Lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính đã đúng quy định?
Pháp luật - Bạn đọc 22/07/2022 10:00
Theo ông Nguyễn Phương Xa, UBND thị trấn Ninh Giang đến nhà ông ngăn chặn việc dùng bao cát kè chống sạt lở đất bờ ao Bắc Sơn vào ngày 9/11/2021 có nhiều bất cập.
Cụ thể, khu đất phía sau nhà ông Xa dôi dư ra phía ao Bắc Sơn rộng khoảng 15m2 đã có từ trước năm 2014. Đến nay, do nước ao Bắc Sơn lúc lên cao, lúc xuống thấp dẫn đến đất sạt lở xuống ao, nên gia đình ông Xa có sử dụng bao đựng cát để kè chống sạt lở, giữ phần đất dôi dư không sụt lún. Ngày 8 và 9/11/2021, khi gia đình kè chống sạt lở, UBND thị trấn Ninh Giang đã đến lập biên bản vi phạm hành chính và quy cho gia đình ông lấn chiếm 15m2 đất công.
Biên bản ngày 9/11/2021 có ghi nội dung vi phạm là: “Tự ý đổ đất, xếp bao chứa hỗn hợp bê tông kè xuống ao sau đó gia cố bằng cọc tre và xây móng lấn về phía sau thửa đất số 80, tờ bản đồ số 19 diện tích 15m2 là đất ao công do UBND thị trấn Ninh Giang quản lí”.
Hiện trạng nguyên vẹn phần đất dôi dư của gia đình ông Xa vẫn còn nhiều gạch bị UBND thị trấn Ninh Giang đập phá. |
Ông Xa cho rằng, nếu có vi phạm tại đây thì chỉ vi phạm về phần kè chống sạt lở, việc kè này nhằm giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất. Thực tế khu đất 15m2 này đã có từ trước, nên không thể quy chụp rằng gia đình ông Xa đang chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng.
Theo lí giải của UBND thị trấn Ninh Giang tại các văn bản trả lời khiếu nại của ông Xa thì diện tích 15m2 gia đình ông Xa xây dựng, quây cạp ao không nằm trong sổ đỏ, nên đó là diện tích vi phạm.
Ông Xa cho rằng: “Với cách xác định đối chiếu diện tích trên sổ đỏ, UBND thị trấn Ninh Giang không xác định nguồn gốc, thực tế, chủ thể vi phạm mà quy kết luôn cho gia đình tôi là vi phạm Khoản 1, Điều 3, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đó là dịch chuyển mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng. Đây là điều phi lí, nếu có xử lí thì chỉ xử lí tôi về việc kè, còn 15m2 đất dôi dư đã có từ trước khi tôi mua nhà, và không phải tôi là người đã lấn số diện tích này”.
Ông Xa cũng phản ánh: “Chiều ngày 9/11/2021, UBND thị trấn Ninh Giang huy động người đến đập phá, tự ý thu giữ tài sản thuộc sở hữu của gia đình tôi. Tại thời điểm thực hiện, không có bất kì biên bản hay quyết định gì. Đến ngày 12/11/2021, UBND thị trấn Ninh Giang mới hợp thức hóa biên bản và đến tận ngày 23/11/2021, mới xác minh lại số lượng tang vật, phương tiện vi phạm. Xe đất của nhà tôi mua về để trồng cây trong vườn, và xe đang đỗ ngoài đường nhưng lại bị gán cho là tang vật vi phạm và bị thu giữ. Trong khi thời điểm đó, tôi đã dừng việc xây dựng kè rồi. Vậy căn cứ vào đâu để xác định đấy là tang vật vi phạm? Khi thu giữ UBND thị trấn tại sao không nói rõ lí do, không có quyết định tịch thu hay tạm giữ, không lập biên bản xác định số lượng chủng loại khi thu giữ? Điều này đúng hay sai, nếu đúng thì dựa trên quy tắc nào, văn bản nào, quy định nào cho phép làm điều đó?”.
Quyết định giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Phương Xa |
Theo giải thích của UBND thị trấn Ninh Giang: Ngày 9/11/2021, khi kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính, ông Xa vẫn tiếp tục cho nhân công xây dựng công trình, vì vậy UBND thị trấn tiến hành giải tỏa công trình vi phạm mục đích để ngăn chặn. Việc giải tỏa công trình là việc làm cần thiết để ngăn chặn hành vi vi phạm.
Lí giải của UBND thị trấn Ninh Giang, việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 125 Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2012. Việc tạm giữ được thực hiện công khai. Còn việc “giải tỏa” để ngăn chặn hành vi vi phạm căn cứ điều khoản nào? UBND thị trấn Ninh Giang chưa trả lời.
Đối chiếu quy định, nội dung giải thích trên của UBND thị trấn Ninh Giang là chưa bảo đảm đúng Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2012, Điều 125 và 126 quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết như: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt; Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải lập thành biên bản, phải có quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm 1 bản.
Có thể thấy, quá trình thực hiện tạm giữ tang vật của UBND thị trấn Ninh Giang không trùng với bất kì điều, khoản nào quy định tại Điều 125. Bởi tính chất mức độ sự việc không thuộc trường hợp thật cần thiết mà Điều luật này quy định.
“Còn về việc “giải tỏa” công trình của UBND thị trấn Ninh Giang, là cách nói khéo để bao che cho cách làm không đúng quy định. Nói “giải tỏa”, nhưng trên thực tế hành động của UBND thị trấn Ninh Giang không khác gì cưỡng chế. Nội hàm từ “giải tỏa” theo từ điển Tiếng việt có nghĩa: 1. Phá tan sự kìm hãm, sự phong toả; 2. Làm cho phân tán, thoát khỏi tình trạng bế tắc. Chính vì vậy, không thể sử dụng từ “giải tỏa” để ngăn chặn hành vi vi phạm trong trường hợp này”, ông Xa gay gắt.
Từ những phản ánh trên, nên chăng UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Ninh Giang và các cơ quan chức năng hữu quan nhanh chóng vào cuộc làm rõ, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, giải quyết thấu tình đạt lí, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người dân địa phương.