Đi dưới bầu trời hòa bình

Đời sống 27/02/2025 16:58
Vùng đất ấy từng là chiến địa, là nơi đối đầu của quân chủ lực Việt Nam và quân Mỹ những năm chiến tranh chống Mỹ. Trận đánh Ia Đrăng năm xưa được xem là cuộc đụng độ quy mô lớn đầu tiên giữa quân đội Mỹ và lực lượng chính quy của Quân giải phóng. Cả hai bên đổ dồn vào thung lũng bé nhỏ giáp biên giới này đến gần 4.000 quân trong mấy ngày, để rồi sau đó cả tướng Westmoreland lẫn tướng Moore cùng phải nói: ?Ia Đrăng là trận đánh đã làm thay đổi cuộc chiến tranh ở Việt Nam?.
Ia Đrăng (Chư Prông, Gia Lai) là một thung lũng giữa cao nguyên. Trong tiếng J?Rai, Chư Prông có nghĩa là núi lớn. Vùng chiến địa nơi thung lũng Ia Đrăng trong chiến dịch Plei Me năm xưa nay thuộc địa phận của nhiều xã, thị trấn của huyện Chư Prông và huyện Đức Cơ. Từ ngày thống nhất đất nước, vùng đất này luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Hàng ngàn thanh niên xung phong của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) đã đặt chân đến thung lũng này với hi vọng sẽ xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất Tây Nguyên. Họ cùng đồng bào địa phương chặt cây, làm rẫy, tỉa lúa, trồng bắp và sắn, khoai? dựng những căn nhà tập thể bằng tranh tre vách nứa, là những công việc đầu tiên của những người đi mở đất kinh tế mới.
![]() |
Thung lũng Ia Drăng đã xanh lại màu xanh hi vọng, mang sức sống của kỉ nguyên mới. |
Đầu năm 1977, Nông trường Cao su Chư Prông được thành lập. Những nông dân kinh tế mới chỉ quen với cây lúa và hoa màu nơi Đồng bằng Bắc Bộ nay phải quay quắt với việc trồng cây cao su trên đồi cao, đất dốc, cộng với vắt muỗi, sốt rét và bom mìn của chiến tranh để lại. Những người ở lại vừa trồng lúa để có cái ăn, trồng đậu phộng để tăng thu nhập, thể hiện quyết tâm bám trụ để phát triển bằng được vùng kinh tế cao su trù phú và phồn thịnh như ngày nay, góp phần giữ vững sự ổn định an ninh, quốc phòng trên địa bàn vùng biên cương của Tổ quốc. Những tên làng của xã Ia Drăng như Nhân Nghĩa, Nhân Hòa, Nhân Đức, Ân Hòa, Bình Thanh, Diên Phúc, Đức Hậu... đều được bê nguyên xi từ miền Bắc vào đây. Và đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, chỉ cần siêng năng và tiết kiệm là khấm khá. Các công ty, nông trường đã tạo công ăn việc làm cho người dân tại chỗ, mặt khác tạo nên một diện mạo mới cho những vùng lửa bom một thời.
![]() |
Những người dân mở đường làm kinh tế năm xưa đã phát triển cây cao su trên vùng đất lửa. |
Rồi xã Ia Drăng được thành lập từ năm 2002, đến nay đã có 2.300 hộ dân với hơn 10 nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 18%. Toàn xã có 13 thôn đan xen giữa người miền xuôi và đồng bào Gia Rai. Thung lũng Ia Đrăng hôm nay cao su đã bạt ngàn xanh. Nơi chiến trường ác liệt ngày trước bây giờ đã chảy những dòng nhựa trắng, đời sống của đồng bào được cải thiện. Những cung đường bê tông, đường nhựa được trải dài thẳng tắp từ đầu làng đến cuối xóm. Đường giao thông liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông dài hơn 32 km như một dải lụa vắt ngang những nương, rẫy, suối, rừng, nối Quốc lộ 25, Quốc lộ 14, qua nhiều xã, thị trấn tới các xã khó khăn của huyện biên giới Chư Prông. Đường mới đã bon bon xe, hàng, nông sản lưu thông cải thiện đáng kể kinh tế địa phương.
![]() |
Ia Drăng được như hôm nay, phần lớn nhờ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước |
Trên mảnh đất đầy máu và nước mắt ngày trước, người dân đã vươn dậy bằng chính bàn tay cần cù của mình với hàng trăm héc ta lúa nước, cả trăm héc ta cà phê, hồ tiêu, hàng ngàn hec ta cao su. Nhiều gia đình đã trở nên khá giả. Nơi đây đã trở thành một vùng quê giàu có. Hàng ngàn ngôi nhà mới được xây cất theo kiểu hiện đại. Cơ sở hạ tầng với điện, đường, trường, trạm và các dịch vụ thương mại, thông tin được phủ khắp.
Tại Công ty cao su Chư Prông thuộc Tập đoàn cao su Việt Nam, hiện có 3.154 người, trong đó công nhân là người đồng bào DTTS tại chỗ là 1.610 người, chiếm 51%. Riêng ở Nông trường cao su Hòa Bình, có đến gần 92% công nhân là người JRai, hay ở Nông trường cao su Suối Mơ, tỉ lệ này là 77%. Lương bình quân của công nhân người DTTS đạt gần 6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều thợ giỏi cạo mủ và rất nhiều hộ đồng bào có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, cuộc sống khá giả.
![]() |
Diện mạo làng Klũ (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) ngày càng khởi sắc |
Nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực hiện với hàng trăm tỉ đồng làm đường cấp phối, đường nhựa, đường điện hạ thế, đầu tư xây dựng Trung tâm Y tế quy mô 35 giường bệnh; hệ thống trường học, nhà trẻ mẫu giáo từ thị trấn đến các buôn làng. Dấu tích chiến tranh giờ đã bị thời gian xóa nhòa, thay vào đó là một màu xanh tươi tốt của cây trái trong vườn.
Nhiều đồng bào JRai đã trở thành tỉ phú nhờ chịu khó làm việc, vươn lên làm giàu như vợ chồng trẻ Rơmah Bli và Siu Keng ở làng Klă với 3ha cao su nhận khoán, cấy 3ha lúa nước, thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Những gia đình chị Rơ Chăm Buk, KBăh Bem, Rơ Mah Lớ hay Giám đốc Nông trường Suối Mơ là anh Kpă Thết hoặc như Đội trưởng Đội 13 là anh Kpă Hyơh đều mừng vui vì cuộc sống đồng bào nay đã đổi thay. Nhiều hộ đồng bào Jrai giàu lên như gia đình ông Rơ Mah Thuận, Ksor Hinh, HB Lâm mỗi năm thu về từ 200 đến 300 triệu đồng từ cà phê, hồ tiêu và cao su.
Nhiều người dân nơi đây vẫn đùa vui rằng, ở đây có bao nhiêu tiền là giàu thì không biết, nhưng cà phê, cao su và hồ tiêu cho thu nhập trung bình mỗi gia đình 500 - 700 triệu đồng/năm là bình thường. Có tiền, bà con đầu tư cho con cháu đi học và cho sản xuất những mùa vụ tiếp theo. Trên những con đường đã cứng hóa là tấp nập cảnh buôn bán, nhiều căn nhà trị giá bạc tỉ, các trạm xăng, cửa hàng điện thoại, dịch vụ hàng ăn uống, shop thời trang mọc lên san sát.
Ông Phạm Văn Xứng, Chủ tịch UBND xã Ia Drang nói về sự đổi mới của quê hương với niềm vui, rằng Ia Drăng được như hôm nay, một phần nhờ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Cũng do người dân chịu khó làm ăn, đất đai phì nhiêu, thời tiết thuận lợi cho cây công nghiệp dài ngày nhất là cà phê, hồ tiêu, cao su... Nông sản được mùa, được giá nên đời sống người dân thay đổi.
Trong hành trình xây dựng nông thôn mới, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Ia Drăng đã vận động Nhân dân đóng góp gần 1,5 tỉ đồng bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn, trường học, hệ thống điện, tu sửa nhà dân và vệ sinh môi trường, đồng thời tạo vốn cho các hộ nghèo làm ăn. Trong đó, hai làng La và Klũ, nơi có 100% dân số là người DTTS đã rất tích cực tham gia phong trào.
Hơn nửa thế kỉ đã qua, từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, thung lũng Ia Drăng đã xanh lại màu xanh hi vọng, mang sức sống mạnh mẽ của kỉ nguyên mới. Trên mỗi gương mặt, dù người Kinh hay người Jrai, Bahnar, Mường, Thái đều ánh lên niềm vui no đủ, tự do, tự hào và hạnh phúc.