Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời
Nghiên cứu - Trao đổi 10/02/2023 10:38
Bài 2: Yếu về sức khỏe, nghèo về kinh tế
Yếu về sức khỏe…
Theo thống kê của Bộ Y tế, tình trạng sức khỏe của người dân Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong khoảng 3 thập kỉ qua và tuổi thọ trung bình tăng chính là minh chứng cho điều này. Năm 2017, tuổi thọ là 70,7 năm đối với nam và 76,1 đối với nữ. Tuổi thọ khỏe mạnh (HALE) ở Việt Nam theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở nam giới là 63,2 năm và nữ giới là 70 năm (nghĩa là nam giới có 8 năm phải sống với bệnh tật, nữ giới có 11 năm) năm 2016.
Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi), nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 năm. 96% người msang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình một NCT Việt Nam mắc 3 bệnh. Trung bình số năm đau ốm là 7,3 năm (chiếm 10% của tuổi thọ).
NCT gặp nhiếu khó khăn về kinh tế (Ảnh IT) |
Ở góc độ khác, kết quả khảo sát của Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) về sức khỏe NCT Việt Nam, 62,3% NCT Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp và 86,3% trong số đó có điều trị; 12,2% cụ bà được chẩn đoán loãng xương, tỉ lệ này ở cụ ông là 5,5%; với bệnh thiếu máu, nhối máu cơ tim có 13,2% cụ bà từng được bác sĩ chẩn đoán mắc và 10,8% cụ ông được chẩn đoán mắc,… tỉ lệ này tăng theo độ tuổi.
Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2017, tỉ lệ khuyết tật là đáng kể ở NCT và tăng theo độ tuổi. Tỉ lệ NCT gặp ít nhất một khó khăn trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (ADL) tăng từ 28% trong số những người từ 60-69 tuổi lên hơn 50% trong số những người từ 80 tuổi trở lên. Tỉ lệ khuyết tật cao hơn ở những phụ nữ lớn tuổi. Trong số những NCT cần được hỗ trợ trong cuộc sống hằng ngày, hơn 25% không nhận được sự hỗ trợ mà họ cần và tỉ lệ này cao hơn ở phụ nữ và những người NCT sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhu cầu về chăm sóc dài hạn được cho là tăng lên ở nhóm tuổi 70 trở lên, đặc biệt là mốc từ 80 tuổi trở lên. Đây chính là nguyên nhân gây ra khuyết tật và giảm chất lượng cuộc sống của NCT.
Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của người già. Có hơn 72% NCT sống với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Số lượng gia đình 3-4 thế hệ giảm dần. Xu hướng thanh niên nông thôn di cư ra thành thị mạnh mẽ, dẫn tới tình trạng già hóa dân số ở nông thôn. Và việc phải sống một mình là điều rất bất lợi với những NCT, bởi gia đình là chỗ dựa cơ bản cho mỗi người khi về già. Theo thống kê có khoảng 30% NCT sống một mình hoặc cùng vợ/chồng cũng là NCT hoặc cháu dưới 10 tuổi ở khu vực nông thôn.
Theo chuyên gia, năm 2019 gần 4 triệu người và năm 2049 có khoảng 10 triệu NCT có nhu cầu cần hỗ trợ. Trong khi đó, hệ thống cán hộ hướng dẫn, chăm sóc phục hồi chức năng lại hạn chế về trình độ, chỉ số ít được người được đào tạo cơ bản.
Nghèo về kinh tế
Một trong những vấn đề chính mà NCT gặp phải là an ninh tài chính. Năm 2016, tỉ lệ NCT sống ở mức nghèo đói nghiêm trọng (dưới một nửa thu nhập chuẩn nghèo) và mức nghèo đói tăng dần theo tuổi, nhưng tỉ lệ nghèo ở nhóm tuổi từ 80 tuổi trở lên thấp hơn so với nhóm tuổi từ 70-79.
Trước thực trạng này, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT như: Chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội,… Tuy nhiên, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta mới hỗ trợ nâng cao đời sống cho một bộ phận NCT. Hiện cả nước mới khoảng 39% NCT được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy, còn tới 61% NCT sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.
Phần lớn NCT ở nước ta có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định, hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào người thân. Tỉ lệ NCT tham gia hoạt động kinh tế khoảng 40-45%. Số lượng NCT có lương hưu, bảo hiểm, trợ cấp xã hội thấp cả về độ bao phủ và mức hưởng, chỉ khoảng 60% NCT có thẻ bảo hiểm y tế. Số liệu thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, nguồn sống của NCT Việt Nam cũng đa dạng: Lao động chính của bản thân NCT khoảng 30%, lương hưu, trợ cấp và của tích lũy và do con cháu chu cấp khoảng 40%.
Chất lượng cuộc sống của NCT, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, tỉ lệ nghèo ở NCT là 23,5%. Khoảng 70% NCT Việt Nam sống ở nông thôn và làm nông nghiệp; hơn 70% NCT không có tích lũy vật chất và chỉ chưa đầy 30% NCT sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Tại khu vực thành thị, lương hưu hoặc trợ cấp là nguồn sống chính của 35,6% NCT, trong khi chỉ có gần 22% NCT ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp và có tới 35,2% NCT phải tự lao động kiếm sống.
Người cao tuổi và những nỗi lo cuối đời Trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cùng ... |