Nguyên đơn người cao tuổi đề nghị được xem xét, giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 05/10/2023 10:32
Nội dung vụ án
Năm 2000, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số: 961/UB-SX giao 6.000m2 đất ở xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An (nay là TP Dĩ An), tỉnh Bình Dương cho Công ty Cổ phần Thương mại - Sản xuất xây dựng Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số: 753 ngày 29/9/2000.
Diện tích đất trên nằm trong phần đất 6.692,6 m2 đang có 10 hộ dân sinh sống từ trước năm 1990. Trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị Búp, ở 131/3, khu phố 2, phường An Phú, TP Thuận An.
Năm 2001, UBND xã Tân Đông Hiệp, UBND huyện Dĩ An thông báo nhà, đất của 10 hộ dân bị thu hồi, giao Công ty Hưng Thịnh xây nhà cho công nhân; và tiến hành việc đo đạc đất, thống kê tài sản trên đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị thu hồi đất.
Một góc khu đất tranh chấp (ảnh trên). Bà Búp trước khu đất tranh chấp. |
Ngày 18/10/2010, UBND huyện Dĩ An ra Quyết định số: 6658/QĐ - KPHQ buộc gia đình bà Búp và các hộ dân tháo dỡ tòan bộ nhà cửa, cây trồng để bàn giao mặt bằng cho Công ty Hưng Thịnh. Các hộ dân khiếu nại và khởi kiện hành chính ra TAND huyện Dĩ An, yêu cầu tuyên hủy các quyết định hành chính trên.
Năm 2012, TAND huyện Dĩ An chấp nhận yêu cầu khởi kiện; tuyên hủy Quyết định số: 6658/QĐ - KPHQ, và quyết định cưỡng chế nói trên.
Tuy nhiên, việc giao đất cho Công ty Hưng Thịnh vẫn được thực hiện.
Các hộ dân khởi kiện Công ty Hưng Thịnh ra TAND tỉnh Bình Dương yêu cầu giải quyết hủy GCNQSDĐ của Công ty Hưng Thịnh.
Bản án số: 03/2023/DS-ST ngày 8/3/2023 của TAND tỉnh Bình Dương, xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy GCNQSDĐ đối với bị đơn là Công ty Hưng Thịnh. Buộc các nguyên đơn phải tháo dỡ toàn bộ tài sản, vật kiến trúc, cây trồng trên đất, trả đất cho bị đơn là Công ty Hưng Thịnh quản lí, sử dụng. Trong đó, buộc bà Búp trả phần đất 1.404,4m2.
Bà Búp và các nguyên đơn kháng cáo. Ngày 18/8/2023, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử vụ án, tuyên xử y án sơ thẩm.
“Nhập nhằng” nguồn gốc đất công?
Cả hai cấp Tòa án có chung nhận định: Công ty Hưng Thịnh được UBND tỉnh Bình Dương giao đất và cấp GCNQSDĐ là hợp pháp. Nguồn gốc đất tranh chấp mà UBND tỉnh Bình Dương giao cho Công ty Hưng Thịnh, theo các văn bản của UBND tỉnh Bình Dương thông báo là do Quân đoàn 4 quản lí, là đất trống, đất công. Việc phê duyệt dự án của Công ty Hưng Thịnh cũng phù hợp với pháp luật.
Biên lai thu thuế của bà Nguyễn Hồng Thu, một nguyên đơn trong vụ án. |
Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Hưng Thịnh không cung cấp được tài liệu nào chứng minh có việc Quân đoàn 4 quản lí phần đất trên và bàn giao lại cho UBND tỉnh Bình Dương. Theo Tờ trình số: 336/TT.ĐC ngày 22/9/2000 của Sở Địa chính tỉnh Bình Dương, có phần nội dung ghi về nguồn gốc đất mà UBND tỉnh Bình Dương cấp cho Công ty Hưng Thịnh “là đất Quốc phòng đã bàn giao cho UBND tỉnh quản lí”; và không có tài liệu nào trong hồ sơ thể hiện khu đất trên là đất công. Thậm chí, cũng không phải là khu đất trống như Tờ trình số: 336/TT.ĐC và các tài liệu phía Công ty Hưng Thịnh và của UBND tỉnh Bình Dương cung cấp. Ngược lại, các hộ dân là các đương sự có sử dụng, quản lí đất, sinh sống từ trước năm 1990 đến nay.
Người cao tuổi là bà Nguyễn Thị Búp và các hộ dân, cho biết: Khu đất trên do các hộ dân họ khai hoang từ trước năm 1990, sử dụng đến nay. Gia đình bà Búp khai hoang 1.404,4m2 đất tại tổ 15B, ấp Chiêu Liêu, xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An năm 1986 (có Đơn xin xác nhận nguồn gốc đất khai hoang, được Chủ tịch UBND xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An xác nhận ngày 29/12/1999). Trong Biên lai thu tiền sử dụng đất của các nguyên đơn, cũng thể hiện không phải đất công, không phải đất trống.
Trong Biên bản xác định khối lượng giải tỏa cho Dự án khu dân cư KCN tại xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An, lập ngày 26/4/2022, để tiến hành giải tỏa đối với gia đình bà Búp, ông Phạm Minh Trí, thể hiện trên đất có nhiều cây tràm bông vàng có tuổi từ 15 năm- 20 năm, là minh chứng họ đã ở trên đất này từ nhiều năm trước.
Ngoài ra, theo tài liệu trích sao bản đồ do Văn phòng Đăng kí đất đai huyện Dĩ An cung cấp cho ông Phạm Minh Trí ngày 4/12/2007 (7 năm sau khi Công ty Hưng Thịnh được cấp GCNQSDĐ vào năm 2000), có nội dung: “Trích theo bản đồ năm 2004, thửa 1065 do ông Phạm Minh Trí đứng tên”. Như vậy, văn bản này thể hiện, chứng minh khu đất tranh chấp không phải đất công, không phải đất trống, mà đã được người dân quản lí, sử dụng và đã được cập nhật vào hồ sơ địa chính theo quy định.
Tuy nhiên, các chứng cứ trên đều không được hai cấp Tòa công nhận. Toà án chỉ công nhận các chứng cứ của bị đơn là Công ty Hưng Thịnh cung cấp và ý kiến trình bày do UBND tỉnh Bình Dương cung cấp. Điều 108, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về đánh giá chứng cứ quy định:
“1. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác.
2. Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.
Cho rằng có dấu hiệu xét xử thiếu khách quan trong vụ án nói trên, nguyên đơn là người cao tuổi Nguyễn Thị Búp đã có đơn đề nghị xem xét giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm theo quy định.