Nỗi lòng người mẹ khi có con mắc vòng lao lí?
Pháp luật - Bạn đọc 22/03/2024 09:25
Bà Đỗ Thị Hiển cho biết: Nguyên nhân xảy ra vụ án xuất phát từ mâu thuẫn tranh chấp đất đai với gia đình. Khoảng 9h sáng ngày 19/3/2023, trong khi gia đình đang sắp mâm cúng giỗ cụ Nguyễn Văn Trị (bố đẻ các ông Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Kỷ…) thì ông Nguyễn Văn Nhung chửi bới, đuổi mọi người ra khỏi nhà, không cho làm cỗ cúng, khi có khoảng 50 người (gồm anh em, họ hàng, làng xóm) tham dự. Sau đó, ông Nguyễn Quyết Thắng đuổi và tát ông Nguyễn Văn Nhung. Ông Nhung ra ngoài sân hất đổ 3 mâm cỗ đã được sắp sẵn trên bàn, nhưng lại tự trượt chân ngã. Thấy vậy, chồng bà Hiển là ông Nguyễn Văn Bình cùng con trai là Nguyễn Văn Hiếu chạy ra ngoài can ngăn. Thấy ông Nhung hành động vô lí, nên Hiếu định cầm ghế đánh ông Nhung, bà Hiển giằng lại không cho Hiếu đánh ông Nhung. Đồng thời, có rất nhiều người thân, hàng xóm can ngăn và đẩy ông Nhung ra ngoài cổng.
Ngày 24/3/2023, ông Nhung viết đơn tố cáo gửi Công an thị xã Việt Yên về việc Hiếu đánh ông Nhung gây thương tích.
Ngày 31/5/2023, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên đã ban hành Quyết định khởi tố Vụ án hình sự số: 98 về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự (BLHS). Ngày 25/6/2023, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên ban hành Quyết định khởi tố bị can số: 186 đối với Nguyễn Văn Hiếu về tội “Cố ý gây thương tích” theo Khoản 2, Điều 134 BLHS. Ngày 2/2/2024, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên ban hành Bản kết luận điều tra vụ án hình sự số: 32/KL-CSĐT.
Quyết định giải quyết khiếu nại số: 333A/QĐ-CQĐT ngày 6/3/2024 của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên và Thông báo số: 03/TB-VKS-KN của Viện KSNS thị xã Việt Yên về việc thụ lí đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hiếu. |
Ngày 5/3/2024, Viện KSND thị xã Việt Yên ban hành Cáo trạng số: 74/CT-VKS căn cứ vào quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên, với nội dung: Khoảng 8h30 ngày 19/3/2023, ông Nguyễn Văn Nhung thấy ông Nguyễn Quyết Thắng, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Kỷ và bị can Nguyễn Văn Hiếu cùng một số anh em, con cháu khác đang tổ chức cúng giỗ bố đẻ trong ngôi nhà ở thửa đất tại TDP Hoàng Mai 2, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (nay là phường Nếnh, thị xã Việt Yên), nơi anh em đang có tranh chấp quyền sở hữu. Ông Nhung xác định thửa đất trên bố mẹ đã cho ông Nhung khi còn sống, việc cúng giỗ tại ngôi nhà trên không được ông Nhung cho phép nên yêu cầu mọi người đi khỏi nhà và dùng tay hất bàn cỗ bày dưới sân. Thấy vậy, Nguyễn Văn Hiếu dùng tay trái cầm 1 ghế inox ở bàn cỗ đập một nhát phần mặt ghế vào vùng trán trái và sống mũi ông Nhung. Hậu quả, ông Nhung bị thương tích rách da chảy máu vùng trán trái, sống mũi, vỡ xương sống mũi với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 13%... Vì các lẽ trên, Viện KSND thị xã Việt Yên quyết định truy tố ra trước TAND thị xã Việt Yên để xét xử bị can Nguyễn Văn Hiếu về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại điểm đ, Khoản 2, Điều 134 BLHS.
Gạt nước mắt trên gò má, bà Hiển chia sẻ: “Việc ông Nhung khai với Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên về việc đất bố mẹ cho ông Nhung khi còn sống là không đúng. Bởi, việc tranh chấp đất đai đã được TAND tỉnh Bắc Giang ban hành Bản án số: 01/2024/HC-ST quyết định huỷ GCNQSDĐ… do UBND huyện Việt Yên căn cứ vào đơn xin cấp GCNQSDĐ của ông Nhung và bà Kiều Nguyệt Nga không đúng với ý chí thể hiện trong “Văn bản chuyển giao thừa kế đất, nhà” của cụ Trị, cụ Chúc, không bảo đảm về thực tế người đang sử dụng đất và không bảo đảm các quy định của pháp luật”.
Ngày 6/2/2024, Nguyễn Văn Hiếu đã có đơn khiếu nại Bản kết luận số: 32 ngày 2/2/2024 của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên, tuy nhiên 35 ngày sau gia đình mới nhận được quyết định giải quyết khiếu nại.
Quyết định giải quyết khiếu nại số: 333A/QĐ-CQĐT ngày 6/3/2024 của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên trả lời: “Quá trình điều tra, nhận thấy: Tại CQĐT, bị can Nguyễn Văn Hiếu không thừa nhận có hành vi gây thương tích cho ông Nguyễn Văn Nhung. Tuy nhiên, lời khai của người bị hại, người làm chứng xác định Hiếu là người gây thương tích cho ông Nhung như nêu trên; các lời khai phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác thu thập được có trong hồ sơ. Các tài liệu, chứng cứ được CQĐT thu thập có trong hồ sơ là bảo đảm khách quan, đúng quy định pháp luật”.
Ngoài những lời khai của người bị hại, người làm chứng là người thân của ông Nguyễn Văn Nhung cho rằng, Nguyễn Văn Hiếu đã dùng ghế đánh ông Nhung, còn lại không có lời khai nào khác. Trong khi đó, nhiều nhân chứng khác có mặt ở hiện trường có lời khai khẳng định không nhìn thấy Nguyễn Văn Hiếu đánh ông Nhung.
Trong bản KLĐT số 32, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên cũng ghi nhận không thu giữ được hung khí “không xác định được đâu là chiếc ghế Hiếu dùng để đánh gây thương tích cho ông Nhung…”.
Cũng theo bị can Nguyễn Văn Hiếu: “Tôi không đánh ông Nhung, còn về thương tích 13% của ông Nhung là vô lí. Buổi sáng ngày 19/4/2023 (1 ngày sau khi sự việc diễn ra) tôi có gặp ông Nhung đi ăn sáng. Tôi thấy ông Nhung không có thương tích gì, không băng bó ở đâu, ăn uống, nói chuyện bình thường với mọi người,… không có biểu hiện đau hay bất thường gì. Nếu ông Nhung bị thương tích là 13% thật thì do nguyên nhân khác, không liên quan đến tôi. Tôi cho rằng, Quyết định số 333A của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên trả lời như trên là chưa đủ căn cứ, thiếu khách quan”.
Ngày 15/3/2024, Viện KSND thị xã Việt Yên có Thông báo số: 03/TB-VKS-KN về việc thụ lí đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Hiếu về việc ông Hiếu khiếu nại Quyết định giải quyết khiếu nại số: 333A/QĐ-CQĐT ngày 6/3/2024 của Cơ quan CSĐT Công an thị xã Việt Yên.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Đỗ Thành Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội thì:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Theo đó, việc chứng minh tội phạm phải tuân theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS quy định. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ quan tiến hành tố tụng cần phải tìm đủ và làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội. Để xác định có hay không oan, sai trong vụ án “Cố ý gây thương tích” nêu trên, các cơ quan tố tụng cần làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, về hành vi phạm tội. Theo như phản ánh trên thì còn nhiều người khác có mặt tại hiện trường cho rằng, ông Nhung bị thương tích là do tự trượt chân ngã. Do đó, việc khai thác lời khai của những nhân chứng này là vô cùng quan trọng đối với việc chứng minh Hiếu có thực hiện hành vi cố ý gây thương tích đối với ông Nhung hay không? Có thể trong lúc ông Nhung ngã đã va đập vào bàn, ghế… cần được làm sáng tỏ. Nhất là hiện trường là một đám giỗ, có rất đông người và việc ông Nhung đến gây rối tại đây cũng không phải là chuyện nhỏ và theo lẽ thường sẽ thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Do đó, việc thu thập lời khai của các nhân chứng tại hiện trường không khó. Cơ quan điều tra đã thu thập hết lời khai của các nhân chứng có mặt tại hiện trường hay chưa? Hay chỉ thu thập lời khai của người nhà ông Nhung? Cần phải làm rõ xem người nhà ông Nhung cho lời khai như vậy có khách quan không? Nhân chứng đó có thực sự có mặt tại hiện trường vào thời điểm xảy ra sự việc hay không?
Thứ hai, về vật chứng trong vụ án. Vật chứng trong vụ án hình sự là nguồn chứng cứ quan trọng mà thông qua đó cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể rút ra được chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội cũng như những tình tiết khác giúp cho việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, như thông tin trên cho biết, trong bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT công an thị xã Việt Yên ghi nhận: “không xác định được đâu là chiếc ghế Hiếu dùng để đánh gây thương tích cho ông Nhung…”, đồng thời, bản kết luận cũng nêu rõ “...Nguyễn Văn Hiếu dùng tay trái cầm 1 ghế inox ở bàn cỗ đập một nhát phần mặt ghế vào vùng trán trái và sống mũi ông Nhung. Hậu quả, ông Nhung bị thương tích rách da chảy máu vùng trán trái, sống mũi, vỡ xương sống mũi với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 13%...”
Nếu ông Nhung bị thương tích rách da chảy máu vùng trán trái, sống mũi, vỡ xương sống mũi do Hiếu dùng ghế gây nên thì tại sao lại không thu thập được các dấu vết trên chiếc ghế để xác định đâu là chiếc ghế gây thương tích cho ông Nhung?
Trong quá trình truy tố xét xử, Toà án cần xem xét, đánh giá vụ án một cách khách quan, toàn diện, đặc biệt đối với các vấn đề đã nêu trên để có phán quyết đúng đắn nhất, tránh hàm oan người vô tội cũng như không để bỏ lọt tội phạm.