Đủ căn cứ khẳng định ông Thoại có hành vi gây thương tích, xâm hại sức khỏe bà Đáp
Pháp luật - Bạn đọc 24/06/2021 12:00
Như Tạp chí Người cao tuổi và Tạp chí Ngày mới online thông tin, bà Nguyễn Thị Đáp, một Phật tử cao tuổi, khi vào chùa Nga Hoàng tụng kinh bị ông Đào Văn Thoại hành hung, phải nhập viện điều trị nhiều ngày. Sự việc “rõ như ban ngày”, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an huyện Tam Đảo không khởi tố vụ án hình sự, cũng không có hình thức xử lí nào đối với ông Thoại.
Bất bình với cách giải quyết của Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tam Đảo, bà Đáp làm đơn khiếu nại đến Viện KSND huyện Tam Đảo, thế nhưng bà cũng không nhận được sự “đồng cảm” từ cơ quan này. Cụ thể, tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 51/QĐ-VKSTĐ, do Viện trưởng Lê Đình Lưỡng kí, khẳng định: “Những người có mặt chứng kiến sự việc đều khai không có việc Thoại túm tóc, kéo, tát bà Đáp như lời khai của bà Đáp”; rồi kết luận: “Việc bà Đáp bị thương tích không cấu thành tội phạm”. Có thể thấy, đây là một kết luận hết sức ngây ngô: “Việc bà Đáp bị thương tích” sao có thể “cấu thành tội phạm”!?.
Không chỉ vậy, Quyết định trên còn nêu: “Anh Thoại dùng tay túm cổ áo bà Đáp, thấy vậy mọi người vào can ngăn thì ông Đáp bỏ tay ra và sự việc dừng lại” (đúng ra là “ông Thoại bỏ tay ra”, nhưng do Quyết định làm ẩu, nên nhầm thành ông Đáp - PV).
Tương tự, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 18/ĐTTH ngày 23/2/2021, do Thượng tá Trần Kim San, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tam Đảo kí, cũng nêu: “Hành vi của Đào Văn Thoại dùng tay nắm cổ áo và có lời xúc phạm danh dự của bà Nguyễn Thị Đáp không (thừa trong quyết định-PV) không đủ yếu tố cấu thành tội phạm”.
Cả 2 văn bản do Thủ trưởng Cơ quan điều tra Trần Kim San và Viện trưởng Viện Kiểm sát Lê Đình Lưỡng kí chưa phù hợp với tình tiết vụ án.
Nhận thấy, Quyết định giải quyết khiếu nại số 51/QĐ-VKS của Viện KSND huyện Tam Đảo không thấu tình, đạt lí, bà Đáp tiếp tục có đơn khiếu nại, không nhất trí với Quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Tam Đảo, gửi lên Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại Quyết định Giải quyết khiếu nại số 647/QĐ-VKS của Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc thể hiện: “Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc khiếu nại, nhận thấy: Ngày 5/11/2020, Công an huyện Tam Đảo nhận đơn tố giác của bà Nguyễn Thị Đáp... về việc bà Đáp bị Đào Văn Thoại... túm tóc kéo và dùng tay tát vào mặt; sau đó, Thoại tiếp tục chửi và thách thức bà Đáp làm bà Đáp hoảng sợ. Bà Đáp bị đau đầu, mặt phải điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo.
Sau khi nhận được đơn tố giác trên, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tam Đảo đã tiến hành xác minh theo quy định pháp luật. Ngày 3/12/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tam Đảo ra Quyết định giám định số 342 trưng cầu Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc giám định thương tích của bà Đáp. Tại Bản kết luận giám định pháp y số 613.TgT ngày 15/12/2020 của Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc kết luận thể hiện: “Chấn động não (giảm nhẹ hoạt động điện não) xếp với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 01%”. Để làm rõ hơn cơ chế hình thành thương tích của bà Đáp, ngày 28/1/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tam Đảo đã có Công văn số 90/CV-ĐTTH, đề nghị Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc giải thích rõ hơn điều này. Ngày 5/2/2021, Trung tâm Pháp y tỉnh Vĩnh Phúc có Công văn số 05/PY-GĐTH trả lời như sau: “Cơ chế hình thành thương tích của bà Nguyễn Thị Đáp là do ngoại lực tác động gây nên”.
Về lời khai của những người có liên quan đến vụ việc, tại Quyết định giải quyết khiếu nại nêu rõ, bà Đáp khai: “Thoại dùng tay chỉ vào mặt bà Đáp chửi, sau đó dùng tay túm tóc trên đỉnh đầu và kéo bà Đáp ra phía bờ ao thì gặp bà Lan đến can ngăn, Thoại mới bỏ tay ra và Thoại dùng tay tát mạnh một cái trúng vào thái dương phải bà Đáp”; Đào Văn Thoại khai: “Đã dùng tay phải túm cổ áo và kéo bà Đáp đi một đoạn khoảng 2m”; bà Nguyễn Thị Hệ khai: “Thoại dùng tay túm tóc kéo bà Đáp đi về phía bờ ao được 2 - 3m, thì có người can. Thoại có tát bà Đáp, nhưng không nhớ là thời điểm trước hay sau khi kéo bà Đáp”; bà Hoàng Thị Cầm khai: “Nhìn thấy Thoại túm tóc và tát bà Đáp…”.
“Như vậy là lời khai của bà Hoan, bà Lĩnh, bà Cầm phù hợp với lời khai của bà Đáp việc Thoại túm tóc bà Đáp kéo; lời khai của bà Cầm và lời khai ban đầu của bà Hệ còn phù hợp với lời khai của bà Đáp việc Thoại tát vào mặt bà Đáp, phù hợp với bệnh án và kết quả khám điện não đồ đối với bà Đáp ngày 4/12/2020, tại Bệnh viện 109 - Quân khu 2, thể hiện là “giảm nhẹ hoạt động điện não”. Do đó, mặc dù Đào Văn Thoại không thừa nhận nhưng có cơ sở xác định là Thoại đã túm tóc, kéo và tát bà Đáp” - Quyết định giải quyết khiếu nại của Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.
Cùng một vụ việc, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định rõ ràng như vậy, thế nhưng trước đó, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tam Đảo khẳng định rằng: Đào Văn Thoại chỉ có hành vi “dùng tay nắm cổ áo và có lời xúc phạm danh dự của bà Nguyễn Thị Đáp”; còn Viện KSND huyện Tam Đảo thì cho rằng: Không có việc Thoại túm tóc, kéo, tát bà Đáp như lời khai của bà Đáp.
Tiến sĩ Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, thực tế bà Đáp bị tổn hại sức khỏe 01% và phải điều trị nhiều ngày tại bệnh viện, như vậy có đủ căn cứ để khẳng định, ông Thoại có hành vi cố ý gây thương tích, xâm hại đến sức khỏe của bà Đáp. Thêm nữa, vụ việc xảy ra tại chùa, là nơi công cộng, nên hành vi của ông Thoại cũng có thể coi là hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tam Đảo cho rằng, không đủ căn cứ cấu thành tội phạm theo Điều 134 Bộ luật Hình sự, thì phải tiến hành xử phạt hành chính Đào Văn Thoại theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Việc Cơ quan CSĐT, Công an huyện Tam Đảo chưa kịp thời xử phạt hành vi vi phạm của Đào Văn Thoại, là chưa đúng quy định pháp luật và chưa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong trường hợp này, Viện KSND huyện Tam Đảo nên kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Tam Đảo, phải tiến hành xử phạt hành chính đối với Đào Văn Thoại, thì mới đúng chức năng và nhiệm vụ của mình.
Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được, thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lí và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc, thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lí cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Trong trường hợp này, bà Đáp hoàn toàn có thể khởi kiện ông Thoại ra tòa, để đòi bồi thường những chi phí trong thời gian điều trị, ổn định sức khỏe.