Hai lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Văn hóa - Thể thao 21/02/2020 13:05
Năm 1998, tôi được phân công biên soạn cuốn “Lịch sử Trung đoàn Phòng không 280 anh hùng”. Sau 8 tháng sưu tầm tư liệu và viết, tôi hoàn thành bản thảo hơn 400 trang khổ A4, được Hội nghị nghiệm thu đánh giá tốt và đề nghị Quân chủng cho phép in, phát hành đúng dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập Trung đoàn.
Các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn qua các thời kì giao cho tôi nhiệm vụ lên xin Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời giới thiệu cuốn sử. Khi tôi lên Văn phòng của Đại tướng, vừa trình bày lí do, Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư kí của Đại tướng gạt đi: “Việc này không được đâu, trung đoàn là cấp chiến thuật, toàn quân có biết bao trung đoàn, đơn vị nào viết sử cũng đến xin Đại tướng viết lời giới thiệu thì sẽ làm sao đây?”. Tôi phân trần: “Đây là đơn vị đầu tiên cấp trung đoàn của Quân chủng được Bác Hồ kí lệnh phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) từ ngày 18/6/1969”. Vừa nói, tôi vừa thăm dò nét mặt của đồng chí Huyên rồi nói liền một mạch như sợ bị ngừng lại: “Trung đoàn bắn rơi nhiều máy bay nhất của Quân chủng (307 chiếc) và bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu ngày 5/8/1964 tại TP Vinh. Trung đoàn có một Tiểu đoàn và 2 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Năm 1969, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi “phải có nhiều đơn vị đánh giỏi như Trung đoàn 280”. Đây cũng là nguyện vọng của nhiều thế hệ lãnh đạo chỉ huy Trung đoàn các thời kì…”.
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với đồng chí Đinh Khôi Sỹ chủ biên cuốn lịch sử Trung đoàn 280 |
Vừa nói tôi vừa lấy tài liệu minh chứng. Đồng chí Huyên nói: “Thôi được. Đồng chí đề nghị Đại tướng viết gì thì về soạn thảo và mang lên đây. Tôi sẽ biên tập rồi báo cáo, nhưng có 3 khả năng: Một là, chỉ có chữ kí của Đại tướng; hai là, Đại tướng chỉ viết một đoạn; ba là, Đại tướng sẽ viết cả. Khả năng này là rất khó vì Đại tướng đã có tuổi”. Tôi nói ngay: “Báo cáo anh, tôi xin khả năng thứ hai”. Sau đó, nhanh chóng trở về hoàn thành nội dung bài viết theo lời dặn. Khi nhận tài liệu, đồng chí Huyên thông báo luôn thời gian làm việc với lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn vào sáng 3/4/1999.
Đúng hẹn, chúng tôi lên Văn phòng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu trước 10 phút. 8 giờ 00, Đại tướng vào phòng khách tươi cười bắt tay anh em trong đoàn. Tôi giới thiệu họ tên, chức vụ từng người với Đại tướng. Khi đồng chí Huyên mang cặp ra, Đại tướng lấy tài liệu trao cho tôi rồi nói: “Đây là bản thảo theo yêu cầu của các đồng chí”, rồi hỏi về tình hình đơn vị. Trung đoàn trưởng Lê Mạnh Luân báo cáo tóm tắt về nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thành tích của đơn vị năm qua.
Đại tướng chăm chú lắng nghe và khích lệ: “Tôi gửi lời thăm hỏi toàn thể cán bộ chiến sĩ trong Trung đoàn”. Tôi tiếp lời: “Báo cáo Đại tướng, năm ngoái Quân chủng đã xuất bản cuốn Lịch sử Trung đoàn Phòng không 228. Tôi sưu tầm được ảnh và lưu bút của Đại tướng khi đến thăm Trung đoàn tại Hàm Rồng vào Tết Nguyên đán năm 1972. Nay xin được kính biếu Đại tướng”. Đại tướng cầm cuốn sách, giọng trầm xuống: “Gần ba mươi năm rồi còn gì”.
Trước khi chúng tôi ra về, Đại tướng hỏi: “Đồng chí chủ biên cuốn sách có muốn chụp ảnh lưu niệm không?”. Tôi sung sướng: “Dạ thưa có ạ”. Sau khi Đại tướng chụp ảnh với tôi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 280 đề nghị: “Cho phép tôi được chụp ảnh với Đại tướng ạ!”. Đại tướng vui vẻ nhận lời.
Về đơn vị, xuống xưởng in làm chế bản, tôi thấy đoạn bản thảo “Lời giới thiệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” được Đại tướng sửa lại: “Lời của Đại tướng…”. Suy ngẫm tôi thấy đúng thật. Đây là lời đánh giá đối với Trung đoàn 280 sau 40 năm xây dựng và nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phát huy truyền thống trong thời kì mới. Sau đó Đại tướng mới biểu dương việc biên soạn cuốn Lịch sử của Trung đoàn.
Bức ảnh chụp chung với Đại tướng, đối với tôi là một phần thưởng vô giá. Tôi phóng to, làm khung thật đẹp và treo ở vị trí trang trọng trong phòng khách. Đó là một kỉ niệm không thể nào quên của tôi trong những năm tháng làm nhiệm vụ viết sử.