Nhịp cầu bạn đọc
Nhịp cầu bạn đọc 03/08/2024 14:14
Đơn của bà Linh cho biết: Ngày 24/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Củ Chi ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 237 về tội “Cố ý gây thương tích”. Ngày 24/5/2021, có Quyết định khởi tố bị can số 237, khởi tố Huỳnh Tấn Trung về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Khoản 3, Điều 134, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015.
Ngay sau khi có quyết định khởi tố bị can, Huỳnh Tấn Trung bị tạm giam. Thời hạn tạm giam từ ngày 29/5/2021. Đến nay, sau 3 năm 2 tháng, Trung vẫn bị giam giữ. Thời gian tạm giam quá lâu đã và đang tước bỏ và hạn chế nhiều quyền cơ bản của con bà, như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do đi lại...
Bà Linh đặt câu hỏi: Huỳnh Tấn Trung bị tạm giam để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Khoản 3, Điều 134, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) những 3 năm, 3 tháng mà chưa có dấu hiệu dừng lại? Điều tra vụ “cố ý gây thương tích” tốn nhiều thời gian vậy sao? Tại sao bị hại (Nguyễn Văn Châu), người cũng tham gia “hỗn chiến” lại không bị khởi tố?
Hơn nữa, trong quá trình điều tra, Các cơ quan tố tụng huyện Củ Chi thiếu căn cứ xác định Trung phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố là “Cố ý gây thương tích”. Việc kéo dài thời hạn điều tra, kéo dài thời gian tạm giam Trung chỉ xoay quanh điều tra, gia hạn điều tra, điều tra bổ sung về tội “Cố ý gây thương tích” là có dấu hiệu không bình thường.
Cũng theo đơn của bà Linh: Ngay từ thời điểm mới bị tạm giam, Trung đã liên tục kêu oan với các cơ quan chức năng. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, do là người nông dân thuần túy, gia đình thiếu kiến thức pháp luật, nên không tìm hiểu về tất cả các nhân chứng, vật chứng, không biết cách thu thập được các chứng cứ có lợi cho Trung.
Thậm chí, gia đình không được cung cấp hồ sơ vụ án. Bà Linh và người thân chỉ chứng kiến và lắng nghe tại các phiên tòa, qua đó, nắm được một số nguyên nhân khiến vụ án cứ đưa ra xét xử lại bị trả hồ sơ điều tra bổ sung. Cụ thể: Vật chứng không có dấu vân tay của bị can Trung; lời khai của các nhân chứng tại tòa không đồng nhất; nhân chứng thấy Trung không có mặt tại hiện trường; những người khai tận mắt chứng kiến Trung gây ra, thì lời khai mâu thuẫn, lời khai không trùng khớp và sai với chứng nhận thương tích, nhân chứng đưa ra lời chứng buộc tội Trung vốn có mâu thuẫn với gia đình bị cáo (từng kiện gia đình Trung ra xã), do đó, việc làm chứng không khách quan; cơ quan tố tụng chỉ căn cứ lời khai của bị hại Nguyễn Văn Châu...
Bà Linh đề nghị, khi giải quyết vụ án này, các cơ quan tố tụng xem xét theo hướng: Chứng cứ đến đâu, xử lí đến đó. Nếu chưa xác định được chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm và hết thời hạn điều tra, thậm chí có dấu hiệu quá hạn điều tra (điều tra kéo dài 3 năm, 2 tháng) mà Cơ quan điều tra không chứng minh được Trung thực hiện tội phạm như thế nào thì cần ra quyết định đình chỉ điều tra, theo điểm b, Khoản 1, Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Nếu tiếp tục không chứng minh được một cách thuyết phục “có sự việc phạm tội”, không chứng minh được cấu thành tội phạm, đề nghị các cơ quan tố tụng ghi nhận và áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Trung.
Bà Linh cho rằng, việc làm oan người vô tội, cũng như bỏ lọt tội phạm đều để lại những hậu quả vô cùng nặng nề đối với xã hội. Do đó, muốn khắc phục các hiện tượng trên, trong vụ việc khởi tố con trai bà là Huỳnh Tấn Trung về tội “Cố ý gây thương tích”, bà Linh mong muốn cơ quan tiến hành tố tụng cần thực thi công vụ trên tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Tạp chí Người cao tuổi chuyển nội dung kiến nghị của bà Võ Thị Cẩm Linh đến các cơ quan tố tụng huyện Củ Chi xem xét, giải quyết theo thẩm quyền; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi và bạn đọc theo quy định.