Ngao du vùng Đồng Tháp Mười
Xã hội 12/07/2023 09:32
Ruộng lúa Đồng Tháp Mười hôm nay. |
Điểm hẹn của chúng tôi là gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, 60 tuổi, ở ấp Nguyễn Sơn, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh. Ông Bảy vồn vã tiếp, đưa chúng tôi ra vuông ao sau nhà và nói: “Gia đình đang nuôi thử nghiệm cá chạch lấu. Tui lên mạng, thấy hướng dẫn thế nào thì nuôi theo vậy. Nếu chắc ăn, tui sẽ bày cho nông dân trong ấp cùng làm”. Giá cá chạch lấu ở chợ hiện nay là 400-500 nghìn đồng/kg. Vuông ao 500m2 của ông đã thả được 4.000 con cá chạch lấu; vốn đầu tư 80 triệu đồng. Thấy cá lớn nhanh, ông Bảy rất phấn khởi.
Rảo chân trên vuông đất quanh nhà trồng nào xoài, mít, bơ, sầu riêng, vú sữa,... ông Bảy nói: “Trồng để thử nghiệm. Hễ cây, con nào phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì hướng dẫn người dân làm theo”. Ông Bảy còn lên mạng, rồi ấp ủ giấc mơ nuôi cá heo - một giống cá nước ngọt da xanh màu lá non, trơn bóng, thịt dai, béo, nấu chua, kho ngót đều ngon. Sau đó, ông tiễn chân chúng tôi đi qua một quãng đường làng mát rượi bóng râm của các loại cây ăn trái.
Anh Nguyễn Văn Ninh đang cho ếch ăn. |
Rời nhà ông Bảy, chạy xe trên đường nhựa cặp bờ sông Vàm Cỏ Tây, anh bạn ngồi sau xe cứ xuýt xoa: “Đường đẹp quá!”. Đường qua xã Kiến Bình, huyện Tân Thạnh rực rỡ sắc hoa cùng hàng rào cây xanh do người dân khéo léo cắt tỉa. Đi đò qua bên kia sông Vàm Cỏ Tây là Quốc lộ 62 để về thị trấn Tân Thạnh. Bên đường là mô hình VAC với bảng hiệu “Trại trùn quế Tân Thành”. Bước qua hai hàng ô gạch xây để nuôi trùn quế là những vèo nuôi ếch giăng dài trên mặt ao. “Thường trực” trại là ông Nguyễn Văn Hoàng, 61 tuổi, cho biết: “Trước đây, anh ấy học lỏm người ta rồi mở trại, nay đi học để nắm vững bài bản, kĩ thuật”.
Theo anh Hoàng, trang trại mới hoạt động hơn một năm mà đã có khách hàng ở TP Hồ Chí Minh và thương lái nhiều nơi tìm đến mua sỉ ếch. Bình quân, mỗi lứa ếch khoảng 3 tháng rưỡi, đạt 600-700kg/lứa,... Cứ vậy mà xoay vòng theo chu kì. Các chất thải đều là thức ăn cho cá, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm môi trường. Cá tra, cá trê lai vàng,... lúc nào cũng đầy ao.
Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, Tân Thạnh với kênh Dương Văn Dương và bưng biền Nhơn Hòa Lập là cái nôi của chiến khu Đồng Tháp Mười mà ngày nay đã thành Di tích Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ.
Một hình ảnh phổ biến hiện nay ở Đồng Tháp Mười, đường giao thông đã thay thế những dòng kinh trong việc lưu thông, vận chuyển nông sản. |
Từ Nhơn Hòa Lập rẽ vào sâu trong đồng, chúng tôi tới Trung tâm Văn hóa Thể thao và Học tập cộng đồng xã liền với Nhà truyền thống và nhà Bia truyền thống Cơ quan Chính trị Quân khu 8. Tôi và anh bạn Hội NCT cùng đọc văn bia để hiểu rõ hơn về truyền thống của cơ quan này. Bia viết: “Thuở ra đời/ Trời Nam Bộ mịt mờ khói lửa/ Đất Tháp Mười ngùn ngụt chí hờn căm/ Giặc Pháp xâm lược nước ta lần nữa! Tiếp nối hào khí tổ tiên/ Gương trung liệt Nguyễn Trung Trực, Trương Định, Thiên Hộ Dương/ Phòng Chính trị Quân khu 8, nhiều nhân sĩ, trí thức... về tụ nghĩa/ Kinh Tân Hòa, Năm Ngàn, Nguyễn Văn Tiếp... Những bước chân ngàn dặm hối hả đạp đồng xa tuyên truyền đường lối Đảng, xuồng ba lá rộn rã ngược xuôi sông nước phổ biến chủ trương/ Chốn lau sậy sản sinh bài hát “Tiểu đoàn 307” của Nguyễn Hữu Trí, “Lá xanh” của Hoàng Việt như hồi kèn xung trận; Báo Tổ quốc, hoạt cảnh “Đồng xanh máu đỏ” giục giã quân dân ra tiền tuyến/ Câu thơ “Tháp Mười đẹp nhứt bông sen - Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” của Bảo Định Giang, bức tranh vẽ bằng máu “Bác Hồ với ba cháu thiếu nhi Bắc Trung Nam của Diệp Minh Châu là tấm lòng người Nam Bộ hướng về Cha già Hồ Chí Minh/ Nơi bưng biền phim “Trận Mộc Hóa, Trận La Bang” khơi nguồn điện ảnh cách mạng Việt Nam/ Bao chiến tích đã đi vào huyền thoại”...
Dùng mời bữa cơm đạm bạc với người dân Đồng Tháp Mười mà lúc về, chúng tôi cứ ấn tượng mãi với “hương đồng gió nội” mùa khô, các loại cá tát vũng ở ngoài bưng, rau tập tàng,... dễ gì có được ở chốn phồn hoa đô hội.
Hãy thử một lần về Đồng Tháp Mười để cảm nhận sự đổi thay của một vùng đất anh hùng trong chiến đấu.