Kiến nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ điều tra !
Pháp luật - Bạn đọc 06/05/2021 08:56
Bài 3: Nhân chứng, vật chứng trong hồ sơ còn quá nhiều bất cập!
Chiếc áo caro trắng, xanh đã được đề cập trong bài trước là của Đỗ Ngọc Tú. Theo bà Nguyễn Thị Thạt, khi Điều tra viên Nguyễn Quang Tuấn Sơn bàn giao các di vật của Tú cho bà thì có: Một chiếc quần kaki; một cái áo caro màu trắng, xanh đầy vết máu đã khô; hơn 600.000 đồng tiền mặt; một điện thoại; một đôi dày đen của sĩ quan quân đội. Khi giao xong, anh Sơn nói: “Xin cô được giữ lại chiếc áo để làm vật chứng vụ án”. Như vậy, chiếc áo caro màu trắng, xanh là của Tú. Từ đó một lần nữa khẳng định: Lời khai của Trương Hoàng Nam được ghi trong bản án sơ thẩm “Ngày 10/6/2018, bị cáo mặc áo caro trắng, xanh, quần đùi đỏ đến quán nhậu 49 Khúc Thừa Dụ…” là không đúng sự thật. Lời khai của nhân chứng Ngô Quang Trung: “Anh mặc áo xanh đậm dùng ghế trên tay đánh anh mặc áo caro, sau đó ghế rơi xuống đất thì người mặc áo xanh da trời tiếp tục nhặt lên đánh vào người mặc áo caro…” có thể là do cảm nhận. Mặt khác, căn cứ vào lời khai này thì chứng tỏ Tú còn bị đánh bằng ghế và người thứ nhất đánh Tú là Nam, nhưng người thứ 2 lẽ nào lại là Hùng? Tình tiết này cũng phải được làm rõ để tìm cho ra câu trả lời: Có phải Tú còn bị đánh bằng ghế? Và ai là người đánh Tú?. Muốn có câu trả lời đúng, khách quan thì phải điều tra lại vụ án. Phải thực nghiệm hành vi của bị cáo chứ không thể qua loa đại khái, suy đoán, suy luận rồi tuyên xử theo ý chí chủ quan. Sơ thẩm đã vậy, phúc thẩm còn qua loa đại khái hơn. Chúng tôi có cảm giác Tòa phúc thẩm với 3 thẩm phán, nhưng họ đọc hồ sơ qua loa, xong chuyện. Vì chỉ cần để tâm một chút là phát hiện ra mâu thuẫn, bất cập. Mà đã mâu thuẫn, bất cập trong một vụ án mạng nghiêm trọng thì không cách nào khác là phải điều tra lại để kết luận nghiêm túc.
Bà Nguyễn Thị Thạt, với di ảnh con trai. |
Về nguyên nhân dẫn đến vụ “Gây rối trật tự công cộng” ở quán 59 và đường Khúc Thừa Dụ, có thể thấy: Đó là do Nam, chứ không thể chỉ do Tú và Hùng. Nam là thủ phạm chính của vụ án, vì Nam khởi xướng gây sự với Tú. Theo Nam thì nguyên nhân là do Tú không chào Nam chứ không phải Tú hỗn láo với Nam. Cơ quan điều tra cần làm rõ: Ngoài câu nói của Nam với Tú: “Mày đừng bao giờ gọi tao bằng anh nữa”, còn có lời nói hay hành vi nào khác của Nam để dẫn đến “Tú dùng li bia đập vào mặt Nam”. Mặt khác cũng cần mô tả rõ việc Tú dùng một li bia đập vào mặt Nam nhưng đập như thế nào? Có trúng mặt không? Có gây thương tích không? Sau khi Nam bị Tú đập có phản ứng gì không? Thời điểm đó có rất nhiều người chứng kiến. Phải lấy lời khai của họ. Phải cặn kẽ, cụ thể như thế, nhất là đối với một vụ án “Giết người”… Tòa sơ và phúc thẩm muốn tìm ra sự thật cần giải quyết được tất cả những mâu thuẫn nêu trên. Phải làm rõ để kết luận đúng nội dung vụ án và định khung đúng hình phạt. Nếu Hội đồng xét xử hai cấp tòa bảo vệ được lập luận của mình một cách thuyết phục thì bản án của Tòa mới tâm phục khẩu phục. Trường hợp ngược lại, thì hành vi của Nam phải được xem là hết sức côn đồ, cần được áp dụng tất cả các tình tiết tăng nặng đúng tội danh chứ không phải cách thay đổi tội danh và cho một khung hình phạt từ “trên trời” rơi xuống.
Vụ án mặc dù đã qua hai cấp tòa xét xử, án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, nhưng oan hồn người đã khuất thì vẫn chưa được giải tỏa và hành vi tàn bạo của kẻ sát nhân vẫn còn hiển hiện trong ánh mắt và tâm trí người dân trên đường Khúc Thừa Dụ, phường Phước Long.
Từ những điều bất cập trên, chúng tôi kiến nghị: TAND Tối cao sớm chấp nhận đề nghị Giám đốc thẩm của bà Nguyễn Thị Thạt, mẹ của bị hại, đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm, hủy hai bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa và phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa tiến hành điều tra vụ án lại từ đầu theo hướng giải tỏa tất cả những bất cập, khúc mắc mà vụ án đang mắc phải. Làm gì cũng vậy, quá trình thực thi pháp luật, nhất là điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến mạng sống con người, người thi hành công vụ trước hết phải tôn trọng sự thật; tiếp đến là thực thi đúng pháp luật và cuối cùng là hợp với đạo lí. Không thể có tình trạng phân tích, đánh giá, nhận định, kết luận, buộc tội, gỡ tội theo lối cảm hứng, tùy thích, như vụ án Đỗ Ngọc Tú, trên đường Khúc Thừa Dụ, phường Phước Long, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mà chúng tôi đã phản ánh trong loạt bài này.