Phú Yên: Sử dụng tài liệu giả để lấy đất của dân, khiếu nại 25 năm, vẫn chưa được giải quyết?!
Pháp luật - Bạn đọc 02/06/2020 07:39
Nhắc lại nguồn gốc thửa đất và diễn biến vụ việc.
Dòng tộc ông Trần Quang Huấn, trú tại thôn Phước Lý, thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Xuân, nay là khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, có một khu vườn dừa hương hỏa diện tích 2.650 m2 nằm ngay cạnh nhà trên mặt đường Quốc lộ 1A. Năm 1976, khi miền Nam vừa giải phóng, UBND huyện Đồng Xuân đặt vấn đề với dòng tộc của ông Huấn, xin đổi một vườn dừa đất công diện tích 1.936 m2 nằm trong thôn, lấy khu vườn dừa nói trên làm nghĩa trang của huyện. Mặc dù đất của huyện nhỏ hơn, lại nằm trong xóm, nhưng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, ông Huấn đưa vấn đề ra bàn bạc trong dòng tộc, rồi hoán đổi. Huyện triển khai xây dựng nghĩa trang liệt sĩ, còn dòng tộc Trần canh tác khu vườn dừa mới, lấy hoa lợi trang trải hương khói, thờ phụng, giổ chạp tổ tiên.
Năm 1976, UBND huyện Đồng Xuân (cũ) cho phép một số tư nhân người Hoa từ Tuy Hòa ra Đồng Xuân, hợp đồng xây dựng tổ hợp ép dầu trên 4.800 m2 đất công, tại khu vực kế cận đất của dòng tộc ông Huấn. Năm 1978, nhân sự kiện người Hoa, số người này về nước, giao lại tổ hợp cho huyện. Ngày 12/2/1979, UBND tỉnh Phú Khánh ban hành Quyết định (QĐ) số 388/QĐ-CT thành lập Xí nghiệp (NX) liên doanh ép dầu Sông Cầu, khi triển khai sản xuất, XN hỏi mượn mặt bằng của dân để chứa dừa quả mua từ nơi khác về. Xét thấy vụ việc không có gì trở ngại nên ông Huấn và một số hộ khác trong khu vực đồng ý cho mượn.
Năm 1996, các hộ dân có đất vườn dừa được biết ngày 27/12/1995, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định (QĐ) 1565/UB-ĐC cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho Công ty Dầu thực vật tỉnh Phú Yên, diện tích 13.805 m2, trong đó có đất ông Trần Quang Huấn và Trần Quang Toàn. Các hộ dân khiếu nại QĐ nói trên. Ngày 13/01/1999 UBND tỉnh Phú Yên ban hành QĐ số 53/1998/QĐ-UB giải quyết khiếu nại.
Nội dung QĐ thể hiện: Công nhận nguồn gốc đất dừa của các ông. Tuy nhiên, UBND tỉnh Phú Yên đã dựa trên một văn bản đánh máy có tên “Biên bản họp về việc giải quyết mở rộng đất kiến thiết cơ bản XN ép đầu 19/8”, đề ngày 16/3/1979, để ban hành QĐ bác đơn của ông Huấn và ông Toàn.
Biên bản không có chữ ký của các thành viên |
Biên bản này là tài liệu mấu chốt của vụ việc, nhưng thật đáng tiếc nó lại là tài liệu giả mạo 100%. Bởi tính chất quan trọng của Biên bản này nên nay xin nhắc lại nội dung: Các ông bà, trong đó có ông Trần Quang Huấn “nhất trí hiến trọn số đất nằm trong bản vẽ của dự án để phát triển sản xuất”. Tất cả những người có tên trong biên bản (đã ký). XN liên doanh dầu thực vật Sông Cầu sao y bản chính, ký tên đóng dấu Nguyễn Thanh Cấn, Phó Giám đốc XN, ngày 15/10/19... Bên cạnh Biên bản giả mạo này, QĐ số 53 của UBND tỉnh Phú Yên còn đưa ra một tài liệu viết tay có dấu hiệu giả mạo khác với tên: “Biên bản V/v giải quyết đất dùng làm sân phơi nguyên liệu cho XN ép dầu 19/8”, được lập ngày 23/3/1980, giữa một bên là cán bộ thị trấn, cán bộ XN và một bên là ông Trần Quang Toàn, một công dân khác, nhưng không có tên trong Biên bản ngày 16/3/1979. Nội dung Biên bản cũng cho rằng ông Trần Quang Toàn “hiến” 3.500 m2 vườn dừa của gia đình cho XN. Ông Toàn khẳng đinh: “Tôi không dự họp, không ký vào biên bản, tên lót của tôi trong Biên bản không đúng. Tôi không hiến đất vì đó là đất dòng tộc”. Chính QĐ số 53 của UBND tỉnh Phú Yên đưa ra một tình tiết chứng minh cho lời khai nói trên của ông Trần Quang Toàn là cớ căn cứ, rằng: “Năm 1980, khi XN xây tường rào bao quanh vườn dừa của thì ông Toàn đã có đơn gửi đến Viện KSND tỉnh Phú Khánh đề nghị ngăn chặn”. Theo đó, ngày 8/4/1980, Viện KSND tỉnh Phú Khánh chuyển đơn đến Viện KSND huyện Sông Cầu, giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 12/4/1980, Viện KSND huyện Sông Cầu làm việc với hai bên “Việc xây dựng được ngăn chặn”. Tình tiết này chứng minh: Không có chuyện cùng một thời điểm diễn ra hai sự việc trái ngược nhau. Một bên ký Biên bản hiến đất, còn bên kia lại khiếu nại đến tận Viện KNDS tỉnh về XN tự tiện xây tường bao quanh vườn dừa!. Như thế, chứng tỏ: Biên bản được lập ngày 22/3/1980 với ông Trần Quang Toàn, cũng là giả mạo!.
Nghĩa trang liệt sĩ Sông Cầu đổi từ đất vườn dừa của gia tộc ông Trần Quang Huấn |
QĐ số 53 của UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Ngày 9/8/1983, UBND tỉnh Phú Khánh ra QĐ số 1803/QĐ-UB, V/v phê duyệt luận chứng kinh tế công trình cải tạo mở rộng XN ép dầu 19/8 huyện Đồng Xuân (cũ). Ngày 10/12/1983, XN có tờ trình số 160/KH-XN với nội dung xin cấp đất diện tích 17.155 m2 cho XN, trong đó đã có 14.005 m2 đất do “các hộ dân hiến”. Ngày 21/10/1984, UBND tỉnh Phú Khánh ban hành QĐ số 125/UB-XD về việc cấp đất cho XN để xây dựng công trình sản xuất dầu dừa. Điều 2, QĐ số 125 ghi: “XN ép dầu 19/8 trực tiếp làm việc với Ban xây dựng cơ bản để lập trích lục đất, cắm mốc thực địa, xin giấy phép xây dựng, bàn bạc với chính quyền địa phương việc đền bù hoa màu, nhà cửa (nếu có) và xử lý tốt công tác giải phóng mặt bằng”. Năm 1989 có một sự kiện: XN liên doanh giải thể, ông Huấn và các hộ dân có đất khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại do quá trình sản xuất dầu dừa và xà phòng, un xơ dừa làm cho dừa bị giảm sản lượng, nhưng do XN không còn, nên UBND huyện Sông Cầu và các cơ quan liên quan không giải quyết. Năm 1991, UBND tỉnh Phú Yên thành lập XN liên doanh dầu thực vật Sông Cầu. Do hoạt động vẫn èo uột, kém hiệu quả, nên năm 1995 tỉnh giải thể, thành lập XN dầu thực vật Sông Cầu trực thuộc Công ty Dầu thực vật Phú Yên.
Tất cả các QĐ, văn bản nói trên, ông Trần Quang Huấn và các hộ dân không hề biết, do XN cũng như chính quyền địa phương không công khai với dân. Trong quá trình song cùng sử dụng đất, ông Huấn và các hộ dân vẫn chăm sóc và thu hoạch dừa, vẫn đóng thuế nhà nước đầy đủ (ngày ký QĐ 53 vào năm 1999).
Vụ việc vỡ lỡ vào năm 1996, khi chính quyền huyện Sông Cầu chính thức công khai QĐ 1565/QĐ-ĐC ngày 27/12/1995 của UBND tỉnh Phú Yên “V/v cấp GCNQSDĐ cho Công ty Dầu thực vật Phú Yên”. Từ QĐ nói trên, ông Huấn và các hộ dân đặt câu hỏi: Đất của họ chưa bị thu hồi, sao Công ty dầu thực vật Sông Cầu lại có QĐ cấp GCNQSDĐ?. Lúc này chính huyền huyện Sông Cầu mới đưa ra Biên bản ngày 16/3/1979 và QĐ số 125 được UBND tỉnh Phú Khánh giao cho XN ép dầu thực vật 19/8 vào năm 1984 và ông Toàn cũng được cung cấp Biên bản “Nhất trí để nhà nước sử dụng vườn dừa” của dòng tộc ông, được lập ngày 22/3/1980?!
(Còn nữa)