Gặp “nữ tướng” chỉ huy đắp tuyến đường huyết mạch
Đời sống 06/08/2024 17:18
Căn nhà của bà Sáu Bé nằm trong con hẻm nhỏ ở phường 2, TP Tân An, tỉnh Long An. Sau nhà là khu vườn xanh mướt bình dị, thân thương như một góc quê nhà. Bộ đi-văng kê bên bàn tròn gỗ nhuốm màu thời gian là nơi bà vẫn ngồi nghe tin tức, cải lương từ chiếc đài nhỏ để sát vách tường.
Khi mới về hưu, bà được động viên tham gia CLB Hưu trí tỉnh và giữ vai trò Phó Chủ nhiệm cho đến nay. Gần 20 năm qua, bà cùng Ban Chủ nhiệm CLB tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho cán bộ hưu trí tỉnh. Với bà, đó là niềm vui khi vẫn được làm việc và cống hiến sức mình. Mỗi ngày, bà đều đặn đến CLB rồi lại về nhà chăm sóc gia đình, lúc nghỉ ngơi thì ngồi bên khu vườn nhỏ nghe đài.
Tham gia cách mạng từ khi mới 14, 15 tuổi, Sáu Bé làm giao liên, giấu thư trong gấu áo, quần, trong mái tóc dài được búi gọn gàng mỗi lúc ra ngoài. Ban ngày, cô sinh hoạt bình thường như bao người dân khác. Đêm đến, cô đi đưa thư, liên lạc, vận động quần chúng Nhân dân tham gia cách mạng. Có thời điểm, nhiều tháng liền, cô không có được một giấc ngủ tròn.
Nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy - Nguyễn Thị Bé nâng niu từng kỉ vật của mình. |
Bị chỉ điểm, 2 lần rơi vào tay giặc, cô gái nhỏ vẫn kiên quyết không hé nửa lời, mặc cho bọn chúng vừa đánh đập, vừa dụ dỗ. Sau mỗi trận đòn, bọn chúng thường nhỏ nhẹ với cô: “Mày còn trẻ, xinh đẹp như vầy, ngu dại gì lại theo cách mạng?”. Lúc đó, cô gái trẻ Sáu Bé chỉ khinh khỉnh nhìn sang chỗ khác, bởi cô biết rõ kẻ theo ngoại bang giày xéo quê hương mới là ngu dại. Không đủ chứng cứ, chúng buộc phải trả tự do cho cô.
Khi không thể tiếp tục hoạt động công khai, cô cùng đồng chí, đồng đội lui vào bí mật: Ngày trú trong hầm, đêm ra ngoài hoạt động. Những tháng năm hào hùng, gian khó đó vẫn in đậm trong tâm trí người nữ cán bộ hưu trí Nguyễn Thị Bé cho đến hôm nay.
Đất nước thống nhất, bà vừa tròn 25 tuổi, được điều về công tác tại Tỉnh đoàn. Khi tỉnh có chủ trương đắp đường tỉnh 49, cán bộ, công chức nhà nước được huy động thực hiện nhiệm vụ đắp đường, trong đó, lực lượng thanh niên làm chủ lực.
Với vai trò Phó Bí thư Tỉnh đoàn, bà Sáu Bé là người trực tiếp chỉ huy công trình đắp đường tỉnh 49 lúc bấy giờ. Khăn gói lên đường cùng đồng đội, bà Sáu Bé “đóng quân” tại Đồng Tháp Mười khoảng 2 năm. Các đoàn công tác lần lượt lên rồi về sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chỉ có nữ Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Sáu Bé là ở lại theo suốt công trình.
Trong kí ức của bà, đó là những tháng ngày gian lao nhưng rộn rã niềm vui. Vùng đồng cỏ hoang vu đầy năn, lác, bàng từng bước đổi thay, thành nền hạ tuyến đường huyết mạch của tỉnh chỉ bằng sức lực đôi tay và sự đoàn kết của những thanh niên thời ấy. Bà Sáu Bé kể: “Giữa đồng hoang làm gì có nhà dân hay nước sạch. Chủ yếu vẫn là dùng nước sông lắng cho trong. Cá thì luôn sẵn dưới đồng, rau rừng cũng ở ngay xung quanh. Anh chị em làm việc xong thì nghỉ ngơi trong lán trại bên lề đường. Đồng Tháp Mười những năm đó đúng là “muỗi kêu như sáo thổi”. Chiều chạng vạng tối, ăn cơm mà không giăng mùng là muỗi bay thẳng vào trong miệng”.
Gian khổ là vậy nhưng điều đọng lại trong lòng bà đến ngày nay là tinh thần rực lửa của thanh niên thời đó. Tiếng hát vẫn vút cao từ trong gian khó. “Anh chị em động viên nhau cùng làm việc, đôi ngày lại quây quần văn nghệ, ca hát, vui lắm! Tôi là người quản lí, giao nhiệm vụ và động viên tinh thần anh em nên phải theo sát công trình, vừa nghiêm khắc, vừa động viên để công trình hoàn thành đạt chất lượng. Có nhiều lúc, tôi nghiêm khắc khiến anh em buồn. Đêm về, nhìn mọi người mệt mỏi rã rời, ngủ say trên nền lán trại, tôi thương biết chừng nào! Mấy mươi năm sau nhìn lại con đường, tôi mừng vì có công sức của anh em, đồng đội mình trong đó”, bà Sáu Bé chầm chậm nói.
Trong suốt khoảng thời gian làm tại Đồng Tháp Mười, bà Sáu Bé luôn phải chịu những cơn đau của vết thương nứt sọ do pháo địch gây ra. Hoàn thành nhiệm vụ trở về cũng là lúc sức khỏe của bà suy kiệt, phải vào viện chữa trị một thời gian dài. Sức khỏe hồi phục, bà trở về công tác, lần lượt đảm nhiệm các vai trò: Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đến lúc nghỉ hưu.
Giờ đây, ở độ tuổi xế chiều, nữ cán bộ hưu trí Nguyễn Thị Bé vẫn không ngừng cống hiến. Kỉ niệm những ngày tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, bà cất giữ như báu vật của đời mình. Chiếc áo bà ba ngày trẻ khó khăn lắm mới dành tiền may được; cây đèn pin gắn bó cùng bà trong suốt những tháng năm hoạt động bí mật đến khi đất nước hòa bình; bức thư đồng đội gửi;... và nhiều hình ảnh khác được bà trân trọng giữ gìn. Bà tâm sự: “Đây là kỉ vật, có thể chúng không có giá trị gì về vật chất nhưng với tôi, chúng vô cùng đáng giá! Giờ đây, nhìn thấy các cháu lớn lên trong hòa bình, tiếp cận công nghệ thông tin nhanh chóng và nhạy bén, tôi mừng lắm. Những gian khổ, khó khăn, hi sinh của đồng chí, đồng đội chúng tôi, ngày nay, tôi được nhìn thấy kết quả rồi. Là hòa bình, là hạnh phúc, phát triển cho chính cháu, con mình!”.