Ngao du vùng Đồng Tháp Mười
Xã hội 07/07/2023 09:09
Kì 1: Đồng Tháp Mười - những đổi thay
Chúng tôi có dịp rong ruổi trên những vùng đất miền Tây Nam Bộ bạt ngàn lúa, hoa, cây trái... mới cảm nhận được những đổi thay ngoạn mục của vùng Đồng Tháp Mười mênh mông bát ngát. Có cảm giác như đó là vùng đất mà mùa Xuân ngự trị quanh năm... Vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Đây là vùng đất ngập nước có diện tích tự nhiên hơn 697.000 ha (khoảng 7.000 km2), chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Xuất phát từ TP Tân An, chúng tôi di chuyển theo Quốc lộ 62 để về vùng Đồng Tháp Mười, bắt đầu khám phá vùng này. Những bờ đất cũ lầy và bụi giờ phủ lên màu nhựa đường bóng loáng băng qua từng khu kinh tế mới, từng cụm, tuyến dân cư vượt lũ mang tên ấp văn hóa, xã nông thôn mới. Nhiều nơi còn trồng hoa, cây xanh 2 bên đường như xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Hay 2 bên đường đất, đường nhựa ở vùng nông thôn huyện Tân Thạnh cũng trồng nhiều loại cây ăn trái và hoa điểm tô vẻ đẹp một vùng quê.
Cánh đồng sen rực rỡ ở Láng Sen. |
Ven tuyến đường mới Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh, nhà tường mới xây, cụm, tuyến dân cư vượt lũ thấp thoáng dáng hình đô thị. Và thêm điều thú vị khi bất chợt gặp giữa bưng sâu Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa một trang trại sầu riêng. Cặp bờ kênh Cái Cỏ là đường nhựa phẳng lì, đường phòng thủ biên giới cũng là đê ngăn lũ cho Cụm dân cư trung tâm xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng.
Thời chống Mỹ, trong “bưng biền kháng chiến” Đồng Tháp Mười với đồng hoang lửa khói ngút ngàn. Hòa bình, người dân càng có cơ hội “cày sâu cuốc bẫm” trên vùng đất này để có những “đứa con tinh thần” giàu cảm xúc, chân thật. Đồng Tháp Mười quả là càng nhìn lâu càng thấy đẹp, nhất là sau khi Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã mở ra Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Chạy xe qua ấp Cả Trốt, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, thấy một khu vườn tràn ngập cam, bưởi ven đường, chúng tôi cho vòng xe vào. Qua khỏi giàn nho phủ trên lối đi giữa vườn cây trái, chúng tôi vừa dừng xe, ông chủ nhà trạc tuổi 64 bước ra chào hỏi như khách quen và “mời vô nhà uống nước”. Ngôi nhà ngói ba gian toát một màu trắng bóng bởi mặt trong, mặt ngoài đều ốp gạch men. Ông chủ nhà nuôi gần chục con bò, ủ phân để bón cho vườn cây trái. Ông cho biết tên là Tư Khen, gốc Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, lên đây lập nghiệp 25 năm nay. Ở Cái Bè, ông có 0,4ha đất, không đủ nuôi 6 miệng ăn. Năm 1999, ông bán nhà và đất ở đó, đến đây lập nghiệp. Mới đầu, ông mua 4ha đất bưng Cả Trốt giáp ranh biên giới Việt Nam - Campuchia, dựng chòi ở, khẩn đất làm mùa nhưng chưa kịp thu hoạch thì lũ năm 2000 đã xóa hết công sức, vốn liếng của vợ chồng ông. Lây lất tới năm 2008, ông về Cái Bè mượn vốn của người thân lên mua 3ha đất gò Châu Mai rồi rời bưng Cả Trốt, vào Cụm dân cư vượt lũ Khánh Hưng cất nhà ở. Từ đó, vợ chồng ông vừa làm 4ha ruộng dưới bưng Cả Trốt, vừa làm 3ha vườn trên gò Châu Mai, tích góp mà tạo dựng nên cơ ngơi này.
Láng Sen có rất nhiều loài chim nước trú ngụ. |
Chúng tôi lại ngẫu nhiên ghé một ngôi nhà khang trang bên đường phòng thủ biên giới. Chủ nhà là ông Nguyễn Văn Tư, 65 tuổi, dân kinh tế mới ấp Cả Trốt. Ông Tư đưa chúng tôi ra sau nhà xem vườn bưởi da xanh rộng 4ha của ông. “Mấy năm nay, tui thu hoạch trung bình 40-50 tấn trái/ha, bỏ túi chừng vài trăm triệu đồng. Trồng bưởi da xanh trên đất này thu lợi gấp 4-5 lần làm lúa” - ông Tư hào hứng nói. Ông còn “khoe” bỏ ra 250 triệu đồng đầu tư giàn tưới nước tự động cho vườn bưởi.
Vào quán nước bên khu chợ Tân Hưng, nhìn ra con kênh nước trôi lững lờ, chúng tôi được người dân nơi đây kể về mùa lũ năm 2000, lũ cuốn mất cả cầu lẫn đường. Cụm dân cư Khánh Hưng ngày đó còn thô sơ. Khu chợ xã lèo tèo. Có cô giáo kể: Mấy năm trước, trường mầm non tre lá, đêm không có điện. Cô giữ trẻ phải chong đèn dầu ngồi chờ phụ huynh làm đồng về muộn mới đến đón con. Thầy cô nhói lòng, chỉ biết an ủi, động viên các em ráng theo học cho có chữ. Mỗi khi lũ tràn tới, dưới bưng bao nhiêu mái lá ngập sâu.
Vậy mà giờ đây, tất cả đã thành dĩ vãng! Khánh Hưng bây giờ đang phát triển lên thị trấn. Xã đã có trường học. Cụm dân cư và khu chợ xã ngời dáng đô thị và chính thức mang danh hiệu xã nông thôn mới, “yên ổn” trong vùng đê bao ngăn lũ.
Trong mênh mang bát ngát, Đồng Tháp Mười đang đổi thay từng ngày và còn nhiều hứa hẹn vươn lên trong tương lai.