Nhiều nội dung vụ án chưa được xem xét, giải quyết
Pháp luật - Bạn đọc 18/06/2024 18:28
Nội dung vụ án
Theo Quyết định Giám đốc thẩm số: 36/2013/DS-GĐT ngày 20/5/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, vụ án “Tranh chấp về thừa kế tài sản”, giữa nguyên đơn là ông Phan Phú Hên, bà Phạm Thị Ba và bị đơn là ông Phan Phú Du, ông Phan Phú Oành, bà Phan Thị Mỹ Hạnh; 10 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn ông Hên, chị Ba (con bà Mỹ) trình bày: Cụ Phan Phú Long và cụ Trần Thị Của sinh được 7 người con: bà Mỹ (chết năm 1985), bà Phan Thị Xuyến (chết năm 1991), bà Phan Thị Thậm, ông Phan Phú Oành, ông Phan Phú Cấm, ông Phan Phú Hên, ông Phan Phú Du. Năm 1937, cụ Của chết không để lại di chúc. Năm 1976, cụ Long chết không để lại di chúc.
Sinh thời, cụ Long tạo lập khối tài sản trong đó có ngôi nhà trên 1.500m2 đất, tại 197 Huỳnh Thúc Kháng, TP Cần Thơ. Khi cụ Long chết, ông Oành, bà Thậm và cụ Xuyến (những người ở với cụ Long) tiếp tục quản lí khối tài sản trên. Bà Thậm và bà Xuyến đã bán toàn bộ tài sản vật dụng trong nhà và 550m2 đất cho ông Võ Văn Út, 48m2 cho bà Nguyễn Thị Thu Hằng; Nhà nước thu hồi một phần đất để làm đường. Diện tích đất còn lại do ông Oành, chị Hạnh và chị Sương quản lí, sử dụng (ông Hên yêu cầu chia thừa kế đối với phần đất này).
Nguyên đơn, bà Phạm Thị Ba có đơn khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng phần đất 233m2 từ năm 1995, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. |
Cụ Long còn để lại 66.350m2 đất ở khu vực ấp Thới Nhựt, phường An Bình, quận Ninh Kiều. Hiện ông Oành sử dụng 20.000m2, ông Hên sử dụng 8.842m2 (phần đất này ông Hên đã bán), ông Cấm và các con ông Cấm sử dụng 7.980m2, chị Hạnh (con ông Cấm) sử dụng 5.630m2, chị Sương (con ông Cấm) sử dụng 3.368m2, anh Cứ (con ông Cấm) sử dụng 3.368m2, ông Du sử dụng 10.534m2.
Nay, ông Hên và chị Ba yêu cầu chia thừa kế 66.350m2 đất ruộng trên và nhà, đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng (cả phần đất ông Oành, bà Thậm, bà Xuyến đã bán).
Bị đơn là ông Oành, ông Du và chị Hạnh trình bày: Sinh thời, cụ Long và cụ Của tạo lập tài sản là 66.350m2 đất ruộng trên và nhà, đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng. Khi cụ Long và cụ Của chết, đất ruộng anh em đã chia hết, còn nhà đất ở 197 Huỳnh Thúc Kháng là nhà thờ vách ván đã hư đã được trùng tu lại để thờ cúng ông bà tổ tiên. Nay không đồng ý chia theo yêu cầu của nguyên đơn.
Quyết định số: 08/2005/QĐTDC.DSST ngày 10/3/2005 của TAND TP Cần Thơ tuyên: Tạm đình chỉ vụ kiện “Tranh chấp thừa kể”, giữa các đương sự nêu trên, chờ hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 4/4/2005, nguyên đơn kháng cáo.
Quyết định số: 218/2005/DSPT ngày 28/6/2005 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên: Bác kháng cáo của nguyên đơn; giữ y Quyết định tạm đình chỉ số: 08/2005/QĐTDC. DSST ngày 10/3/2005 của TAND TP Cần Thơ; giao hồ sơ cho TAND TP Cần Thơ giải quyết vụ án khi lí do tạm đình chỉ không còn.
Bản án số: 14/2008/DSST ngày 9/7/2008 của TAND TP Cần Thơ: Không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của nguyên đơn; công nhận diện tích đất 520,8m2 trên đó xây dựng căn nhà số 197 Huỳnh Thúc Kháng là di sản dùng thờ cúng; giao di sản (nhà và đất) này cho chị Hạnh và chị Sương quản lí để thờ cúng.
Ngày 17/7/2008, ông Hên kháng cáo: Nhà và đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng là của cha ông là cụ Long. Ông là người thừa kế hàng thứ nhất lại không được chia đất, trong khi hàng thừa kế thứ hai lại chiếm sử dụng toàn bộ và không được sự đồng ý của ông là không đúng.
Ngày 17/7/2008, chị Ba kháng cáo cho rằng: Phần đất 65.840,8m2 tại phường An Khánh, TP Cần Thơ là của ông nội chị là cụ Long. Án sơ thẩm cho rằng, cụ Long không đăng kí nên không phải là di sản thừa kế là không có cơ sở. Nhà đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng của cụ Long được thừa hưởng từ cha mẹ cụ để lại. Không có văn bản nào xác định là nhà thờ. Bà Mỹ (mẹ của chị Ba) là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất không được chia, nhưng các cháu là chị Hạnh, chị Sương và anh Cứ là hàng thừa kế thứ hai lại được chia là thể hiện làm trái Luật Thừa kế.
Bản án số: 455/2008/DSPT ngày 26/11/2008 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện xin chia thừa kế của nguyên đơn là ông Hên, chị Ba (chị Ba đại diện anh Tài, anh Tâm, chị Tư, chị Năm) đối với ông Oành, ông Du và các con ông Cấm; công nhận 520,8m2 trên đó xây dựng một căn nhà ở 197 Huỳnh Thúc Kháng nói trên, là di sản dùng thờ cúng; giao di sản này cho chị Hạnh, chị Sương quản lí để thờ cúng.
Quyết định số: 712/2011/KN-DS ngày 25/11/2011 của Chánh án TAND Tối cao kháng nghị Bản án số: 455/2008/DSPT ngày 26/11/2008 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh.
Quyết định Giám đốc thẩm số: 36/2013/DS-GĐT ngày 20/5/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tuyên: Hủy 2 bản án Bản án số: 455/2008/DSPT ngày 26/11/2008 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh và Bản án số: 14/2008/DSST ngày 9/7/2008 của TAND TP Cần Thơ; giao TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại vụ án.
Nhiều nội dung vụ án chưa được xem xét, giải quyết
TAND TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm lại vụ án theo Quyết định Giám đốc thẩm số: 36/2013/DS-GĐT ngày 20/5/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Tuy nhiên, nhiều nội dung của vụ án chưa được xem xét, giải quyết, cụ thể:
Một, đối với 66.350m2 đất ruộng,bà Ba yêu cầu chia thừa kế. Tòa án nhận định: Ông Oành, ông Du, bà Thậm, bà Xuyến, ông Hên (là những người con còn sống của cụ Long và cụ Của) đều cho rằng trước khi cụ Long chết, cụ đã phân chia hết phần đất này cho các con. Đây là đất nông nghiệp, từ năm 1976 đến nay, các con cụ Long trực tiếp sử dụng, kê khai, đóng thuế đầy đủ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, việc Tòa án các cấp xác định 66.350m2 đất tranh chấp không còn là di sản thừa kế của cụ Long và cụ Của; không chấp nhận việc chị Ba yêu cầu chia 66.530m2 đất là có cơ sở.
Tuy nhiên, các cấp Tòa án có chung nhận định: 66.530m2 đất là do vợ chồng cụ Long, cụ Của tạo lập, thừa nhận khi 2 cụ chết là di sản của 2 cụ. Luật Thừa kế không có quy định: Sau khi cụ Của và cụ Long chết, cùng không để lại di chúc; tài sản là quyền sử dụng 66.530m2 đất của 2 cụ được các con của 2 cụ Long sử dụng, kê khai, đóng thuế rồi đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì không còn là di sản nữa!
Hai, Quyết định Giám đốc thẩm số: 36/2013/DS-GĐT ngày 20/5/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, nhận định: “Đối với phần đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Nguyên đơn cho rằng khi cụ Long chết để lại căn nhà ngói lát gạch bông diện tích 91m2 trên đất 1.500m2 tại 197 Huỳnh Thúc Kháng. Bà Thậm, bà Xuyến bán 550m2 đất cho ông Út Chuột, 48m2 đất cho chị Hằng và Nhà nước thu hồi một phần diện tích đất làm đường. Phần đất còn lại ông Oành, chị Hạnh, chị Sương quản lí, sử dụng”. Từ nhận định này, thể hiện mâu thuẫn: Tòa án xác định 2 tài sản (quyền sử dụng: 66.530m2 đất ruộng và đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng) có nguồn gốc của cụ Long, cụ Của. Tuy nhiên, 66.530m2 đất ruộng Tòa coi không còn là di sản, còn đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng lại được Tòa coi là di sản của cụ Long, cụ Của. Mâu thuẫn này, chưa được các cấp Tòa án làm rõ!
Ba, bị đơn ông Du, ông Oành, chị Hạnh cho rằng, nhà, đất 197 Huỳnh Thúc Kháng là của cụ Long, cụ Của để lại dùng để thờ cúng, nên không đồng ý chia.
Xét thấy, nhà, đất 197 Huỳnh Thúc Kháng do ông Oành, bà Thậm, bà Xuyến, ông Du quản lí, sử dụng và đã chuyển nhượng quyền sử dụng 550m2 đất cho ông Út Chuột và 48m2 đất cho chị Hằng, Nhà nước lấy một phần đất làm đường. Theo kết quả xác minh của Thanh tra TP Cần Thơ, ngày 5/7/2000 xác đinh: Bà Mỹ, ông Hên đã được chia diện tích đất khác nhưng đã bán trước năm 1975. Hiện nay còn lại 753,5m2 đất thì ông Oành sử dụng 520,5m2 đất có nhà của cụ Long và ông Du sử dụng 233m2.
Nhà, đất 197 Huỳnh Thúc Kháng của cụ Long, cụ Của để lại (nay được xây mới), không có di chúc dùng làm nơi thờ cúng; và các đồng thừa kế không có thỏa thuận nhà, đất này dùng thờ cúng. |
Có thể thấy, quá trình giải quyết vụ án, Tòa án các cấp chưa làm rõ đất tại 197 Huỳnh Thúc Kháng khi cụ Long chết để lại diện tích là bao nhiêu? Ngoài 520,5m2 trên đó có căn nhà ông Oành đang sử dụng, 233m2 do ông Du sử dụng có phải là nguồn gốc của cụ Long và cụ Của để lại hay không? Đất này có phải là di sản thừa kế hay không?
Đối với căn nhà xây dựng trên diện tích đất 520,5m2 do ông Oành đang sử dụng, trước đây cụ Long, cụ Của xây dựng để ở. Năm 1976, cụ Long chết, các con của cụ Long tự xây dựng lại để ở và thờ cúng, cụ Long không có di chúc dùng căn nhà cũ làm nơi thờ cúng, các đồng thừa kế không có thỏa thuận nhà, đất nêu trên dùng vào việc thờ cúng. Do đó, Tòa án xác định nhà trên đất 520,8m2 dùng thờ cúng và giao cho chị Hạnh, chị Sương quản lí để thực hiện thờ cúng là không có căn cứ.
Bốn, Tòa án nhận định: “Theo kết quả xác minh của Thanh tra TP Cần Thơ ngày 5/7/2000: Riêng bà Mỹ, ông Hên đã được chia diện tích đất khác nhưng đã bán trước năm 1975”. Tuy nhiên, Tòa viện dẫn: “Kết quả xác minh của Thanh tra TP Cần Thơ ngày 5/7/2000”, mà không đưa ra được bằng cứ chứng minh: “ông Hên đã được chia diện tích đất khác”, là đất ở đâu? Diện tích cụ thể là bao nhiêu? Và đất này đã bán trước năm 1975, là bán cho ai?
Năm, nói 66.530m2 là di sản và đã chia di sản này rồi, là đúng! Nhưng Tòa chỉ nhận định là có chia cho 6/7 người con (bỏ sót bà Mỹ có con gái là bà Ba) của ông Long, bà Của, là đã “quên” kỉ phần hợp pháp của bà Mỹ.
Sáu, mâu thuẫn trong nhận định của Tòa án: Phần đất 233m2 sử dụng trước năm 1975, nên không coi là di sản của cụ Long, cụ Của. Trong khi, 545,5m2 đất ở 197 Huỳnh Thúc Kháng sử dụng từ trước năm 1976, thì được coi là di sản của cụ Long, cụ Của.
Bảy, phần đất 233m2 cấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho ông Du ngày 21/12/1199, trong khi đất này đang có tranh chấp chưa được giải quyết xong. Cụ thể, bà Ba có đơn khiếu nại tranh chấp QSDĐ phần đất 233m2 nói trên từ năm 1995, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tám, về việc chia đất là có thật, thể hiện trong đơn khiếu nại của bà Ba có ghi bà Ba được chia 5 công đất. Tuy nhiên, 5 công đất của bà Ba đang có tranh chấp chưa được giải quyết xong, nhưng đất này đã được cấp quyền sử dụng cho bà Hạnh là có dấu hiệu bất hợp pháp. Bởi, bà Hạnh là con ông Cấm, mà ông Cấm đã được chia đất, nên việc cấp QSDĐ với 5 công đất của bà Ba cho bà Hạnh, là thể hiện gia đình ông Cấm được nhận 2 kỉ phần khi chia di sản của ông Long, bà Của. Điều này là vô lí, là không thể xảy ra. Hơn nữa, việc cấp QSDĐ cho bà Hạnh đối với đất đang có tranh chấp (bà Ba khiếu nại từ năm 1995-1996) không được Toà án xem xét.
Nguyện vọng của người cao tuổi
Bà Trác Thị Kim Phượng (đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn), bức xúc: “Qua những chứng minh thực tế trên cho thấy Tòa án các cấp có dấu hiệu “bao che” cho bà Hạnh. Vụ án có Quyết định giám đốc thẩm số: 36/2013/DS-GĐT ngày 20/5/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Nhưng việc xét xử lại bỏ sót nhiều nội dung của vụ án. Đây là cơ sở để nguyên đơn chúng tôi phải có đơn kính đề nghị Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội xem xét, giải quyết để được Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao giải quyết vụ án theo thủ tục đặc biệt, quy định tại Điều 352 Bộ luật TTDS và Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/10/2013 của TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao”.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi trân trọng kính đề nghị Uỷ ban Thường vụ của Quốc hội xem xét, giải quyết nguyện vọng của người cao tuổi là bà Trác Thị Kim Phượng, để Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao xem xét giải quyết vụ án theo thủ tục đặc biệt; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi và bạn đọc theo quy định.