Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời
Nghiên cứu - Trao đổi 13/02/2023 14:32
Bài cuối: Làm gì để hạn chế bạo lực và lạm dụng NCT?
Phát huy vai trò của chính sách, pháp luật
Với truyền thống của người Việt Nam, NCT được coi là “tài sản vô giá”, là nền tảng gia đình. Bởi vậy, việc chăm sóc và phát huy tốt vai trò NCT trong gia đình, xã hội thể hiện tốt văn hóa, đạo đức truyền thống, đồng thời thể hiện tính ưu việt của chế độ chính trị, góp phần vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Các hệ thống chính sách bảo vệ NCT rất đầy đủ, được thể hiện qua Hiến pháp, các bộ luật, nghị định, thông tư, chương trình hành động quốc gia…
Đơn cử, chúng ta đã có 5 bản Hiến pháp thì 4 bản đề cập đến NCT (Hiến pháp 1946, 1958, 1992, 2013). Tại Điều 14 Hiến pháp 1946 quy định: “Những công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ”. Hiến pháp 1992 quy định: “Con cái có trách nhiệm kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ,…”,…
Để hạn chế tình trạng lạm dụng, bạo lực với NCT cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội (Ảnh IT) |
Tại Điều 9, Luật NCT nêu rõ các hành vi bị cấm: “1. Lăng mạ, ngược đãi, xúc phạm, hành hạ, phân biệt đối xử đối với NCT. 2. Xâm phạm, cản trở NCT thực hiện quyền về hôn nhân, quyền về sở hữu tài sản và các quyền hợp pháp khác. 3. Không thực hiện nghĩa vụ phụng dưỡng NCT. 4. Lợi dụng việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT để vụ lợi. 5. Ép buộc NCT lao động hoặc làm những việc trái với quy định của pháp luật. 6. Ép buộc, kích động, xúi giục, giúp người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT. 7. Trả thù, đe dọa người giúp đỡ NCT, người phát hiện, báo tin ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật đối với NCT”.
Trước khi có Luật NCT (2009), Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các chủ trương và ban hành nhiều chính sách, cụ thể như: Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 về chăm sóc NCT; Chỉ thị số 17/TTg ngày 27/2/1996 về chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động Hội NCT Việt Nam… Qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với NCT- tầng lớp xã hội có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Về hình sự, theo Điều 185 Bộ luật Hình sự thì người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội với người già yếu,... có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm. Tại Khoản 2, Điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định: Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật,… Tuy vậy, mặc dù đã có những chế tài xử phạt về hành chính, hình sự đối với việc lạm dụng, bạo lực đối với NCT, nhưng trên thực tế việc xử phạt những đối tượng này còn ít, thậm chí chưa phát hiện vi phạm để xử lí…
Vì thế, để hạn chế tình trạng lạm dụng và bạo lực với NCT, hơn lúc nào hết cần sự vào cuộc đồng bộ, sâu sát hơn nữa của các cơ quan chức năng liên quan từ trung ương đến địa phương để các thiết chế chính sách, pháp luật về NCT được phát huy cao hơn nữa trong cuộc sống.
Sự vào cuộc đồng bộ toàn xã hội
Trên nền tảng các thiết chế về chính sách, pháp luật, văn hóa, tư tưởng,… các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền đến người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Chính quyền các cấp cần triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ, xử lí các vụ việc bạo lực, lạm dụng đối với NCT ở địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao; xử lí nghiêm theo thẩm quyền các cơ quan, tổ chức, cá nhân che giấu, không thông báo, tố giác hành vi bạo lực, lạm dụng NCT hoặc thiếu trách nhiệm trong việc xử lí các vụ việc bạo lực, lạm dụng NCT.
Lực lượng Công an cần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lí các hành vi xâm hại, đặc biệt là đe dọa đến tính mạng NCT; kiên quyết xử lí nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lí vụ việc bạo lực, lạm dụng NCT. Đồng thời, cần có số điện thoại đường dây nóng phản ảnh các vụ bạo lực, lạm dụng NCT và có mạng lưới cộng tác viên đến tận vùng sâu, vùng xa.
Việc giải quyết tình trạng bạo lực, lạm dụng NCT cũng đòi hỏi sự vào cuộc của hệ thống giáo dục, cộng đồng, gia đình và các cá nhân trong xã hội để NCT có những năm tháng tuổi già hạnh phúc và bình an. Trong xây dựng gia đình, cần chú trọng các biện pháp giáo dục người trẻ về đạo đức, trách nhiệm, nhân cách của người làm con ngay từ khi còn nhỏ, coi đó là gốc rễ của mọi sự phát triển. Hi vọng Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 sẽ có những quy định tạo hành lang pháp lí để NCT có một cuộc sống tự chủ, được bảo vệ thân thể, tinh thần và cả tài sản theo đúng pháp luật, góp phần giảm dần những vụ việc đáng buồn về bạo lực, lạm dụng NCT.
Ở góc độ khác, Nhà nước cũng cần “chủ động già hóa dân số”, xây dựng các cơ chế chính sách, pháp luật, kịch bản phù hợp về công tác chăm sóc, công tác xã hội, việc làm,… để “đón” tình trạng dân số già trong nay mai.
NCT cần biết bảo vệ mình
Hơn lúc nào hết, chính những NCT phải tự cứu lấy mình trước khi nhận được sự trợ giúp của xã hội. Mỗi người dân phải tự ý thức, xây dựng cho mình một kế hoạch sống chủ động khi về già (cả về sức khỏe, tinh thần, kinh tế,…) và hạn chế tối đa sự phụ thuộc bị động vào con cháu.
NCT Việt Nam hiện nay cần làm mới mình bắt kịp sự phát triển của thời cuộc, nên bỏ tư duy cả nể, sợ tai tiếng theo kiểu “con dại, cái mang” mà không phản ánh, tố cáo đến các cơ quan chức năng về tình trạng bị bạo lực, lạm dụng của người thân đối với bản thân mình. Ở góc độ khác, tổ chức Hội NCT các cấp cũng cần phát huy vai trò và có kế hoạch cụ thể để bảo vệ NCT trước tình trạng bị lạm dụng, bạo lực.
Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời |
Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời |
Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời |