Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Người dân tố cáo cán bộ xã “bất chấp” quy định của TAND tỉnh!?
Pháp luật - Bạn đọc 05/11/2020 09:10
Tòa thụ lí, huyện chấp hành
Vụ kiện hành chính được TAND tỉnh Kiên Giang thụ lí ngày 25/8/2020. Theo đó, nguyên đơn là bà Trần Thị Thu, ở ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; bị đơn là Ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Phú Quốc; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty TNHH cổ phần Hưng Phát cùng Công ty Căn Nhà Mơ Ước.
Theo đơn kiện, khu đất tại ấp Suối Lớn, xã Dương Tơ rộng 61.734,5m2, do cha mẹ bà Thu khai khẩn năm 1995 và bà mua lại của người dân, trồng nhiều cây cối và đào ao nuôi cá, hiện khu đất trên có 14 hộ trong gia đình bà sinh sống. Trên đất cất 9 căn nhà. Khu đất có trụ rào bao quanh, đã đăng kí sử dụng với chính quyền theo quy định và nhiều người dân địa phương làm chứng là không tranh chấp với ai.
Đột ngột, cuối năm 2019, toàn bộ đất của gia đình bà Thu bị quy hoạch vào Dự án khu dân cư thương mại của Công ty TNHH cổ phần Hưng Phát và Công ty Căn Nhà Mơ Ước. Gia đình bà chưa nhận được quyết định thu hồi đất của chính quyền nên không được bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật. Hơn thế, ngày 19/8/2020, UBND huyện Phú Quốc ra Quyết định số 4463/QĐ-CCXP cưỡng chế đất của gia đình bà Thu.
Các thành viên trong gia đình bà Thu tại hiện trường vụ việc. |
Trước tình hình đó, bà Thu khởi kiện, yêu cầu tỉnh công nhận 61.734,5m2 đất của gia đình bà; buộc Ban Bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện Phú Quốc lập phương án bồi thường, bồi thường và hỗ trợ đất đai, vật kiến trúc và toàn bộ thành quả lao động trên đất; buộc Công ty TNHH cổ phần Hưng Phát phải tạm ngừng thi công giữ nguyên hiện trạng để chờ có quyết định cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.
Sau khi thụ lí vụ kiện, ngày 28/8/2020, TAND tỉnh làm việc với Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc về Quyết định số 4463/QĐ-CCXP cưỡng chế đất gia đình bà Thu. Buổi làm việc, phía TAND tỉnh Kiên Giang là Thẩm phán Võ Thanh Huyến và đại diện cho Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc là Phó Chủ tịch Trần Chiến Thắng. Biên bản làm việc ghi lời ông Thắng: “Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện trong quá trình Tòa án giải quyết, tôi thống nhất không thực hiện cưỡng chế đối với Quyết định số 4463/QĐ-CCXP nêu trên và chờ cho đến khi có kết quả giải quyết của TAND tỉnh Kiên Giang”.
Tố cáo cán bộ xã bất chấp quy định TAND tỉnh
Ngày 2/11/2020, bà Thu cùng 2 người khác có đơn tố cáo cán bộ xã Dương Tơ kéo nhiều người đến khu đất của gia đình bà, hành hung và bắt người, bất chấp vụ kiện đang được TAND tỉnh giải quyết. Các đơn được gửi đến Thanh tra Chính phủ, Ban Nội chính Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc, Công an huyện Phú Quốc, Viện KSND huyện Phú Quốc, UBND xã Dương Tơ, Công an xã Dương Tơ.
Đơn của bà Thu cho biết: “Khoảng 9 giờ ngày 30/10/2020, một đoàn gồm ông Huỳnh Diễm Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Tơ và một số cán bộ công an huyện Phú Quốc, như anh Trần Quốc Tam, anh Giang và một vài người nữa mặc thường phục cùng với người của Công ty Hưng Phát và lực lượng thanh niên xã hội (khoảng 50 người) đi đến đất của tôi để làm hàng rào. Tôi ra hỏi các anh làm có lệnh không thì không ai trả lời. Một số người nhà của tôi ra ngăn cản không cho họ làm thay đổi hiện trạng trên đất. Khi chị Trần Thị Hồng thấy 4 đến 5 người mặc thường phục đè cướp điện thoại của chị Đỗ Hồng Phượng chạy đến can ngăn. Anh Tam ra lệnh bắt chị Hồng, đồng thời rút súng ra bắn uy hiếp. Anh Tam cùng với ông Huỳnh Diễm Phước tiếp tục ra lệnh cho người bắt chị Trần Thị Hồng. Dương Huyền Diệu, Đoàn Danh la lên không cho bắt mẹ vì bị bệnh tim, nhưng lực lượng vẫn tiến hành bắt chị Hồng và còng tay Dương Huyền Diệu”.
Đơn của bà Trần Thị Hồng viết: “Việc cán bộ công an bắn chỉ thiên uy hiếp, đè bắt tôi, khi tôi đã trên 60 tuổi già yếu mà lại có bệnh tim, sự việc đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, uy tín, danh dự, tinh thần của tôi. Sự việc này có anh Hiếu, Phó Công an xã Dương Tơ và hàng trăm người dân chứng kiến. Trong khi những người thi hành công vụ như anh Tam, anh Giang và một vài người khác của lực lượng Công an huyện không mặc trang phục của ngành theo quy định và không trình được lệnh của cấp trên, thử hỏi những cán bộ này không xuất trình quyết định và không mặc trang phục theo quy định thì có phải là thực hiện công vụ hay không, hay với mục đích gì? Phải chăng lợi ích riêng với Công ty Hưng Phát?”.
Trong số những người bị đánh, còng tay bắt đi có nhân viên của Công ty Bảo vệ Hiệp Sĩ Đường Phố, nên Giám đốc Công ty Nguyễn Hoàng Lợi cũng có đơn, cho rằng: “Hành vi tự ý không có lệnh, một số cán bộ công an không mặc đồ ngành, cùng lực lượng “xã hội đen” và Công ty Hưng Phát, cán bộ công an dùng súng bắn uy hiếp Nhân dân, bắt người, đánh Dương Huyền Diệu và Đoàn Danh, người của Công ty chúng tôi là sai quy định của pháp luật và không đủ tư cách, đạo đức phục vụ Nhân dân, làm mất hình tượng của người cán bộ Công an Nhân dân”.
Cả ba người làm đơn tố cáo đều đề nghị: “Lãnh đạo các cấp xác minh, xem xét, xử lí kỉ luật thật nghiêm đối với anh Huỳnh Diễm Phước, anh Trần Quốc Tam, anh Giang và một số người khác đã làm sai quy định, trả lại sự công bằng cho chúng tôi”.
Cơ quan chức năng địa phương cho biết, đã nhận được đơn và đang xem xét giải quyết.