Nghiệp và duyên của một người cao tuổi với sách
Xã hội 21/12/2021 15:05
Trăn trở với văn hóa đọc hiện tại
Ông Lê Hoàng, 67 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Những ngày dịch Covid-19 phải giãn cách, cả thành phố vắng vẻ. Quanh khu vực đường sách - Nhà thờ Đức Bà vốn nhộn nhịp người qua lại, nay vắng tanh. Đường sách cũng tạm đóng cửa. Ấy vậy mà lúc này tôi lại làm được nhiều việc mà trước đó không làm được. Nào là nghiên cứu các kế hoạch hoạt động sắp tới, làm mới văn phòng, xây dựng thêm ki-ốt, sửa sang, sắp xếp lại nhiều hạng mục... để khi mở cửa, bạn đọc có một không gian đường sách mới đẹp đẽ hơn”, ông nói.
Khi Việt Nam mở cửa, kinh tế tư nhân phát triển, nhiều doanh nghiệp ra đời, khái niệm quản trị kinh doanh cũng bắt đầu được quan tâm. Nhiều khóa học, nhiều sách viết về quản trị ra đời. Doanh nhân cũng tham gia nhiều hơn vào các lớp đào tạo kĩ năng quản trị và ứng dụng hiệu quả.
Năm 1990, thời điểm ông Hoàng về làm Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ cũng là lúc ngành xuất bản chuyển từ cơ chế bao cấp sang thị trường, nhiều thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội. Mặc dù xuất bản được xem là lĩnh vực văn hóa tinh thần nhưng sản phẩm của nó là những cuốn sách và giá trị mang lại cho người đọc là thông tin, kiến thức. Vậy làm sao để sản phẩm đó được đón nhận, “sống” được và tiêu thụ một cách mạnh mẽ? Từ đó nhà xuất bản và bộ máy cũng “sống” được. Đây là câu hỏi ông phải giải đáp và chuyển hóa bằng cách làm, kế hoạch cụ thể. Đó là quản trị sự nghiệp.
Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP Hồ Chí Minh. |
Xã hội càng phát triển thị trường càng cạnh tranh, người lãnh đạo muốn chèo lái con thuyền của mình vững chắc thì phải học và đọc nhiều hơn, thậm chí mỗi ngày để có thêm nhiều kĩ năng và kiến thức mới. Đây cũng là nguyên tắc mà các nhà kĩ trị muốn thành công phải thuộc.
Theo ông Hoàng, đi cùng nền kinh tế bao cấp sang thị trường, nhiều người bắt đầu có nhu cầu tìm đọc những quyển sách thật sự cần, có tính chất chuyên biệt hơn và ngày càng cá thể hóa nhu cầu đọc. Nghĩa là văn hóa đọc đã có bước chuyển đi vào chiều sâu cũng như nhu cầu khác nhau như thẩm mĩ, cái đẹp, kiến thức, nghề nghiệp và văn hóa. Chính môi trường kinh doanh thực tiễn, sự mưu sinh đã cho ông vốn sống. Việc quản trị có những khởi đầu lại chính từ những bài học thực tế và đúc kết kinh nghiệm.
Nói vậy, không có nghĩa là không cần học tiếp nữa. Quan niệm người lãnh đạo giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm đã không còn chuẩn xác trong thời đại này. Xã hội càng phát triển, thị trường càng cạnh tranh, người lãnh đạo muốn chèo lái con thuyền của mình vững chắc thì phải học và đọc nhiều hơn, thậm chí là mỗi ngày để không ngừng bổ sung kĩ năng và kiến thức mới.
Ông Hoàng chia sẻ: “Có những cuốn sách quản trị đầu đời mà ông đã đọc, “ngấm” vào máu, theo ông suốt mấy chục năm qua và dẫn đường cho ông tự tin, mạnh dạn đi xa. Đó là các cuốn: Những nguyên lí của công tác tổ chức, Kinh nghiệm quản lí, Chuyện thường ngày ở huyện, Xa Mạc Tư Khoa... Trong những quyển sách này, có nhiều nguyên tắc quản trị mà các nhà kĩ trị muốn thành công cần phải thuộc.
Đường sách - đường của nghĩa tình trong dịch bệnh
Thực tế, với những doanh nhân đọc sách và xem sách như một phương tiện để nạp kiến thức, vốn sống và tìm kiếm kỹ năng, giải pháp trong kinh doanh, trong lãnh đạo thì thường đa số là những người thành công thật sự trong quản trị và kinh doanh. Bởi họ tìm được giá trị đích thực từ sách phục vụ cho nghề nghiệp, phát triển bản thân.
Ông Lê Hoàng kể: “Năm 2014, trước khi về hưu vài tháng, tôi bắt đầu suy nghĩ mình sẽ sống thế nào khi về hưu? Và tôi đã đọc rất nhiều bài viết về đề tài sinh - kí (kí thác), tử - quy (nạp, hướng về). Đây là một câu dù chỉ bốn chữ mà bất cứ ai ở tuổi xế chiều cũng đều phải quan tâm. Theo những bài viết này, từ lúc sinh ra đến trước tuổi 60, con người sẽ kí thác cuộc đời mình vào cõi tạm của thế gian này và sau 60 tuổi sẽ là lúc quy (quay về núi, rụng về cội). Nhưng khi đọc hết những bài có chữ quy, tôi ngộ ra tử không có nghĩa là chết mà là trên con đường để đi về cõi chết và quy là quay trở về với những giá trị. Nghĩa là những ngày tuổi già trên hành trình đi về cát bụi, hãy sống bằng giá trị tốt đẹp nhất. Và khi trả lời câu hỏi mình sẽ làm gì trước khi chết là đã tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho mệnh đề tử - quy”.
Ở tuổi trước 60, bạn bè nhiều lắm nhưng giá trị thật về bạn thì chưa hẳn. Bởi khi đó, con người có thể thân mật, dành cho nhau những lời “ngon ngọt” khi gặp nhau, trên bàn nhậu nhưng khi về hưu thì sẽ chẳng còn mấy bạn bè đó nữa. Và chỉ khi hưu rồi, trở thành NCT rồi thì chân giá trị của tình bạn chí cốt, mình mới thẩm thấu và ngẫm được.
Trở về và đóng góp cho quê hương, dòng tộc, nơi nguồn cội của mình và cuối cùng là năng lượng để cống hiến cho những gì là sở trường, công việc yêu thích. Đó chính là lí do ông Hoàng đau đáu và góp phần cho sự ra đời đường sách này. Nó cũng chính là những giá trị về nghĩa tình ông muốn có trên hành trình còn lại của tuổi già. Chính vì vậy, trong những ngày phòng, chống dịch, đường sách không hoạt động, ông vẫn cùng nhân viên của Công ty hỗ trợ nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, nhất là những gia đình NCT có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn…
Là một NCT có nhiều chiêm nghiệm về nghiệp và duyên với sách, vể tình nghĩa được chắt lọc từ sách, ông cho rằng: Riêng đại dịch Covid-19, mặc dù nó gây ra cho con người nhiều khó khăn, tổn thất, nhưng nhiều điều tốt đẹp cũng được nhận ra từ đây. Đây cũng là dịp để mọi người biết sống vì nhau, quan tâm đến nhau và nhiều giá trị tích cực trong cuộc sống cũng như tình người đã được lan tỏa.