Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời
Nghiên cứu - Trao đổi 08/02/2023 10:45
Bài 1: Thực trạng già hóa dân số Việt Nam hiện nay
Già hóa dân số nhanh
Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, trong đó, nam là 47.881.061 người, chiếm 49.8% và nữ là 48.327.923 người, chiếm 50,2% dân số.
Số người từ 60 tuổi trở lên là 11,409 triệu người. Số người từ 65 tuổi trở lên là 7,417 triệu người, chiếm 7,7% dân số; có hơn 1,8 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm khoảng 16, 5% tổng số NCT); có 5,83 triệu NCT nữ và 5,57 triệu NCT là nam giới; có 7,29 triệu NCT sống ở khu vực nông thôn (chiếm 64,4%).
Tỉ lệ già hóa dân số ở Việt Nam đang tăng |
Kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71 tuổi, của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989, tăng lên 73,6 năm 2019. Trong khi năm 2019 tuổi thọ trung bình của thế giới là 72 tuổi, của Việt Nam là 73,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới 1,6 tuổi. Và nếu cũng tính mức tăng tuổi thọ bình quân cao nhất là 0,1%/năm thì dân số Việt Nam đã già hóa dân số hơn số dân thế giới khoảng 16 năm.
Theo dự báo dân số Việt nam giai đoạn 2019 - 2069, trong suốt thời kì dự báo, dân số già (người từ 65 tuổi trở lên) của Việt Nam tăng rất nhanh, từ 7,4 triệu người năm 2019 lên đến 16,8 triệu người năm 2039 và đạt 25,2 triệu người năm 2069. Trong thời kì này, chỉ số già hóa (được tính bằng chỉ số phần trăm giữa số người từ 60 tuổi trở lên so với số trẻ dưới 15 tuổi) liên tục tăng.
Năm 2019, chỉ số già hóa của Việt Nam là 48,8 %, đến cuối thời kì dự báo, chỉ số già hóa 154,3%, tăng gấp 3 lần sau nửa thế kỉ. Nghĩa là, nếu năm 2019, cứ 2 trẻ em có 1 người già thì 50 năm sau, cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người già. Như vậy, theo phương án trung bình, Việt Nam bắt đầu thời kì dân số già từ năm 2036, khi tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 14,2%.
Theo Tổng cục Thống kê, giai đoạn từ năm 2036 đến 2039, Việt Nam có cơ cấu dân số vàng, đồng thời bước vào thời kì dân số già. Và thời kì này sẽ kéo dài khoảng 20 năm, từ năm 2036 đến năm 2069, Việt Nam sẽ có cơ cấu dân số siêu già tương ứng với tỉ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên, chiếm trên 21%. Tỉ trọng dấn số già năm 2056 và 2069 lần lượt chiếm 21,1% và 21,5% tổng dân số.
Trung bình số NCT tăng thêm hằng năm trong các thời kì đã tăng từ 93.000 NCT lên đến 348.000 trong giai đoạn 1979-2014. Số lượng NCT tăng thêm vào tổng dân số trong giai đoạn 1999-2009 có giảm xuống do chiến tranh vào cuối những năm 1960 đến giữa những năm 1970 khiến cho số NCT ít hơn so với thời kì đầu thế kỉ XXI. Trung bình số NCT tăng thêm hằng năm cũng tăng ở thời kì sau đó và dự báo sẽ tiếp tục tăng. Sự gia tăng dân số cao tuổi rõ rệt cùng phù hợp với tăng số NCT trong tổng dân số Việt Nam. Vào đầu thế kỉ này, tỉ lệ NCT trong dân số tăng hằng năm dưới 15%, nhưng đã tăng lên gần 40% trong vòng 10 năm gần đây.
Dự báo tỉ lệ này sẽ tiếp tục tăng và trong giai đoạn 2029-2034, NCT sẽ tiếp tục tăng lên trong khi dân số trẻ sẽ giảm đi. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng, NCT sẽ tăng 2,8 triệu người trong khi dân số dưới 60 sẽ giảm 377.000 người (dự báo của Tổng cục Thống kê năm 2016).
Cần quan tâm NCT ở khu vực nông thôn
Ở Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, nữ giới chiếm hơn 50% dân số cao tuổi. Tỉ lệ sống và tuổi thọ khi 60 tuổi cao hơn dẫn đến số lượng phụ nữ cao tuổi nhiều hơn số lượng nam giới cao tuổi. Hơn nữa, do phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới từ khi bước vào tuổi già, tỉ lệ nữ giới trong dân số cao tăng dần theo độ tuổi.
Tỉ lệ NCT và tỉ lệ những NCT nhất ở nông thôn đều cao hơn thành thị. Mức độ nữ hóa cũng như già hóa dân số cao tuổi ở nông thôn cũng cao hơn thành thị. Do vậy, NCT ở nông thôn, đặc biệt là nữ giới cần được chú ý hơn. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi di chuyển ra khỏi khu vực nông thôn, do đó NCT ở nông thôn có nhiều khả năng phải sống một mình và có ít hỗ trợ của gia đình.
Tỉ số hỗ trợ tiềm năng (số người trong độ tuổi lao động (15-64) trên một người từ 65 tuổi trở lên) là 9,3 ở khu vực nông thôn, so với 10,7 ở khu vực thành thị. Chỉ số già hóa, là tỉ số giữa số NCT trên 100 trẻ em (0-14 tuổi) ở thành thị cũng thấp hơn ở khu vực nông thôn, có nghĩa khu vực nông thôn có tỉ lệ trẻ em và NCT cao hơn thành thị. Nguyên nhân của vấn đề này là do dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị.
Tỉ lệ NCT trong tổng dân số mỗi khu vực dao động từ mức cao 12,5% ở Đồng bằng sông Hồng xuống mức thấp 6,6% ở Tây Nguyên. Tỉ lệ nhóm NCT già nhất cũng cao nhất ở Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất ở Tây Nguyên. Do vậy, các chỉ số già hóa và tỉ lệ hỗ trợ tiềm năng trong các khu vực cũng thay đổi tương ứng. Tất cả đều phải đối mặt với xu thế nữ hóa dân số cao tuổi với phụ nữ cao tuổi chiếm hơn 50% tổng dân số cao tuổi.