Huyện Đắk’Lấp, tỉnh Đắk Nông: Đất đang tranh chấp vẫn ngang nhiên xây dựng công trình
Pháp luật - Bạn đọc 07/03/2020 11:07
Thực hiện quy trình thu hồi đất có trái luật?
Ông Lê Đình Tráng cho biết, ông từng tham gia kháng chiến chỗng Mỹ cứu nước, là thương binh hạng 4/4, được hưởng chế độ ưu đãi và các chính sách thương bệnh binh của Nhà nước. Do điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn không có đất để sinh sống và canh tác, đầu năm 1995, gia đình ông có đơn xin UBND xã Quảng Tín (nay là xã Đắk Ru) cấp đất. Sau đó, gia đình ông đã ra khai hoang và sử dụng mảnh đất có diện tích 3.600m2 (chiều rộng 45m, chiều dài 80m). Vị trí mảnh đất: phía Bắc giáp Quốc lộ 14; phía Nam giáp nhà ông Lê Đình Sỹ; phía Tây giáp rẫy nhà ông Sỹ; phía Đông giáp nông trường 1. Ngày 15/5/1998, gia đình ông được UBND xã Quảng Tín xác nhận, cho gia đình được sử dụng và quản lí.
Ông Lê Đình Tráng và Lê Đình Sỹ đang trao đổi với phóng viên |
Ông Lê Đình Sỹ cho biết: Năm 1990, gia đình ông có ra khai hoang được mảnh đất có diện tích 5.200m2 (chiều dài 80m, chiều rộng 65m). Vị trí mảnh: Phía Bắc giáp Quốc lộ 14; phía Nam giáp nhà ông Nguyễn Văn Công và Phạm Văn Long; phía Đông giáp nhà ông Lê Đình Tráng; phía Tâp giáp nhà ông Nguyễn Văn Công. Đến ngày 15/5/1998, gia đình ông Sỹ cũng được UBND xã Quảng Tín xác nhận, cho gia đình được sử dụng và quản lí.
Vị trí mảnh đất của hai gia đình bị thu hồi trái quy định của pháp luật tại thôn Châu Thành, xã Đắk Ru |
Sau khi khai hoang, được UBND xã Quảng Tín xác nhận, cho sử dụng và quản lí, cả hai gia đình ở ổn định, bắt đầu trồng các loại cây công nghiệp như: Cà phê, điều... Khi đang chuẩn bị cho thu hoạch thì đến năm 2008, UBND xã Đắk Ru có đề nghị cho 2 gia đình cho đổ đất nhờ để làm Dự án xây dựng chợ dân sinh và được 2 gia đình các ông đồng ý (Biên bản của UBND xã Đắk Ru đề nghị đổ đất). Tuy nhiên năm 2009, gia đình 2 ông phát hiện sự việc, ông Đỗ Phước Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh có cho công nhân, máy móc “phá” tài sản trên mảnh đất để thực hiện dự án, mà trước đó không có bất kỳ thông báo hay quyết định thu hồi đất nào của cơ quan chức năng và cả 2 gia đình đều không được bồi thường đất và tài sản trên đất. Điều kì lạ nữa là, gia đình các ông Nguyễn Văn Long và Lê Minh Ngọc giáp ranh, có nguồn gốc đất giống nhau, khi chính quyền cưỡng chế tài sản trên đất, thì được bồi thường và không bị thu hồi đất(!?).
Đơn xin cấp đất của gia đình ông Lê Đình Tráng được UBND xã Quảng Tín (cũ) đồng ý và Biên bản xin đổ đất của UBND xã Đắk Ru |
Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, tại Công văn số 16/UBND-NC ngày 15/01/2010 về việc xử lí đơn ông Lê Đình Tráng của UBND huyện ĐắkR’lấp có nêu: Thực hiện chủ trương xây dựng chợ xã Đắk Ru, ngày 22/4/2008, đại diện Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đắk Ru tiến hành làm việc với ông Đỗ Phước Lợi, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh, đã tiến hành thỏa thuận và đi đến thống nhất, đổi đất lấy công trình mặt bằng xây dựng chợ theo chủ trương đã được cấp trên đồng ý. Cùng ngày, UBND xã Đắk Ru có Tờ trình số 76/TTr-UBND gửi UBND huyện Đắk R’lấp và các phòng ban có liên quan, đề nghị cho phép xã thực hiện dự án đền bù, giải phóng mặt bằng chợ Đắk Ru với kinh phí 600 triệu đồng, bằng cách cho phép Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh đầu tư kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Đổi lại UBND xã có trách nhiệm hoán đổi cho Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh một lô đất có diện tích 4.355m2, tại khu vực thôn 6, xã Đắk Ru. Ngày 30/9/2008, UBND huyện ĐắkR’lấp có Công văn số 87/UBND-NL về việc thống nhất chủ trương, tìm nguồn kinh phí để chi trả tiền bồi thường thiệt hại khi thực hiện xây dựng công trình chợ Đắk Ru. Thống nhất cho xã Đắk Ru quy hoạch một khu đất nông nghiệp theo nội dung Tờ trình số 76, để đổ đất lấy từ mặt bằng chợ Đắk Ru và giao cho ông Đỗ Phước Lợi quản lý, sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Ngày 15/01/2009, UBND huyện ĐắkR’lấp đã ban hành Quyết định số 260/QĐ-UBND về việc giao 3.350m2 đất cho ông Đỗ Phước Lợi, vị trí tại thôn 6, xã Đắk Ru. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định, ông Lợi được UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Dự án xây dựng chợ dân sinh, nhưng đến nay chợ không hoạt động, Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh lại xây dựng trạm dừng nghỉ, quán ăn, nuôi yến...các dịch vụ thương mại |
Thế nhưng, hiện nay, chợ dân sinh Đắk Ru lại biến thành nhà nuôi yếu và ông Lợi xây dựng các công trình thương mại phục vụ cho việc kinh doanh của Doanh nghiệp tư nhân Phú Thịnh.
Đất đang tranh chấp, vẫn xây dựng công trình kiên cố
Nhận thấy việc chính quyền huyện ĐắkR’lấp thu hồi đất có dấu hiệu trái luật và việc thực hiện Dự án xây dựng chợ Đắk Ru còn nhiều “khuất tất”, gia đình 2 ông đã có đơn gửi các cơ quan chứ năng của tỉnh Đắk Nông, đề nghị giải quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Mặc dù gia đình ông Sỹ và gia đình ông Tráng có đơn gửi chinh quyền địa phương, đề nghị chính quyền địa phương có các biện pháp xử lí và yêu cầu ông Lợi không được xây dựng trên phần đất của gia đình mình (đất đang tranh chấp), nhưng ông Lợi vẫn xây dựng công trình kiên cố. |
Gần đây, Báo điện tử Ngày mới (Báo Người cao tuổi) nhận được đơn tố cáo của gia đình ông Tráng và ông Sỹ, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND huyện ĐắkR’lấp và UBND xã Đắk Ru. Tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện ĐắkR’lấp cho biết, UBND huyện ĐắkRlấp đã thành lập đoàn xác minh tiến hành làm việc lại với các hộ dân và UBND xã Đắk Ru để giải quyết vấn đề sớm nhất... Đối với việc ông Đỗ Phước Lợi vẫn cố tình xây dựng trên đất đang tranh chấp, huyện sẽ chỉ đạo UBND xã Đắk Ru xuống lập Biên bản, yêu cầu chấp dứt tình trạng xây dựng. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, đến nay ông Lợi vẫn “bất chấp” các quy định pháp luật xây dựng công trình mà chính quyền xã Đắk Ru không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả(!?).
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, Báo điện tử Ngày mới đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo UBND huyện ĐắkR lấp giải quyết dứt điểm vụ việc.
Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!