Nhịp cầu bạn đọc
Nhịp cầu bạn đọc 02/10/2024 08:33
Đơn của bà Hà cho biết: Chồng bà là ông Nguyễn Văn Thênh (sinh năm 1951, mất năm 2024) khi còn sống đã nhiều lần làm đơn tố cáo Phòng Cảnh sát kinh tế và Công an huyện Mường Tè đánh đập, giam giữ con trai và các cháu của ông bà. Do đau buồn, chồng bà đã chết, bà thay chồng tiếp tục tố cáo. Ngày 13/9/2024, gia đình bà nhận được Quyết định số: 945/QĐ-VPCQCSĐT ngày 3/9/2024 của Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh Lai Châu về việc giải quyết đơn tố cáo. Tuy nhiên, bà Hà cho rằng Quyết định của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lai Châu trả lời đơn tố cáo chưa đúng với thực tế diễn biến sự việc. Cụ thể, ngày 18/5/2024, Nguyễn Văn Tuấn (con bà Hà và ông Thênh) đang ở nhà tại bản Mường Tè, xã Mường Tè thì thấy công an vào nói là Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Lai Châu và Công an huyện Mường Tè đến khám xét. Tuấn không ngăn cản, chỉ hỏi lí do và yêu cầu thực hiện khám xét đúng luật. Cho rằng cơ quan chức năng không thực hiện đúng quy định trong việc khám xét (tự ý tháo dỡ camera đã được lắp đặt tại nhà từ lâu) Tuấn yêu cầu không được tháo và bẻ máy camera, sẽ gây hỏng máy… nhưng không được. Tuấn nói to đề nghị “không tháo dỡ camera và phải lắp lại như cũ”. Khi bị thu giữ camera, Tuấn chỉ yêu cầu lập Biên bản thu giữ.
Sau khi khám xét nơi ở xong, đến chiều Tuấn lái xe ô tô BKS 18H-005.23 đi xuống đoạn ngã ba gần nhà bà Ngô Thị Tươi đỗ ở đó rồi bước xuống xe, tay cầm túi tiền khoảng gần 400 triệu đồng. Phía lực lượng chức năng không nói, không yêu cầu gì lao vào Tuấn khiến túi tiền đang cầm trên tay bung ra bay khắp nơi. Tuấn bức xúc to tiếng, khiếu nại hành vi trên.
Trong đơn bà Hà tố cáo còn có nội dung: Sau khi bị đánh, các cháu không được sơ cứu vết thương, chăm sóc mà bị đưa về tạm giữ tại công an huyện. Ba ngày sau, Hoàng Xuân Long, Lê Văn Phương và Lăng Xuân Điền được thả nhưng không biết mình phạm tội gì. Về đến nhà, các cháu đã làm Đơn tố cáo bị đánh và ép kí bản cam kết không được kiện cáo. Riêng Tuấn, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lai Châu ra quyết định tạm giam.
“Chính vì các Đơn tố cáo, hiện nay Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lai Châu đang tìm cách “chối bỏ” và cho rằng các cháu “đồng phạm với vai trò là người giúp sức cho hành vi chống người thi hành công vụ nên tổ công tác phải kịp thời ngăn chặn”. Thử hỏi con, cháu của tôi đã làm gì, khi chúng chỉ có 3 người, nhất là cháu Nguyễn Thị Hải đang bế trẻ sơ sinh liệu các cháu có dám “chống người thi hành công vụ”, trong khi tổ công tác có rất nhiều người cả công an mặc quân phục lẫn thường phục?” Đơn thư của bà Hà nêu.
Bà Hà đề nghị làm rõ công an mặc thường phục không được giới thiệu và không có trong thành phần tổ công tác nhưng vẫn tham gia cuộc khám xét để đánh đập các cháu? Vì sao việc đánh đập xảy ra trước mắt những công an mặc quân phục nhưng lại bị bỏ qua? Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lai Châu có trách nhiệm chứng minh toàn bộ vụ việc, công khai chứng cứ một cách khách quan, công tâm và thuyết phục.
Gia đình bà Hà cho rằng có chứng cứ chứng minh những thương tích, hành vi đánh người có sự chứng kiến của người dân trong bản và người xung quanh đến xem nhìn thấy. Vậy tại sao Cơ quan CSĐT lại bác đơn tố cáo của chồng bà và cho “là không có căn cứ, là tố cáo sai”? Trong khi đó, chị Điêu Thị Lan kể: “Khi thấy chị Nguyễn Thị Hải hét lên sao chúng mày lại đánh chồng tao (anh Lê Văn Phương) mặc dù đang bế cháu nhỏ trên tay nhưng chị Hải nói câu nào thì… bị tát câu đó”. Chị Lèo Thị Lọi kể: “Thấy… đánh anh Phương cùng 1 số người đè anh Phương ra, em thấy sợ quá rồi bỏ về. Mọi người nhìn thấy đánh anh Tuấn nên tiền mới tung ra”. Anh Điêu Văn Trường nói: “Thấy anh Tuấn ở trên xe đi xuống cầm 2 túi nilon tiền …, vừa lúc đấy có 3 anh … đi vòng sau qua anh Tuấn, từng người, từng người một nhảy vào túm cổ anh Tuấn rồi có thêm chục người nữa, tất cả đều lao vào vừa giữ, vừa đạp, vừa đá vào bụng, mãi sau mới cho anh Tuấn đứng lên rồi kiểm tra tiền… bắt mấy anh em anh Phương đưa vào nhà hàng xóm thì thấy ai cũng đầy mồm máu”. Bà Ngô Thị Tươi kể: “Hôm đó tôi vừa đi viện về thì nhìn thấy anh Tuấn đi ra xe cầm túi tiền xuống… chú lấy tiền ra định đưa cho chị thì bị 5-7 người túm cổ, túm chân. Tuấn bảo: Chị Tươi ơi! Chị chứng kiến từng tập, từng tập cho em không thì nay mai rút ra lại bảo chỉ có 2-3 trăm thì em chết”.
Thực hiện Điều 5 Luật Người cao tuổi năm 2009, Tạp chí Người cao tuổi chuyển nội dung đơn của bà Phạm Thị Hà tới Công an tỉnh Lai Châu và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của tỉnh Lai Châu xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật; thông báo kết quả để Tạp chí trả lời người cao tuổi và bạn đọc theo quy định.
Đơn thư và tài liệu gửi về tòa soạn đề nghị ghi rõ địa chỉ và điện thoại liên lạc. Đơn thư và tài liệu không sử dụng tòa soạn không trả lại. Bạn đọc gửi tin bài theo hộp thư điện tử: phapluatbandocbnct@gmail.com Quý vị theo dõi thông tin qua nhịp cầu bạn đọc đăng trên Tạp chí Người cao tuổi. |