Bản đồ quy hoạch chung, quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông đã được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch (nếu có); hồ sơ chỉ giới đường đỏ, mốc giới dự án; bản vẽ thiết kế chi tiết dự án; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại khu vực dự án, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500; hồ sơ cắm mốc giới, bàn giao mốc giới, giao đất dự án.
Đồng thời, trong quá trình tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thì UBND TP Hà Nội và quận Nam Từ Liêm chỉ cung cấp được duy nhất Quyết định số: 6762/QĐ-UBND ngày 17/12/2014 của UBND TP Hà Nội về việc “phê duyệt cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án đường nối Đỗ Đức Dục đi đường Mễ Trì”.
Đối với vụ việc này, Ban Dân nguyện đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân, nhưng đến nay đã gần 5 tháng, người dân vẫn chưa nhận được ý kiến của Phó Thủ tướng.
Bao giờ giải quyết dứt điểm cho dân?
Vụ việc đã đượcTạp chí Người cao tuổi và nhiều cơ quan báo chí vào cuộc, có nhiều bài phản ánh, đại biểu Quốc hội lên tiếng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,… chỉ đạo nhưng các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội vẫn chưa nghiêm túc xử lí, giải quyết dứt điểm, dẫn đến người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài.
Đưa ra những dẫn chứng cụ thể về dấu hiệu chỉnh sửa quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã phê duyệt và các vấn đề bất cập liên quan đến dự án này, bà Nguyễn Thúy Lan, 61 tuổi, ở tổ dân phố số 3, Mễ Trì Thượng cho biết, căn cứ theo Quyết định số: 14/2000/QĐ-UBND ngày 14/2/2000, quy hoạch khu Thể thao Tây Nam Hà Nội và tại Quyết định số: 21/2003/QĐ-UBND ngày 27/1/2003 của UBND TP Hà Nội thì từ tháng 4/2003 huyện Từ Liêm (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân. Hộ nào có đất và nhà ở nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng đã có ghi chú, đánh dấu rõ ràng trên GCNQSDĐ.
Cho đến nay, ông Nguyễn Văn Đạc, bà Nguyễn Thị Điệp và hàng chục người dân bị thu hồi, cưỡng chế nhà, đất tiếp tục có đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng. |
Bà Lan cho biết thêm: “Như trên GCNQSDĐ của nhà tôi có ghi chú nằm trong quy hoạch thì chắc chắn có nằm trong quy hoạch, nhưng bị thu hồi bao nhiêu thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị nhưng UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mễ Trì không có để cung cấp”.
Ông Phạm Văn Đạc, 66 tuổi, ở Mễ Trì Thượng cho rằng, sơ đồ tuyến đường của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt do UBND quận Nam Từ Liêm cung cấp cho dân khác so với sơ đồ hình dáng khu đất hiện tại. Ngoài ra chúng tôi cũng có bản đồ quy hoạch huyện Từ Liêm từ năm 2005 đến 2020 cũng thể hiện đất và nhà ở của nhiều gia đình chỉ nằm trong quy hoạch một phần và nhiều hộ thể hiện trên Giấy chứng nhận hoàn toàn không nằm trong bất kì một quy hoạch nào, nhưng đến nay vẫn bị thu hồi gần hết đất.
“Hồ sơ pháp lí của dự án là chưa bảo đảm để thực hiện, việc sử dụng pháp lí của Công ty TNHH Togi Việt Nam chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bản vẽ chỉ giới đường đỏ có dấu hiệu của sự cắt, ghép, người dân chưa bao giờ nhìn thấy bất kì một Quyết định, bản vẽ nào có dấu đỏ, mực son mặc dù nhiều lần đề nghị được xem để so sánh”, ông Đạc nêu ý kiến.
Ông Đạc nói tiếp: “Dự án đường Đỗ Đức Dục - Mễ Trì mới chỉ được UBND TP Hà Nội cho phép UBND quận Nam Từ Liêm “chuẩn bị đầu tư” tại Quyết định số: 6762/QĐ-UBND ngày 17/12/2014 với hình thức đầu tư xây dựng mới. UBND quận Nam Từ Liêm không thực hiện các điều khoản và các bước mà sử dụng Hồ sơ và Bản vẽ chỉ giới từ năm 2011 của Chủ đầu tư là Công ty TNHH Togi Việt Nam với hình thức xã hội hóa (khác với đầu tư công). Bên cạnh đó, tuyến đường của Công ty TNHH Togi Việt Nam (chúng tôi xem trên báo) và bản vẽ tuyến đường mà UBND quận Nam Từ Liêm cung cấp (cũng của Công ty Togi Việt Nam) có sự khác biệt.
Dự án chưa lấy ý kiến của người dân nằm trong vùng quy hoạch, căn cứ theo Khoản 1, Điều 16 Luật Xây dựng năm 2014, Khoản 1 Điều 20 Luật Quy hoạch năm 2009; chưa có bản đồ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 căn cứ theo Khoản 9, Điều 3 Luật Quy hoạch năm 2009; chưa thể hiện Quyết định chủ trương đầu tư căn cứ theo Khoản 1 Điều 55 Luật Đầu tư công năm 2014; chưa được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư căn cứ theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định số: 59/NĐ-CP của Chính phủ; chưa thể hiện có bản vẽ thiết kế căn cứ Khoản 3, Điều 6 Nghị định số: 59/NĐ-CP của Chính phủ.
Toàn bộ các văn bản mà UBND quận Nam Từ Liêm cung cấp, chúng tôi chỉ nhìn thấy bản phô tô rồi đóng dấu treo của Ban Quản lí dự án ĐTXD quận Nam Từ Liêm chứ không có bản gốc dấu đỏ, thế mà chính quyền vẫn ra quyết định thu hồi đất, cưỡng chế, phá dỡ nhà cửa của người dân. Thậm chí có cửa hàng kinh doanh bị cưỡng chế, thu hồi tài sản vàng, bạc, các phương tiện máy móc, sổ sách, vật kỉ niệm gia đình… nhưng đến nay vẫn đang để thành đống ở góc nhà văn hóa, két sắt đựng vàng để ngoài sân vài tháng mới di chuyển vào trong góc Nhà văn hóa nhưng cửa két đã bị móp vào”.
Đồng quan điểm với ông Đạc, bà Nguyễn Thị Điệp, ở tổ dân phố số 3, Mễ Trì Thượng cho biết: UBND quận Nam Từ Liêm ban hành 2 thông báo đối với những hộ từ chối tài sản là vu khống cho người dân. Nhiều lần gia đình tôi yêu cầu chính quyền cung cấp camera ghi hình buổi cưỡng chế để chứng minh việc người dân từ chối tài sản nhưng không được cung cấp.
Bà Điệp bức xúc: “Đến nay, sau 12 lần chỉ đạo của đồng chí Bí thư Quận ủy nhưng UBND quận Nam Từ Liêm không thể trả lời 11 kiến nghị và 11 thông tin người dân cung cấp và cũng không trả lại tài sản cho người dân”.