Dự án giải phóng mặt bằng chỉnh trang hạ tầng kĩ thuật ô quy hoạch G.2/CCK0; G.2/P1 quận Long Biên, TP Hà Nội: Cần xem lại những căn cứ pháp lí của ch
Pháp luật - Bạn đọc 29/05/2019 15:37
Nguồn gốc đất ở đô thị bị biến thành “đất nông nghiệp khoán 10”!?
Ông Vũ Tiến Chung, đại diện các hộ dân ở tổ 22, phường Long Biên bị thu hồi đất cho biết: Năm 1987 một số gia đình trong diện chính sách, đông con, khó khăn về chỗ ở, được thôn đội, HTX nông nghiệp bình xét đủ điều kiện, đã được UBND xã Long Biên cấp đất giãn dân ở khu vực đất rau đê Tàn (hiện còn bản lưu danh sách các hộ được cấp đất giãn dân), mỗi gia đình được một ô khoảng 240m2. Sau khi được cấp đất các hộ đã xây dựng nhà và ở ổn định từ đó cho đến nay, không có tranh chấp.
Tháng 11/1992, ông Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch HĐND xã Long Biên kí và đóng dấu vào danh sách 19 hộ dân ở thôn Nha (đất đê Tàn) được UBND TP cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Minh chứng cho việc cấp đất giãn dân, ông Nguyễn Văn Tích, Bí thư Đảng ủy xã Long Biên từ năm 1982 - 1994; ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã năm 1987 -1994 và ông Nguyễn Văn Yên, cán bộ địa chính của xã từ năm 1975 - 1995, đều có văn bản xác nhận tại thời điểm năm 1987, HTX họp bàn và có nghị quyết cấp đất giãn dân cho các hộ gia đình theo chủ trương của Đảng ủy và UBND xã.
Ông Nguyễn Văn Tuyên chứng minh đất ở của gia đình mình đóng thuế đất hằng năm thuộc loại đất ở đô thị và trong các quyết định của UBND TP về phê duyệt dự G.2/CCK0, G.2/P1 từ năm 2017-2019, đều ghi rõ loại đất thu hồi là đất ở đô thị.
Đó là những cơ sở pháp lí người dân lưu giữ được về nguồn gốc đất của gia đình mình, còn lưu giữ hồ sơ đất đai tại xã Long Biên theo Điều 24 và 25 Luật Đất đai năm 2013, thuộc về UBND xã và công chức địa chính xã. Thế nhưng khi người dân cần có các thông tin về nguồn gốc đất của mình, minh chứng theo bản đồ địa chính, sổ mục kê, thì Chủ tịch UBND phường Long Biên đã từ chối, là trái khoản 2 và khoản 4, Điều 28 Luật Đất đai năm 2013, về trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin. Việc UBND phường Long Biên để thất lạc không lưu giữ hồ sơ đất đai trước năm 1993, thì không có căn cứ để Chủ tịch UBND phường xác nhận nguồn gốc đất của các hộ dân là đất nông nghiệp khoán 10, tại thời điểm bị thu hồi năm 2017. Thực tế nguồn gốc đất của các hộ dân trước năm 1987 là đất nông nghiệp, sau khi được cấp đất giãn dân, đã được chuyển đổi mục đích sang đất ở thổ cư. Sau này xã Long Biên được chuyển thành phường thì đất ở của các hộ dân cũng được chuyển đổi thành đất ở đô thị
Nguồn gốc đất của các hộ dân là đất giãn dân năm 1987 và nay được công nhận là đất ở đô thị, nhưng chỉ được đền bù theo giá đất nông nghiệp. |
Kẽ hở của pháp luật
Luật Đất đai năm 2013 và Luật Quy hoạch đô thị năm 2015, có những quy định cụ thể để đảm bảo quyền và lợi ích hài hòa giữa Nhà nước và người bị thu hồi đất. Lấy pháp luật soi chiếu vào khiếu nại của các hộ dân ở tổ 22, phường Long Biên, thì Ban Quản lí dự án và UBND phường Long Biên, đã không thực hiện khoản 6, Điều 35 Luật Đất đai năm 2013; Khoản 3, Điều 3 Nghị định 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014; Điều 20 và 21 Luật Quy hoạch đô thị năm 2015.
Theo Luật sư Nguyễn Quý Long, Công ty Luật Thiên Hồng Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch tại Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị là phải: “Bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân”, còn khoản 3, Điều 26 Luật Đất đai nêu: “Đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất… người bị thu hồi đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật”. Do không thực hiện đúng Điều 20 và 21 Luật Quy hoạch đô thị và không thực hiện đúng khoản 6, Điều 35 Luật Đất đai năm 2013, dẫn đến việc xác định nguồn gốc đất ở đô thị của dân bị “biến thành đất nông nghiệp khoán 10” như cách đây 30 năm (trước năm 1987), xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhưng nguy hại hơn là làm giảm lòng tin của Nhân dân vào chính quyền.
Bà Nguyễn Thị Thủy một trong những hộ bị thu hồi đất, chia sẻ với phóng viên: “Quận Long Biên thu hồi đất của người dân bồi thường giá thấp nhất, bán đấu giá cho các doanh nghiệp tư nhân để họ kinh doanh bán theo giá thị trường, thu lợi nhuận, thì đây có phải là lợi ích nhóm “núp bóng” dưới vỏ bọc chỉnh trang hạ tầng kĩ thuật”!
Còn luật sư Long minh chứng việc lập dự án này cần phải xem lại vì chỉ một ngày 23/6/2016, Hội đồng thẩm định có Báo cáo số 25/BC-HĐTĐ, đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm C, sử dụng ngân sách quận, thì ngay ngày hôm đó UBND quận nhanh chóng có Tờ trình số 123/UBND, kèm theo đề xuất chủ trương đầu tư dự án và ngay lập tức cùng ngày, HĐND quận Long Biên có Văn bản số 09 /HĐND-TCKH, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này. Sự khẩn tốc trình và phê duyệt dự án từ Hội đồng thẩm định, qua HĐND quận, đến UBND quận rồi quay về HĐND quận chỉ trong 1 ngày cho thấy không có một kẽ hở nào về thời gian để công khai dự án? Sự thần tốc này kéo theo việc bồi thường giải phóng mặt bằng không đúng thực tế, gây khiếu nại kéo dài, quyền lợi của người dân bị xâm phạm, không bảo đảm hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân như luật quy định.
Theo Quyết định số 1086/QĐ-UBND, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận Long Biên, Dự án G.2/CCK0, G.2/P1, được thu hồi 1,35ha đất ở đô thị, còn theo sơ đồ mặt bằng xác định ranh giới thu hồi đất dự án này tỉ lệ 1/500 ngày 15/8/2016 có chữ kí và đóng dấu của bà Vũ Thu Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, thì riêng diện tích đấu giá ô quy hoạch G2/CCK0 có diện tích 10,596,9m2 để xây dựng chung cư từ 3 - 15 tầng, diện tích đất đã giao đợt 1 nằm trong ô quy hoạch G2/P1 là 1.168m2, còn lại 1.736m2 thu hồi để làm gì chưa rõ?
Việc UBND quận Long Biên lấy căn cứ vào Quyết định số 1827/QĐ-UBND ngày 19/4/2016 của UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2016 của quận Long Biên, nhưng Quyết định này tại thời điểm đó lại không có Dự án G.2/CCK0, G.2/P1, để ra Thông báo thu hồi đất ngày 14/12/2016, như vậy Thông báo này không có giá trị pháp lí, kéo theo thực hiện kiểm đếm tài sản và cưỡng chế kiểm đếm tài sản theo Thông báo này sẽ không có giá trị pháp lí, hậu quả là sai phạm lại chồng lên sai phạm. Đó chính là kẽ hở pháp luật của Dự án này.
Tuy đã được UBND quận Long Biên tổ chức đối thoại công khai, tại buổi đối thoại Chủ tịch UBND quận đã thừa nhận những sai phạm và bất cập của dự án. Nhưng đối thoại chỉ là hình thức, quận vẫn bảo lưu chỉ bồi thường đất nông nghiệp cho dân. Người dân tố cáo lên UBND thành phố. Sau khi nghe dự thảo kết luận giải quyết tố cáo của Thanh tra thành phố, người dân lại thất vọng, vì Thanh tra có dấu hiệu không khách quan, bao che cho sai phạm của UBND quận Long Biên!?
Mong muốn của người dân tổ 22 phường Long Biên đề nghị Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng, xem xét lại dự G.2/CCK0, G.2/P1 của quận Long Biên, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, để bồi thường đất ở đô thị cho những người dân bị thu hồi đất, đem lại niềm tin cho Nhân dân vào chính quyền.
Trần Thị Thực