Cần làm rõ tính pháp lí của Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì
Pháp luật - Bạn đọc 11/08/2022 09:05
Ngày 3/8/2022, chính quyền phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm tổ chức cưỡng chế nhà, đất của 49 hộ dân để lấy mặt bằng cho Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì, khiến cuộc sống của hàng trăm nhân khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó có nhiều người cao tuổi và trẻ em.
Phản ánh đến Tạp chí Người cao tuổi, đa số các hộ dân (trong đó có nhiều người cao tuổi) bị cưỡng chế nhà cửa tại khu vực Đồng Me, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm cho biết, hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng tuyến đường nối Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì. Tuy nhiên, họ cho rằng, một dự án chưa có đầy đủ tính pháp lí, có dấu hiệu điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, không lấy ý kiến của Nhân dân, không xác minh nguồn gốc đất, không hỗ trợ đền bù, tái định cư nhưng UBND quận Nam Từ Liêm vẫn cho thực hiện cưỡng chế là khó có thể chấp nhận được.
Hiện trường vụ cưỡng chế đất và tài sản trên đất của 49 hộ dân ngày 3/8 |
Người dân cho biết, gần 4 năm qua, họ đã làm đơn gõ cửa khắp các cơ quan chức năng nhưng không được giải quyết một cách minh bạch, triệt để mới dẫn đến việc UBND quận Nam Từ Liêm kí Quyết định thu hồi đất cuối năm 2018, Quyết định cưỡng chế ngày 4/6/2022 (Quyết định cưỡng chế do Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm kí), Thông báo cưỡng chế (lần 1) vào ngày 29/6/2022.
Mặc dù thời gian vừa qua, có nhiều văn bản từ UBND TP Hà Nội, Ban Dân nguyện Quốc hội đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm tạm dừng cưỡng chế để giải quyết những vấn đề mà người dân tố cáo, kiến nghị. Thế nhưng ngày 3/8/2022, UBND quận Nam Từ Liêm vẫn cưỡng chế đất đai, tài sản của 49 hộ dân, khiến cho cuộc sống của hàng trăm nhân khẩu bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về tính pháp lí của dự án, đến nay, sau hơn 4 năm miệt mài khiếu kiện đòi quyền lợi chính đáng, người dân mới được chính quyền quận Nam Từ Liêm cung cấp một số hồ sơ liên quan, gồm: 1 bản vẽ chỉ giới đường đỏ phô tô (không có quyết định, ngày, tháng và Chủ đầu tư là Công ty TNHH Togi Việt Nam) và một Quyết định của UBND TP Hà Nội mới chỉ cho phép UBND quận Nam Từ Liêm chuẩn bị đầu tư.
Đơn kêu cứu của dân gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội và cơ quan báo chí |
“Đến 17 giờ 20 phút ngày 2/8/2022 (trước ngày cưỡng chế ít giờ), UBND quận Nam Từ Liêm mới cung cấp thêm cho người dân Quyết định số 5804/QĐ-UBND ngày 14/12/2011, nhưng là quyết định phê duyệt Bản vẽ chỉ giới đường đỏ liên quan đến Công ty TNHH Togi Việt Nam - Chủ đầu tư dự án (cũ) theo hình thức BT đã bị hủy bỏ. Những văn bản này liệu có khẳng định đầy đủ về thủ tục pháp lí để quận Nam Từ Liêm thực hiện thu hồi đất, cưỡng chế nhà đất của dân làm mặt bằng xây dựng dự án giao thông quan trọng của Thủ đô” - bà Nguyễn Thúy Lan, hiện ở ngõ 69 Đồng Me, phường Mễ Trì cho biết.
Dự án xây dựng đường nối từ đường Đỗ Đức Dục đi Mễ Trì không chỉ bị người dân nghi ngờ có sự tác động, điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 để thu hồi đất nằm ngoài dự án, mà còn không tuân theo quy hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 14/2000/QĐ-UBND ngày 14/2/2000; không theo chính báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm với các cấp thể hiện tại Văn bản số 8243/SXD-KTXD ngày 12/9/2019 của Sở Xây dựng gửi UBND quận Nam Từ Liêm (văn bản này được thực hiện liên ngành giữa các sở theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội)... ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân có nhà đất bị thu hồi, cưỡng chế.
Được biết, trong đơn kêu cứu về việc cưỡng chế đất và tài sản trên đất mà quận Nam Từ Liêm thực hiện ngày 3/8 vừa qua, người dân đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội xem xét, giải quyết, chỉ đạo làm rõ các nội dung sau: Dự án đã được UBND TP Hà Nội giao cho quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư? Có việc can thiệp, chỉnh sửa quy hoạch tuyến đường hay không? Quyết định phê duyệt bản vẽ chỉ giới đường đỏ “người dân không được quyền tiếp cận”? Vì sao một dự án chưa lấy ý kiến của người dân, chưa xem xét nguồn gốc đất, tái định cư mà vẫn ra quyết định cưỡng chế? Cùng một dải đất ao khoang từ bao đời, người dân khai hoang, phục hóa để sinh sống từ những năm 1970 đến nay thì cho rằng lấn chiếm đất công, còn đất không có người ở lại được chính quyền cấp Giấy chứng nhận, xây nhà cao tầng...