Có nhiều căn cứ để đề nghị giám đốc thẩm
Pháp luật - Bạn đọc 10/08/2023 09:01
Nội dung vụ án
Như Tạp chí Người cao tuổi thông tin về vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa vợ chồng ông Trần Văn Lắm và bà Lê Thị Sáu (bị đơn) với bà Nguyễn Thị Mót (nguyên đơn), cùng ngụ huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Các biên lai thu tiền thuế thửa đất đang tranh chấp do ông Trần Văn Lắm đóng. |
Tại Tòa, bà Mót và người đại diện trình bày, phần đất tranh chấp 6.400,8m2 nằm trong thửa đất khoảng 12.500m2 tọa lạc ở ấp An Đông, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, do vợ chồng bà Mót khai hoang. Năm 1986, bà Mót chuyển cho cha là ông Trần Văn Tám phần đất 6.225m2 sử dụng. Sau đó, ông Tám chuyển lại con trai là ông Trần Văn Lắm (Bị đơn) sử dụng. Đầu năm 2018, vợ chồng ông Lắm, bà Sáu đo lại phần đất trên, được UBND huyện Cần Giờ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) là 6.400,8m2; và yêu cầu bà Mót di dời nhà, trả lại đất.
Năm 2020, bà Mót khởi kiện vợ chồng ông Lắm, bà Sáu, yêu cầu Tòa án hủy GCNQSDĐ trên; công nhận cho gia đình bà Mót quyền sử dụng phần đất 6.400,8m2 trên.
Giấy viết tay sang nhượng đất không đề ngày tháng |
Ông Lắm, bà Sáu không chấp nhận yêu cầu trên của bà Mót. Lí do, phần đất 6.400,8m2 của ông Lắm được cha là ông Tám cho và đã canh tác trên đất đó nhiều năm; được UBND huyện Cần Giờ cấp GCNQSDĐ cho vợ chồng ông hợp pháp: Cấp lần đầu vào năm 1996, cấp lần 2 vào năm 2003, cập nhật thay đổi vào ngày 26/6/2018 đều hợp pháp, hợp lệ.
Những dấu hiệu thiếu khách quan?
Ngày 31/8/2022, TAND TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án, ra Bản án số: 1465/2022/DS-ST: Hủy một phần GCNQSDĐ số 209597 cấp ngày 31/3/2021 cho vợ chồng bị đơn; công nhận 6.400,8m2 đất thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn.
Ngày 27/6/2023, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, ra Bản án số: 400/2023/DS-PT, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn; giữ y án sơ thẩm.
Cho rằng các bản án trên thể hiện có dấu hiệu thiếu khách quan, bị đơn có đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án, với các căn cứ:
Tờ khai làm chứng của vợ chồng ông Lê Văn Ai, Trần Thị Thu Hà |
Một, hai cấp Tòa án không đưa ông Lê Văn Ai và bà Trần Thị Thu Hà là người làm chứng vào tham gia vụ án, không sử dụng lời khai của họ làm chứng cứ. Ông Lắm đã nộp các chứng cứ là Bản tự khai và Lời khai làm chứng của ông Ai và bà Hà có công chứng cho Tòa án; ông Ai, bà Hà trình bày họ là người trực tiếp cầm cố đất của vợ chồng ông Lắm, bà Sáu. Thời điểm họ canh tác đất này (từ năm 1994 đến năm 1996) không có công trình xây dựng trên đất của ông Lắm, bà Sáu. Ông Ai, bà Hà khai từ năm 1997, vợ chồng ông Lắm trực tiếp canh tác trên phần đất tranh chấp. Đáng lưu ý bà Hà là con ruột bà Mót là nguyên đơn của vụ án dân sự, ông Ai là con rể của bà Mót.
Bản án sơ thẩm số 1465-2022-DS-ST ngày 31-8-2022 của TAND TP HCM. |
Hai, ông Lắm, bà Sáu cho rằng có dấu hiệu giả mạo chữ kí, chữ viết của ông Lắm trong giấy sang nhượng đất viết tay không đề ngày tháng do vợ chồng ông Trần Văn Ngộ, bà Nguyễn Thị Mót (nguyên đơn) cung cấp cho Tòa án. Tuy nhiên, TAND TP Hồ Chí Minh không ra quyết định trưng cầu giám định, theo quy định Khoản 1, Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự: Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Đây là nội dung của vụ án thể hiện có tình tiết mới.
Ba, hồ sơ thể hiện Tòa án không cho đối chất giữa vợ chồng ông Lắm, bà Sáu với vợ chồng ông Ngộ, bà Mót, để làm rõ về nguồn gốc đất tranh chấp; không công khai các chứng cứ là các biên lai đóng thuế do bị đơn ông Lắm, bà Sáu đã cung cấp cho Tòa án.
Bốn, vợ chồng ông Lắm khẳng định tại tòa: Có quá trình sử dụng đất liên tục mấy chục năm qua từ khi ông Trần Văn Tám giao cho họ. Nhưng, Bản án phúc thẩm số: 400/2023/DS-PT ngày 27/6/2023 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận bà Nguyễn Thị Mót khai hoang năm 1983 là thể hiện vô lí, thiếu cơ sở.
Vợ chồng ông Trần Văn Lắm, Lê Thị Sáu |
Năm, ông Trần Văn Lắm cho rằng: “Lê Thị Hồng Nhu là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan của vụ án, thực tế là con của vợ chồng tôi, nhưng hai cấp Tòa án lại cho là con của bà Mót và ông Ngộ; và ghi nhận là ý kiến của bà Nhu giống ý kiến của nguyên đơn, là có dấu hiệu sai sự thật. Mặt khác, Bản án phúc thẩm ghi nhận lời khai của ông Trần Văn Tám là cha của tôi vào lúc 9 giờ 00 ngày 22/5/ 2019 là không có giá trị pháp lí, vì thời điểm đó cha tôi bệnh nằm liệt giường. Rất nhiều dấu hiệu thiếu khách quan của hai cấp Tòa khi xét xử đã gây thiệt hại cho chúng tôi”.
Trao đổi về vụ án, Luật gia Nguyễn Văn Thịnh, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, hồ sơ vụ án vụ án còn thể hiện nhiều dấu hiệu vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, tại Khoản 1, 2 Điều 92, Điều 93, Điều 94, Điều 95, Điều 98; Khoản 1, 2 Điều 99 quy định về lấy lời khai người làm chứng; Điều 100 quy định về đối chất; Điều 102 quy định về trưng cầu giám định, yêu cầu giám định theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định (Khoản 2).