Mục tiêu dẫn đầu ngành và tấm lòng thiện nguyện của một doanh nhân cao tuổi
Đời sống 20/11/2021 09:00
Trở về với con cá tra
Từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành hàng cá tra trong giai đoạn 2006 - 2009 nhưng sau đó, Navico mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực ngân hàng, phân bón và khoáng sản nên không hiệu quả. Từ năm 2016, ban lãnh đạo Công ty mạnh tay loại bỏ các khoản đầu tư ngoài ngành và tập trung nguồn lực cho việc sản xuất và chế biến cá tra. Từ đó, lợi nhuận của Nam Việt dần khởi sắc.
Tuy nhiên, 2021 là một năm khó khăn của tất cả các ngành nghề kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lần thứ 4, giá trị xuất khẩu cá tra sụt giảm, giá cá tra nguyên liệu giảm dưới 20.000 đồng/kg.
Công nhân được bố trí an toàn nơi làm việc. |
Với kinh nghiệm của người cao tuổi (NCT) ở trong ngành nhiều năm, ông dự báo được tình hình và có sự tích trữ nguồn nguyên liệu đầu vào nên Navico đã vượt qua được khó khăn trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ tự chủ 100% thức ăn cho việc nuôi cá, 100% các nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, với mô hình sản xuất khép kín được đầu tư từ nhiều năm qua đã giúp Navico bảo đảm việc làm cho gần 6.000 lao động, mang về tổng doanh thu cùng lợi nhuận sau thuế cao hơn kế hoạch đề ra lần lượt gần 16% và 1%. Cùng với đó, sản phẩm mới được ra mắt trong năm 2020 là chả cá cũng đóng góp hơn 10,2% trong tổng doanh thu Công ty. Hiện, Navico có 6 công ty con trong lĩnh vực sản xuất điện năng lượng mặt trời, phân bón hữu cơ, nuôi trồng thủy sản, chế biến bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản chế biến dầu cá, bột cá và một công ty liên kết sản xuất collagen và gelatin.
Thời gian tới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp trên thị trường các quốc gia nhập khẩu cá tra nên vẫn có hàng loạt rủi ro đặc thù ngành mà công ty này phải đối mặt. Trong đó, về thị trường xuất khẩu việc xuất khẩu sang các thị trường chính như EU, Trung Quốc,… vẫn còn nhiều rủi ro do rào cản thương mại chặt chẽ từ các nước nhập khẩu cùng sự cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại, sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và đặc biệt là dịch Covid-19 chưa kết thúc. Vì vậy, ông đưa ra định hướng đa dạng thị trường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, tránh việc tập trung quá nhiều vào bất cứ một thị trường nào.
Cùng với đó, rủi ro về môi trường có thể trở thành cản trở lớn nhất cho việc phát triển con cá tra trong thời gian tới. Cụ thể, ngành nuôi và xuất khẩu cá tra ở địa bàn sông Cửu Long đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, hứa hẹn tiềm năng phát triển lớn. Tuy vậy những năm gần đây, tỉ lệ hao hụt khi nuôi cá tra ngày càng cao, thậm chí có ao nuôi cá hao hụt hơn 50%. Nếu tiếp tục bỏ quên vấn đề bảo vệ môi trường thì tình trạng suy thoái môi trường do nuôi cá sẽ tác động mạnh đến nghề nuôi và là cản trở lớn nhất cho việc phát triển con cá tra trong thời gian tới.
Doanh nhân Doãn Tới đang đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn tại hội nghị đối thoại doanh nghiệp với chính quyền tỉnh An Giang. |
Mục tiêu dẫn đầu ngành gắn với tấm lòng thiện nguyện
Doanh nhân Doãn Tới thông tin, Công ty CP Nam Việt có trụ sở chính tại An Giang, được thành lập từ năm 1993 với tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và công nghiệp. Bảy năm sau đó, công ty có bước chuyển biến quan trọng đầu tư sang lĩnh vực chế biến thủy sản. Hiện nay, cá nhân ông sở hữu 56,3% vốn điều lệ Navico. Mục tiêu quan trọng mà ông luôn hướng đến là “đưa Navico trở về vị trí dẫn đầu ngành bằng việc tận dụng các lợi thế sẵn có từ chuỗi giá trị khép kín và phát triển mở rộng thị trường”.
Tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh do chính quyền tỉnh An Giang tổ chức mới đây, ông Tới đã đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến các chính sách hỗ trợ vay vốn; hỗ trợ thuế; chi phí vận chuyển, sản xuất tăng cao; đào tạo nghề, tuyển dụng lao động; khôi phục thị trường; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động; vừa bảo đảm sản xuất, vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả…
Theo ông, hiện ngành hàng cá tra trong nguy vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Cụ thể, Công ty của ông đã có đơn hàng xuất khẩu cá tra rất lớn đi các nước và lượng cá tra nuôi của Công ty bảo đảm được nguồn hàng xuất, lượng lao động khi vào làm việc có thu nhập tốt và an toàn trong môi trường “vùng xanh”. Để thích ứng an toàn, linh hoạt trong trạng thái bình thường mới, Navico tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tiêm bao phủ vaccine phòng Covid-19, tuyên truyền người lao động thực hiện nghiêm thông điệp “5K”…
Để đưa Navico trở về vị trí dẫn đầu của ngành, ông coi trọng việc phát triển chuyên sâu áp dụng công nghệ cao và hoàn thành chuỗi giá trị khép kín từ con giống, sản xuất thức ăn thủy sản, nuôi trồng thủy sản đến chế biến xuất khẩu sẽ được chú trọng. Navico tiếp tục đầu tư dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thuỷ sản Bình Phú. Dự án này được xây dựng trong năm 2019 - 2020, đã hoàn thành được 229 ao cá thịt, 64 ao cá giống và lắp đặt các hệ thống máy móc. Công ty còn góp 50% vốn thành lập công ty TNHH Amicogen Nam Việt sản xuất collagen và genlatin với công suất 780 tấn/năm,…
Bên cạnh sự thành công trong kinh doanh, doanh nhân NCT Doãn Tới không quên trách nhiệm và tình nghĩa của người lính Cụ Hồ để chia sẻ với cộng đồng. Xuất phát từ tấm lòng nhân ái, ông cùng gia đình đóng góp nhiều tỉ đồng cho Quỹ Vaccine phòng Covid-19; hỗ trợ kinh phí cho chính quyền tỉnh mua nhiều trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân nhất là NCT có bệnh lí nền không may mắc Covid-19. Đặc biệt, từ nhiều năm nay Quỹ học bổng Doãn Tới do gia đình ông thành lập đã trao nhiều suất học bổng cho những học sinh con cháu NCT có hoàn cảnh khó khăn vượt qua khó khăn được cấp sách đến trường… Navico còn đối ứng kinh phí trao tặng “Túi an sinh công đoàn” công nhân lao động của đơn vị.
Ông Tới chia sẻ, những việc làm thiện nguyện của ông và gia đình chỉ là việc nhỏ trong khi đời sống của nhiều người dân và NCT còn gặp khó khăn rất cần sự chung tay góp sức của nhiều nhà hảo tâm. Vì vậy, bản thân ông dù đã là một NCT, nhưng vẫn luôn cố gắng trao đi niềm vui để nhận lại nụ cười hạnh phúc trong cuộc đời.