Dự án đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội: Chưa minh bạch gây khiếu kiện kéo dài
Pháp luật - Bạn đọc 11/10/2019 08:48
Tại sao lại lấy đất ngoài dự án làm đường?
Từ nhiều năm nay, gần 200 hộ dân bị thu hồi đất trong dự án đường Tam Trinh, thuộc các tổ 1, 3 và 27 phường Yên Sở, quận Hoàng Mai làm đơn khẩn thiết kiến nghị, liên quan đến đoạn đường Tam Trinh, có chiều dài gần 3,5km, phía trên giáp đường Minh Khai, phía dưới giáp đường vành đai 3. Theo thiết kế đường rộng 40m, riêng đoạn qua phường Yên Sở đến vành đai 3 (1,3km), với đặc điểm phía sau nhà các hộ dân có 4 cái hồ, nên, đoạn này bị lấy thêm 15m ngoài diện tích làm đường. Diện tích đất lấy thêm làm cho 197 hộ dân mất hết nhà cửa. Người dân cho rằng, vì chủ nhân 4 cái hồ phía sau muốn ra mặt đường nên đường mới phình “bụng 15 m chiều rộng”, quá 1/3 mặt đường theo thiết kế, để lấy đất trồng cây xanh. Có lẽ vì dự án đường Trường Chinh làm nên “đường con mềm mại” thành công, nên ở dự án này TP Hà Nội cũng tạo dáng “phình bụng” cho đường Tam Trinh chăng?!
Thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại, đã hơn 3 năm nay, người dân tập trung khiếu kiện vượt cấp kéo dài. Đơn kêu cứu của dân đã thấu tới Chính phủ. Chính phủ đã giao cho Thanh tra Chính phủ đối thoại với dân và đã có những văn bản, đường hướng hợp lòng dân. Nhưng đến UBND TP Hà Nội thì lại vướng, trong cuộc họp ngày 7/7/2019 với người dân, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP lại nói chưa đủ căn cứ để xem xét việc điều chỉnh cắt bỏ 15m (phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và đề nghị người dân tiếp tục bổ sung). Ý kiến này của ông Chung ngược với ý kiến của ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP tại buổi đối thoại được tổ chức tại Ban Tiếp dân Trung ương ngày 4/10/2018, khi Thanh tra Chính phủ hỏi: “Nếu cần điều chỉnh cắt bỏ 15m không hợp lí thì Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyền quyết không?” Ông Nghĩa trả lời: “Chủ tịch UBND TP Hà Nội có quyền”. Công văn số 7262 ngày 26/11/2018 do Giám đốc Sở QHKT Lê Vinh kí cũng nêu: “Trường hợp được sự chấp thuận của UBND TP, giao việc quy hoạch xây dựng Hà Nội. Điều chỉnh cục bộ chỉ giới đường đỏ… theo mặt cắt B = 40m tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư gửi Sở QHKT thẩm định trình UBND TP phê duyệt theo quy định”.
Người dân bức xúc khi bị lấy thêm 15m (đoạn qua phường Yên Sở 1,3km, trong dự án đường Tam Trinh). |
Từ các căn cứ trên cho thấy việc cắt bỏ 15m sâu vào đất của dân cư nằm ngoài diện tích đất mở đường Tam Trinh, không phải trình Chính phủ. Tại Công văn số 1852/TTCP-BTCD ngày 29/10/2018 của Thanh tra Chính phủ ghi rõ: “Đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét tính pháp lí và sự cần thiết cân nhắc lại việc mở rộng thêm 15m đối với đoạn đường 1,3km tiếp giáp với đường vành đai 3. Tránh làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.
Thanh tra Chính phủ còn nêu:“Đây là dự án làm đường (nhưng lấy thêm 15m mặt đường suốt chiều dài 1,3km không phải để làm đường) và từ khi bổ sung lấy thêm 15m chiều rộng (lòng đường tới nay người dân không ai được biết - đã vi phạm Điều 43 và 51 Luật Đất đai năm 2013 là trái luật và xem thường Nhân dân, khi không lấy ý kiến của họ”.
Tại sao lấy thêm 15m lại không thực hiện trên toàn tuyến, đặc biệt đầu giáp Minh Khai gần trung tâm thành phố, mật độ người, xe cộ, ô nhiễm nhiều thì lại không trồng cây xanh; còn nơi đây là ngoại thành (cuối đường), hơn nữa, ngay bên kia đường là công viên Yên Sở không đủ cây để trồng, thì lại lấy đất mặt phố mà dân đang ở, buôn bán để trồng cây xanh?. Câu hỏi này lãnh đạo TP Hà Nội chưa trả lời dân (!). Vì thế người dân nghi ngờ đằng sau việc lấy đất ở mặt phố của 197 hộ để trồng cây xanh, là cho các doanh nghiệp “sân sau” của ai đó ra mặt đường? Thành phố cũng chưa giải tỏa được sự nghi ngờ của người dân, thế nên câu hỏi: Có hay không sự “đi đêm” của “nhóm lợi ích” chưa hết nóng?
Ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân
197 hộ dân bị mất đất khi dự án lấy thêm 15 chiều rộng ngoài diện tích mặt đường, gồm rất nhiều gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, những cựu chiến binh, những người đã từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc và kéo theo hàng nghìn nhân khẩu bị đẩy vào cuộc sống khó khăn. Tất cả công ăn việc làm của người dân bị ảnh hưởng, vì bị mất 2/3 đất mặt phố nơi sinh ra buôn bán, nguồn sống của các hộ, để cho con đường rộng đủ 40m. Khi còn lại 1/3 diện tích, các hộ đều mong muốn được tái định cư tại chỗ. Thế nhưng đủ đất làm đường rồi, dự án lại lấy thêm phần đất còn lại của người dân để “trồng cây xanh”, đẩy gần 200 hộ dân lên chung cư (có nhà ở nhưng mất nguồn sinh kế), cả nghìn con người sẽ bị dồn vào bĩ cực.
Có lãng phí ngân sách, coi cây xanh hơn con người?
Nhận được Công văn 1852 ngày 29/10/2018 của Thanh tra Chính phủ, ngày 12/11/2018, UBND TP Hà Nội có Công văn số 8835/VP-ĐT chỉ đạo Sở QHKT, phối hợp với các sở, ban, ngành và quận Hoàng Mai, nghiên cứu Công văn 1852 của Thanh tra Chính phủ, tổng hợp đề xuất ý kiến để giải quyết đơn của công dân.
Ngày 26/11/2018, Sở QHKT có Công văn số 7262/QHKT-HTKT-TTr gửi UBND TP nêu rõ: “Gần 2/3 tuyến đường đã xác định với quy mô mặt cắt ngang B=40m. Do đó các đoạn còn lại có tổng chiều dài gần 800,7m, nếu mở theo mặt cắt ngang B=40m sẽ không ảnh hưởng đến giao thông trên toàn tuyến, cấp hạng đường không thay đổi và sẽ giảm được chi phí giải phóng mặt bằng… Nếu sau này có làm đường sắt đô thị cũng không ảnh hưởng”.
Thế nhưng dự án này lấy đất của 197 hộ để trồng cây xanh kinh phí nhà nước tạm tính theo dự kiến đền bù giá đất là 59 triệu/m2, còn theo giá thị trường thì “VIMEDIMEX” đang giao bán các lô đất giáp với đường Tam Trinh là 200 triệu/m2 thì đoạn lấy thêm 15m x 1.300m x 59 triệu đồng = 1.150 tỉ đồng. Còn tính theo giá thị trường: 15m x 1.300m x 200 triệu đồng = 3.900 tỉ đồng.
Tính theo phụ lục số 1 Thông tư 20/2005/TT-BXD về trồng cây xanh và nếu trồng cách nhau 15m trồng 1 cây thì với chiều dài 1.300m trồng được 88 cây
Nếu tính đền bù theo giá Nhà nước 1.150 tỉ trồng 88 cây, thì phải giải phóng đền bù 13 tỉ đồng để có đất trồng 1 cây, còn theo giá thị trường đền bù giải phòng mặt bằng 3.900 tỉ đồng để trồng 88 cây, thì giá đất đền bù lên tới 44 tỉ đồng để trồng 1 cây. Tính toán như trên, nhiều người cho rằng, dự án này coi cây xanh hơn con người!? Vì mục đích gì mà lại làm vậy?
Trên “chuyển” nhưng dưới chưa “động”(!)
Đơn kêu cứu của gần 200 hộ dân đã lên tới Chính phủ, trên đã thấu, đã động. Tại buổi tiếp công dân ngày 4/10/2018, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh nói rõ: “Nếu mọi khoa học về giao thông bảo chỗ này phải lấy 55m mới làm được đường thì Hà Nội cứ làm, còn bỏ 15m lấy thêm không ảnh hưởng đến đường, thì cần xem xét điều chỉnh để không ảnh hưởng đến quyền lợi của dân”.
Thế nhưng tại buổi họp với dân ngày 7/7/2019, ông Nguyễn Đức Chung lại cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét, phải trình Thủ tướng. Ý kiến này cho thấy trên đã chuyển nhưng dưới còn vướng chưa động, thì bao giờ mới tháo gỡ được cho dân? Tuy nhiên, cũng tại buổi họp này, ông Chung hứa “sẽ đối thoại đến cùng để thấu tình đạt lí với người dân”. Đó là lời hứa với Đảng với dân xin đừng “đánh trống bỏ dùi” (!?).