Nhiều điểm “mờ” cần được Tòa án cấp phúc thẩm làm rõ
Pháp luật - Bạn đọc 07/11/2022 10:25
Cáo trạng số: 50/CT-VKSCT ngày 14/7/2022 của Viện KSND huyện Châu Thành truy tố các bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự. Bản án số: 82/2022/HS-ST ngày 18/10/2022 của TAND huyện Châu Thành tuyên xử phạt: Ngô Minh Phương 9 tháng cải tạo không giam giữ; Hồ Thị Hạnh 6 tháng cải tạo không giam giữ và Ngô Minh Dương 6 tháng cải tạo không giam giữ.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm, luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư gia đình, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bào chữa cho các bị cáo, viện dẫn các tình tiết, chứng cứ có trong hồ sơ của vụ án thể hiện có nhiều điểm “mờ” cần làm rõ ở phiên tòa cấp phúc thẩm.
Một, “Quá trình xô xát 2 bên xảy ra chỉ có bà Hạnh xô xát qua lại, ông Phương và Dương không tham gia (điều này người làm chứng - con bị hại có khai rõ trong hồ sơ vụ án là không thấy Dương, Phương đánh Vẽ). Các vết thương bà Vẽ trong hồ sơ vụ án mâu thuẫn. Bản ảnh chụp vết thương bà Vẽ ngày 9/4/2021, tại Công an xã Biên Giới ngay sau khi xô xát, đây là chứng cứ quan trọng nhất thì không có vết thương tại 2 ngón tay, không có vết thương nơi cổ.
Công văn của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh và “Bản ảnh xem xét dấu vết trên thân thể” ngày 5/52021. |
Nhưng bản ảnh ngày chụp ngày 5/5/2021, khi cơ quan Công an huyện Châu Thành khám xét thân thể bà Vẽ và Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể ngày 5/5/2021, lại có vết thương tại 2 ngón tay, có vết thương nơi cổ. Có thể thấy, 3 thương tích này hoàn toàn không phải do buổi xô xát ngày 9/4/2021 gây ra và cũng không phải do Hạnh, Dương, Phương gây ra. 3 vết thương (2 ngón tay, có vết thương nơi cổ) có được sau 26 ngày xảy ra vụ xô xát mới xuất hiện. 3 vết thương này ngay tại Công an ngày 9/4/2022, do Công an xã Biên Giới chụp hoàn toàn không có. Nếu loại bỏ 3 vết thương này thì thương tích đã không đủ 11%. Theo luật sư Trần Minh Hùng, trong vụ án này các bị cáo không tổ chức bàn bạc nên cần tuyên các bị cáo không phạm tội, hành vi các bị cáo không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Hai, theo Hồ sơ bệnh án số: 14858 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh: Khi bà Vẽ nhập viện thì Phiếu khám bệnh vào viện chỉ có vết thương đầu, vết thương vai. Không thấy ghi vết thương 2 ngón tay, không thấy vết thương sau cẳng tay phải, không thấy vết thương trên cổ như bản ảnh khám xét thân thể ngày 5/5/2021, không giống như các vết thương miêu tả trong biên bản khám xét thân thể ngày 5/5/2021. Điều này phù hợp với bản ảnh chụp ngày 9/4/2021 là không có vết thương cổ, 2 ngón tay và cẳng tay; cho thấy những chứng cứ ngay sau thời điểm vụ xô xát như Hồ sơ bệnh án Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh ngày 9/4/2021, hình ảnh chụp tại Công an xã Biên Giới ngày 9/4/2021, không có vết thương trên cổ, trên 2 ngón tay, trên cẳng tay. Có thể thấy, chưa có cơ sở kết luận: 3 vết thương đó là trên cổ, trên 2 ngón tay giữa, trên cẳng tay là do ông Phương, bà Hạnh và Dương gây ra, không phải do vụ xô xát ngày 9/4/2021 gây nên. Vụ án không có Biên bản phạm tội quả tang nên càng có căn cứ cho rằng vết thương không do các bị cáo gây ra.
Và nếu loại trừ 3 vết thương trên, trừ với tỉ lệ chấn thương của 3 vết thương này, mỗi vết thương là 1% (tổng 3 vết thương là 3%) thì tỉ lệ thương tích chỉ còn là 9%. Nếu có hành vi xô xát thì thương tật 9% chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cho đến nay, vết thương trên cổ, trên cẳng tay cơ quan tố tụng vẫn chưa làm rõ được là do ai gây ra.
Ba, vụ án xuất phát từ lỗi do bà Vẽ chở đất tới lấp sang phần đất đang tranh chấp, trong khi UBND xã Biên Giới yêu cầu giữ nguyên hiện trạng (bút lục 250), Biên bản của UBND xã Biên Giới (bút lục 252), nhưng bà Vẽ không chấp hành vẫn cố tình vi phạm. Trong khi bà Hòa được Tòa án xác định là người làm chứng thì cơ quan tố tụng không ghi nhận ý kiến bà Hòa, không lấy lời khai ghi nhận bà Hòa để làm sáng tỏ vụ án, là có dấu hiệu chưa khách quan khi đánh giá chứng cứ.
Bốn, Kết luận giám định không giám định cơ chế hình thành vết thương, không giám định vết thương do vật gì gây ra, giám định không đầy đủ theo yêu cầu của Quyết định trưng cầu giám định. Kết luận giám định chỉ ghi cơ chế hình thành vết thương là “trực tiếp” là chưa đủ cơ sở; chưa giám định được vết thương bà Vẽ có vào thời điểm nào. Hồ sơ bệnh án ghi là gãy xương đòn trái trong khi Kết luận giám định lại ghi gãy xương đòn phải là rất mâu thuẫn.
Năm, Công văn đến của Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh có nội dung: Gãy một 1/3 xương đòn phải, nhưng không nói rõ là thời gian nào; và cũng không có các vết thương ngày 5/5/2021 như biên bản do Công an Châu Thành lập. Trong khi theo “Biên bản xem xét dấu vết trên thân thể” lập ngày 5/5/2021, do Công an huyện Châu Thành lập thì không có gãy 1/3 xương đòn phải. Vậy, những vết thương này từ đâu mà có? Mặt khác, theo “Bản ảnh xem xét dấu vết trên thân thể”, các vết thương ở tay có dấu hiệu không xảy ra ngày 9/4/2021. Bởi đến ngày 5/5/2021 (tức là 26 ngày sau) mới có ảnh chụp vết thương. Điều này, thể hiện những vết thương ở tay có sau khi xảy ra ẩu đả một thời gian dài; hoặc là hình ảnh của người khác?
Sáu, ở phần “Tranh luận tại phiên tòa”, luật sư Trần Minh Hùng yêu cầu Kiểm sát viên tranh luận làm rõ cơ chế hình thành vết thương tại 2 ngón tay và vết thương nơi cổ của bị hại, là như thế nào? Khi nào và do ai gây ra? Nhưng, đại diện Viện Kiểm sát không tranh luận đầy đủ, mà chỉ nói là “đã thể hiện ở trong hồ sơ vụ án”. Nhưng Chủ tọa phiên tòa không yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác.
Trong khi, Khoản 3, Điều 322 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về tranh luận tại phiên tòa quy định: “Chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến của người bào chữa, người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận”.