Thành tựu trọn đời của nữ doanh nhân cao tuổi
Thông tin doanh nghiệp 24/12/2021 09:06
Từ “giấc mơ sữa Việt”
Sinh năm 1953 tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Moscow (Nga) chuyên ngành chế biến sữa. Từ lời khuyên của cha bà với nhận định sữa là “chiếc chìa khóa” để phục hồi thể trạng người Việt sau chiến tranh, nhất là đối với trẻ em, bà đã dành quyết tâm và nhiệt huyết của mình để xây dựng ngành sữa Việt Nam. Và sau này, tâm huyết đó biến thành động lực mạnh mẽ trong chặng đường gần 45 năm gắn bó cùng với Vinamilk, hiện thực hóa “giấc mơ sữa Việt”, góp phần hình thành, phát triển một thế hệ trẻ em Việt Nam vươn cao.
Bà nhiều lần tự hào chia sẻ “Không chỉ cá nhân tôi mà cả tập thể nhân viên Vinamilk đều luôn tự hào. Thứ nhất, chúng ta đã có thương hiệu sữa Việt Nam không thua kém gì trong khu vực. Thứ hai, Vinamilk đã xây dựng được hệ thống chăn nuôi bò sữa, từ đó tự chủ được nguyên liệu, sản xuất và giá thành. Thứ ba là sản phẩm sữa Vinamilk đã có mặt tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Thứ tư, trước đây Việt Nam làm sữa hoàn toàn thủ công còn bây giờ có nhiều nhà máy tự động hóa và chúng ta có thể chăm sóc cho trẻ em Việt bằng chính các sản phẩm Việt…”.
Đưa doanh nghiệp sữa Việt Nam vào vị trí thứ 36 trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới qua hơn 4 thập kỉ hoạt động, một trong những quyết định sáng suốt nhất của bà chính là tư duy chủ động. Cụ thể là tập trung đầu tư vào phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi bò sữa trong nước từ rất sớm. Bà chia sẻ: “Chúng ta có hệ thống chăn nuôi bò sữa, đó là quan trọng nhất. Nói không quá, nếu không có vùng nguyên liệu, có lẽ sẽ không có Vinamilk ngày nay”.
Doanh nhân Mai Kiều Liên Tổng giám đốc Vinamilk. |
Năm 1991, Vinamilk cụ thể hóa mục tiêu này bằng giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu nội địa và “cuộc cách mạng sữa”, còn gọi là cuộc “cách mạng trắng”. Giữ ổn định chiến lược phát triển đàn bò nguyên liệu liên tục trong nhiều năm, đến nay Vinamilk sở hữu 13 trang trại đạt chuẩn quốc tế, tổng đàn bò khai thác sữa hơn 160 nghìn con, cung ứng trên 1 triệu lít sữa tươi nguyên liệu/ngày. Nhờ mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, năng suất và chất lượng sữa của đàn bò tăng trưởng tốt, công nghệ chăn nuôi tiệm cận với các nước phát triển. Những tiêu chuẩn cao nhất, công nghệ hiện đại nhất của ngành chăn nuôi bò sữa thế giới đều có thể tìm thấy ở hệ thống trang trại của Vinamilk. Đó một phần là nhờ tầm nhìn và chiến lược của vị nữ thuyền trưởng tài ba Mai Kiều Liên.
Một số dự án trang trại “khủng” của Vinamilk như Resort bò sữa tại Tây Ninh với vốn đầu tư ban đầu hơn 1.200 tỉ đồng (50 triệu USD), ứng dụng công nghệ 4.0 trong tất cả các khâu quản lí và chăn nuôi. Trang trại bò sữa Vinamilk Organic Đà Lạt, theo chuẩn châu Âu đầu tiên của Việt Nam tại thời điểm năm 2017. Mới đây, Vinamilk tiếp tục ra mắt hệ thống trang trại bò sữa sinh thái Vinamilk Green Farm. Tại nước ngoài, Tổ hợp resort bò sữa Organic trên cao nguyên Xiangkhouang (Lào) của Vinamilk cũng sắp đi vào hoạt động, với đàn bò 24 nghìn con giai đoạn 1 và 100 nghìn con vào giai đoạn 2.
Nữ thuyền trưởng của Vinamilk được Forbes vinh danh Thành tựu trọng đời vào năm 2018 |
Nâng tầm thương hiệu Việt trên bản đồ sữa thế giới
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, nhưng từ năm 1997 trong ngành sữa, Vinamilk chính là “người tiên phong” với thị trường đầu tiên là Iraq và sản phẩm đầu tay là Dielac thông qua hình thức “Đổi dầu lấy thực phẩm”.
Nói về lô sữa Việt xuất khẩu đầu tiên ra thị trường thế giới, bà Mai Kiều Liên nhớ lại: “Thời điểm đó, không ai nghĩ Việt Nam có thể xuất khẩu sữa bột trẻ em do trước đó hoàn toàn phải nhập khẩu. Vinamilk đã vượt qua vòng kiểm tra chất lượng khắt khe của nước bạn, thậm chí một số tiêu chí còn khó hơn chuẩn quốc tế. Sau khi chứng minh được về chất lượng và khả năng giao hàng đúng yêu cầu, Vinamilk đã kí các hợp đồng xuất khẩu lớn vào thị trường này”.
Từ những bước đi chiến lược đầu tiên, đến nay các sản phẩm của Vinamilk đã có mặt trên kệ hàng của nhiều nước, trong đó khu vực Trung Đông là thị trường chủ lực, đóng góp hơn 75% vào tổng doanh thu hơn 2,5 tỉ USD từ xuất khẩu của Vinamilk tính từ năm 1997 đến nay.
Bà Mai Kiều Liên chia sẻ phương châm hoạt động của bà mấy chục năm nay là bao giờ cũng phải “đi bằng hai chân”. Chân ở nội địa vững chắc, đáp ứng nhu cầu cho nguời dân, trong đó có người cao tuổi (NCT) và trẻ em, sau đó mới tính đến chuyện xuất khẩu vươn ra nước ngoài. Chính vì vậy, ngoài việc liên tục đầu tư, cải tiến, đem lại nhiều sản phẩm chất lượng quốc tế cho người tiêu dùng, nhất là NCT trong nước thì mảng xuất khẩu, kinh doanh quốc tế luôn được Vinamilk chú trọng đẩy mạnh. Năm 2021, dù bị tác động bởi dịch Covid-19, doanh thu thuần xuất khẩu 6 tháng đầu năm của Vinamilk đạt 2.772 tỉ đồng, tăng 13,1% so với năm 2020.
“Thành tựu trọn đời” - Giá trị cho cộng đồng và đất nước
Với tầm nhìn chiến lược, sự cống hiến và tâm huyết dành cho Vinamilk cũng như ngành sữa Việt Nam, năm 2018, bà Mai Kiều Liên là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được Forbes Việt Nam vinh danh giải thưởng “Thành tựu trọn đời” với dấu ấn “tư tưởng đổi mới sáng tạo, khả năng hoạch định chiến lược đúng đắn, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, gắn kết người lao động để cống hiến vì mục tiêu chung đưa Công ty phát triển”.
Trước đó, bà là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012 - 2015 trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc. Đồng thời, bà cũng là một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn.
Với 12 năm liền là thương hiệu quốc gia, đại diện duy nhất của ASEAN thuộc Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu với định giá 2,4 tỉ USD là những kết quả mà Vinamilk đạt được. Điều đó không chỉ khẳng định sự lớn mạnh của một doanh nghiệp mà còn cho thấy vị thế của những thương hiệu đại diện cho quốc gia và vai trò của “nữ tướng” Mai Kiều Liên, người phụ nữ đã tạo dựng và truyền cảm hứng.
Gắn bó với ngành sữa từ một mục đích tốt đẹp và tầm nhìn xa, các quyết định của bà cũng như mọi hoạt động của Vinamilk luôn xoay quanh việc đưa đến cộng đồng những sản phẩm dinh dưỡng có lợi nhất cho sức khỏe, để trẻ em Việt Nam phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho NCT. Hàng loạt chương trình hướng về cộng đồng đặc biệt là đối tượng trẻ em và NCT được Vinamilk thực hiện nhiều năm nay như Chương trình Quỹ sữa vươn cao Việt Nam với hành trình 14 năm, Chương trình Sữa học đường đã thực hiện 15 năm đem lại lợi ích cho hàng triệu trẻ em Việt Nam.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, khi được hỏi về sự thách thức của đại dịch với Vinamilk, bà cho biết “Mỗi thời kì có những thách thức khác nhau nên tôi cũng không dám khẳng định đây là thách thức lớn nhất trong mấy chục năm làm kinh doanh của mình. Khi đối diện với nó, tôi lo nhiều thứ, mà hơn hết là sức khỏe của người dân và nhân viên Vinamilk”.
Bà cũng từng chia sẻ, thành công của một doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số kinh doanh, mà còn ở các giá trị mang đến cho cộng đồng, đất nước cũng như đối tác, khách hàng và cả người lao động của mình. Trong giai đoạn khó khăn chung vì Covid-19, bên cạnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, Vinamilk còn đặt ra mục tiêu thứ 3 đó là chia sẻ các khó khăn với cộng đồng, cùng đất nước vượt qua đại dịch. Nhiều chương trình thiện nguyện với trị giá lên hằng trăm tỉ đồng chung tay giúp đỡ những NCT có hoàn cảnh khó khăn, đóng góp hàng chục tỉ đồng vào Quỹ Vaccine của quốc gia, hỗ trợ trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch bệnh…
Trong suốt 45 năm đồng hành cùng Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, dù đã là một NCT, đã kiến tạo nên không chỉ là một Công ty sữa vững mạnh được trong và ngoài nước công nhận, mà còn là một doanh nghiệp hướng về cộng đồng, đem đến nhiều giá trị bền vững cho con người và đất nước, đồng thời không ngừng chinh phục những đỉnh cao mới.