Đề nghị Viện KSND và TAND Cấp cao xem xét làm rõ
Pháp luật - Bạn đọc 12/11/2021 10:39
Bản án sơ thẩm số 07/2020/DS-ST và những vi phạm về tố tụng
Bà Nguyễn Thị Quyên, ở số 82 đường Nguyễn Đình Nghị, phường Quang Trung, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, có đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm số 07/2020/DS-ST, do TAND thành phố Hưng Yên xét xử có nhiều vi phạm tố tụng, như:
1- Hội đồng xét xử nhận định, đây là vụ án “Hợp đồng tranh chấp vay tài sản” là sai, bởi sự thật bà Quyên không có hợp đồng nào về vay tài sản với ông Duy. Bản chất của vụ kiện là tranh chấp lãi suất vay tự do theo thỏa thuận.
2- Nguyên đơn Lê Văn Duy không đưa ra các căn cứ pháp lí để chứng minh, nhưng Hội đồng xét xử vẫn xét xử trên các căn cứ không đúng pháp luật.
Trụ sở TAND tỉnh Hưng Yên |
3- Liên quan đến vụ tranh chấp lãi suất tiền vay theo thỏa thuận, ông Duy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể theo Bộ luật Hình sự năm 2015: Điều 174 (hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”); Điều 175 (hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; Điều 355 “hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và Điều 156 hành vi “Vu khống”, nhằm hãm hại bà Quyên.
4- Trong quá trình hòa giải và xét xử sơ thẩm, bà Quyên có đơn đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, vì ông Duy có dấu hiệu vi phạm hình sự, nhưng thẩm phán Lý vẫn đưa ra xét xử. Bà Quyên phát hiện thẩm phán có mối quan hệ thân thiết đặc biệt với nguyên đơn, nghi ngờ xét xử không khách quan, vô tư, xâm hại quyền và lợi lích hợp pháp của bà Quyên.
5- Bà Quyên có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, nhưng thẩm phán Lý cố tình “om” đơn kháng cáo gần 6 tháng mới chuyển lên Tòa phúc thẩm.
Dấu hiệu bất bình thường trước và trong phiên tòa phúc thẩm
Bà Quyên phát hiện mối quan hệ bất bình thường, giữa người đại diện theo ủy quyền của bà, với ông Lê Văn Duy và thẩm phán Phạm Trung Thực. Cụ thể, người đại diện theo ủy quyền viết cho bà 2 đơn xin hoãn phiên xử phúc thẩm, lí do đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, do ông Duy có các dấu hiệu hình sự. Sau 2 lần hoãn xét xử, TAND tỉnh Hưng Yên thông báo, ngày 29/10/2021 sẽ xét xử lại. Trước ngày xét xử 3 ngày, bà Quyên cùng luật sư gặp thẩm phán, đưa đơn đề nghị hoãn phiên tòa, chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra, vì cơ quan này đang điều tra các hành vi vi phạm pháp luật, liên quan đến vụ kiện giữa bà Quyên và ông Duy, theo Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trước ngày tòa xét xử, ông Duy gặp người đại diện của bà Quyên, sau đó người này tư vấn cho bà Quyên và luật sư không đến dự phiên tòa. Ngày 29/10/2021, bà Quyên và người đại diện không có mặt tại tòa, nên rơi vào bẫy “từ bỏ” quyền kháng cáo, để thẩm phán ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm tại tòa, theo Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015.
Quyết định số 07/2021/QĐ-PT ngày 29/10/2021 của TAND tỉnh Hưng Yên vi phạm tố tụng
Trước khi tòa xét xử, bà Quyên đề nghị tòa tổ chức hòa giải và chuyển hồ sơ vụ án sang Cơ quan điều tra, nhưng thẩm phán không tổ chức hòa giải, cũng không chuyển hồ sơ vụ án (có liên quan đến các dấu hiệu hình sự của ông Duy) sang cơ quan điều tra, vì Công an tỉnh Hưng Yên đang điều tra, theo Phiếu chuyển đơn số 184/VPCQCSĐT-P1 ngày 26/8/2021 của Bộ Công an. Thẩm phán Thực được giao xét xử phúc thẩm, nhưng lại có quan hệ thân thiết với ông Duy, nên xét xử không khách quan, vô tư, cố tình dân sự hóa vụ án có dấu hiệu hình sự.
Đơn xin hoãn phiên tòa của bà Quyên, bị thẩm phán Thực cắt xén nội dung. Bị phát hiện sai phạm này, sau khi hội ý trở lại xét xử, thẩm phán Thực mới công bố nội dung đơn, có liên quan đến lí do xin hoãn phiên tòa. Thế nhưng, trong Quyết định số 07/2021/QĐ-PT ngày 29/10/2021, thẩm phán Thực lại không nêu đơn xin hoãn phiên tòa của bà Quyên, để quy kết bà Quyên không đến dự phiên tòa, là từ bỏ quyền kháng cáo(!).
Quyết định số 07/2021/QĐ-PT của TAND tỉnh Hưng Yên, áp dụng Điều 295 Bộ luật TTDS năm 2015. Theo đó, Điều 295 được áp dụng bởi Điều 288. Điều 288 quy định: Tạm đình chỉ vụ án theo Điều 214, 215 và 216 Bộ luật TTDS năm 2015. Tại điểm d, Khoản 1, Điều 214 quy định: “Cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan, hoặc sự việc được pháp luật quy định phải do cơ quan, tổ chức khác giải quyết mới giải quyết được vụ án”. Trong vụ án này, Công an tỉnh đang điều tra theo đơn tố giác tội phạm, ông Duy có dấu hiệu hình sự, liên quan đến việc vay tiền và tranh chấp lãi suất theo thỏa thuận với bà Quyên, thì TAND tỉnh phải chờ kết quả xác minh điều tra của Công an tỉnh, mới tiếp tục giải quyết vụ án. Do đó, đề nghị của bà Quyên và luật sư Nguyễn Huy Hoàng là có căn cứ pháp luật. Thẩm phán Phạm Trung Thực quyết định đình chỉ phiên tòa phúc thẩm, là trái với điểm d, Khoản 1, Điều 214 Bộ luật TTDS năm 2015.
Thẩm phán áp dụng đình chỉ xét xử phúc thẩm theo Khoản 2, Điều 312 Bộ luật TTDS năm 2015. Theo đó: “Người kháng cáo đã được triệu tập hợp lệ 2 lần, mà không có mặt theo quy định tại Khoản 3, Điều 296 của Bộ luật này, trừ trường hợp vụ án có người khác kháng cáo, Viện Kiểm sát kháng nghị”. Trong vụ án này, luật sư Nguyễn Huy Hoàng, bảo vệ quyền lợi cho bà Quyên, có mặt tại phiên tòa, luật sư Hoàng có Đơn kiến nghị gửi TAND tỉnh Hưng Yên, đề nghị tạm dừng xét xử và chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra.
Quyết định số 07/2021/QĐ-PT ngày 29/10/2021, của TAND tỉnh Hưng Yên, trái với Khoản 2, Điều 312 Bộ luật TTDS năm 2015, khi bỏ qua sự thật luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Quyên có mặt tại Tòa, có ý kiến tại Tòa và Đơn kiến nghị tạm đình chỉ vụ án.
Nhận thấy Bản sơ thẩm số 07/2020/DS-ST của TAND thành phố Hưng Yên và Quyết định số 07/2021/QĐ-PT của TAND tỉnh Hưng Yên không khách quan, trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bà Nguyễn Thị Quyên có đơn gửi TAND Cấp cao và Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội, đề nghị xem xét ban hành kháng nghị: Bản sơ thẩm số 07/2020/DS-ST của TAND thành phố Hưng Yên, cùng Quyết định số 07/2021/QĐ-PT của TAND tỉnh Hưng Yên theo pháp luật. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, hi vọng Viện KSND Cấp cao và TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét, xét xử giám đốc thẩm vụ án trên để bảo vệ quyền lợi cho công dân và sự nghiêm minh của pháp luật.