Đề nghị TAND Cấp cao xem xét khách quan, đúng pháp luật những kiến nghị của người cao tuổi
Pháp luật - Bạn đọc 06/03/2024 10:42
Nội dung vụ án
Bà Nguyễn Thị Bảy cho biết, bố bà là cụ Nguyễn Thế Sinh (mất năm 1959), và mẹ bà là cụ Nguyễn Thị Sửu (mất năm 1997). Bố mẹ bà Bảy sinh đựợc 5 người con (ông Nguyễn Thế Sơn, ông Nguyễn Thế Hải, ông Nguyễn Thế Vượng, bà Nguyễn Thị Sáu và bà Nguyễn Thị Bảy).
Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp là của gia đình ông Nguyễn Thế Sơn được cấp thoát lũ sông Hồng năm 1971, thuộc thửa số 19, tờ bản đồ số 330-3 phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp đất, vợ chồng ông Sơn làm nhà ở trên đất và sử dụng, đến năm 1978, vợ ông Sơn là bà Lư Tú Quỳnh (người Hoa) muốn đưa chồng con về Quảng Tây, Trung Quốc ở, nhưng chưa bán được đất. Năm 1979, vợ chồng ông Sơn bán nhà đất cho cụ Sửu để có tiền sang Quảng Tây (không có giấy tờ mua bán). Sau khi mua xong, 3 mẹ con cụ Sửu, bà Bảy, bà Sáu đã chuyển ra khu đất và giữ nguyên nhà ông Sơn để sử dụng. Vợ chồng ông Sơn đi khoảng 1 năm thì quay về Việt Nam. Do không có chỗ ở, nên vợ chồng ông Sơn xin cụ Sửu ở nhờ khu đất đã bán. Cụ Sửu đồng ý, ông Sơn có xin làm nhà lợp giấy dầu trên phần đất ở nhờ. Năm 1980, bà Sáu có xin cụ Sửu một mảnh đất đã mua năm 1975, diện tích 130m2 của bà Liên (chưa có nhà). Mặc dù bà Sáu được cụ Sửu cho đất, nhưng bà Sáu vẫn ở cùng cụ Sửu và bà Bảy.
Bà Nguyễn Thị Bảy trình bày vụ việc. |
Đến năm 1982, thấy ông Sơn vất vả, cụ Sửu bàn bạc với gia đình (không có bà Sáu, vì bà Sáu đã được cho cụ Sửu cho 130m2 đất chỗ khác) ông Sơn một nửa mảnh đất. Vì thương gia đình anh chị, nên bà Bảy cũng đồng ý cho ông Sơn một nửa. Sau khi bàn bạc thống nhất, chia đất làm đôi, mỗi người đều có 5m giáp hồ Tai Trâu. Nhà ông Sơn được cho phần đất phía trong, trên đất có một nửa nhà gỗ, còn cụ Sửu với bà Bảy lấy phần đất phía ngoài, giáp đường. Do nhà ông Sơn phía trong không có lối đi, nên đã để một lối đi 1m, chiều dài 5m để gia đình ông Sơn đi lại (lối đi giữa nhà gỗ và nhà giấy dầu). Năm 1984, bà Sáu lấy chồng, nhưng do nhà chồng không đồng ý nên vợ chồng bà Sáu về ở với cụ Sửu và bà Bảy. Năm 1985, bà Bảy lấy chồng và hai vợ chồng bà về sinh sống tại nhà giấy dầu trên.
Năm 1987, gia đình ông Sơn có nhu cầu xây nhà mới, xảy ra xô xát với bà Sáu, bà Sáu bị gãy tay, bà Bảy đứng ra thương lượng, bồi thường cho bà Sáu. Năm 1988, vợ chồng bà Sáu mua được nhà nơi khác, nên đã chuyển ra chỗ khác sinh sống. Đến năm 1992, vợ chồng bà Bảy ra kiot để kinh doanh, ông Sơn phá nhà cũ và xây bằng gạch xỉ cho cụ Sửu một gian nhà cấp 4, cụ Sửu và bà Bảy vẫn sinh sống ở đó. Năm 1994, vợ chồng bà Bảy li hôn, kiot giải tỏa, nên bà Bảy vẫn ở với cụ Sửu.
Năm 1997, cụ Sửu mất, nhà và đất trên bà Bảy vẫn sinh sống và sử dụng, bà Bảy đổ đất lấn ra phía hồ Tai Trâu. Đến năm 1998, UBND thị trấn Gia Lâm đã hợp thức hóa phần đất lấn chiếm với diện tích hơn 50m2 cho bà Bảy. Cũng trong năm 1998, bà Bảy xây một nhà mái bằng trên phần đất lấn chiếm giáp hồ, còn phần nhà đất ông Sơn xây cho bà Bảy làm nhà thờ. Trước đây, bà Bảy và ông Sơn mỗi người đóng 50m2 thuế đất, đến năm 1998, bà Bảy tách thuế đất ra đóng riêng.
Năm 2000, ông Sơn khó khăn xin bà Bảy để ông Sơn thờ cúng bố mẹ, và cho ông Sơn bán gian nhà bà Bảy đang thờ. Bà Bảy đã đồng ý và kí giấy tờ để ông Sơn bán cho ông Lâm 30m2. Trước khi kí bán, có thỏa thuận ông Sơn cho bà Bảy và bà Sáu mỗi người 22 triệu đồng. Nhưng bà Sáu không nhận tiền mà thỏa thuận với ông Sơn làm giấy tờ bán nốt phần đất của bà Bảy đang ở (một nửa phần đất còn lại sau khi bán cho ông Lâm). Ông Sơn và vợ con đã viết giấy bán có nội dung bán phần đất từ năm 1975, nhưng thất lạc giấy tờ, năm 2000, viết lại giấy và cả gia đình ông Sơn kí tên vào giấy này. Sau khi ông Sơn viết giấy trên cho bà Sáu, bà Sáu đã làm đơn ra UBND phường Ngọc Lâm để đòi phần diện tích đất này với bà Bảy. Tại UBND phường Ngọc Lâm, ông Sơn công nhận việc bà Sáu nhờ viết giấy tờ để không phải đưa 22 triệu cho bà Sáu khi bán đất cho ông Lâm. Sự việc trên đã được lập biên bản tại UBND phường Ngọc Lâm.
Năm 2011, dự án làm đường vành đai quanh hồ Tai Trâu, gia đình bà Bảy bị thu hồi 55,9m2, diện tích thực tế còn lại là 36,1m2. Dự án làm đường đã xong, nhưng toàn bộ phần đền bù, bà Bảy vẫn chưa đồng ý (bà Sáu nhờ bà Bảy xác nhận cùng sử dụng diện tích đất chung để nhận 1 lô tái định cư, sau đó dẫn đến kiện cáo).
Đến ngày 16/3/2015, UBND quận Long Biên ra Thông báo số 162/TB-UBND về kết quả giải quyết tố cáo: “Quá trình sử dụng hộ ông Sơn, bà Quỳnh… tặng cho 30m2 cho bà Nguyễn Thị Sáu và bà Nguyễn Thị Bảy diện tích 30m2 năm 2004”.
Vào các ngày 8 và 11/9/2023, TAND quận Long Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lí số: 153/2021/TLST-DS ngày 6/12/2021 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Theo đó, TAND quận Long Biên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn là bà Sáu, buộc bà Bảy phải trả cho bà Sáu 20,1m2 đất trị giá 2,01 tỉ đồng, đất thuộc thửa đất số 19, tờ bản đồ số 330-3 phường Ngọc Lâm, quận Long Biên; buộc bà Sáu phải thanh toán trả cho bà Bảy 22.356.225 đồng.
Ngày 19/1/2024, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất”. Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Bảy, giữ nguyên Bản án Dân sự số: 159/2023/DSST ngày 8/9/2023 của TAND quận Long Biên.
Quan điểm của luật sư
Về vụ án trên, luật sư Dương Minh Hào, Đoàn luật sư TP Hà Nội, đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Bảy cho rằng: Tòa sơ thẩm và phúc thẩm không triệu tập đầy đủ thành phần tham gia tố tụng phiên tòa. Tòa sơ thẩm không tổ chức hòa giải tại cơ sở đối với tranh chấp quyền sử dụng đất theo luật định. Tòa sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về áp dụng pháp luật, cụ thể:
Thứ nhất, Bản án của Toà án sơ thẩm nhận định về Thông báo số: 162/TB-UBND của UBND quận Long Biên kí ban hành ngày 16/3/2015: “... Văn bản này không phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án” là không có cơ sở pháp lí.
Đồng thời, Thông báo số: 162/TB-UBND ngày 16/3/2015 của UBND quận Long Biên về kết quả giải quyết tố cáo có nội dung là chứng cứ quan trọng: “Quá trình sử dụng hộ ông Sơn - bà Quỳnh… tặng cho 30m2 cho bà Nguyễn Thị Sáu và bà Nguyễn Thị Bảy diện tích 30m2 năm 2004”. Có thể thấy, trong văn bản của cơ quan Nhà nước đã khẳng định ông Sơn đã tặng đất cho bà Bảy 30m2 và từ đó đến nay ông Sơn, bà Quỳnh không có bất cứ khiếu nại nào liên quan đến nội dung của Thông báo số: 162/TB-UBND của UBND quận Long Biên, và bà Bảy vẫn sử dụng thửa đất đó cho đến hiện nay. Bà Sáu không có thửa đất nào tồn tại, thực tế là do bà Sáu nhận 30m2 đất của ông Sơn bằng tiền, chứ không nhận bằng đất, do ông Sơn mới bán 30m2 đất cho ông Lâm với giá 210 triệu đồng. Có thể khẳng định, bà Bảy có 30m2 đất nguồn gốc từ phần đất của nhà ông Sơn.
Bản án Dân sự số 159/2023/DSST ngày 8/9/2023 của TAND quận Long Biên. |
Bà Bảy sống ổn định 45 năm không có tranh chấp, không có bất cứ sự phán quyết nào liên quan đến tranh chấp với bà Sáu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đã có 02 giấy gốc của UBND phường Ngọc Lâm mời bà Bảy đem hồ sơ đất đai đến làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai, đối với giấy viết tay, bản photo “Giấy nhường quyền ...”, Toà án cấp sơ thẩm đã áp dụng sai quy định của pháp luật do áp dụng điểm b, Khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Nếu Toà án sơ thẩm căn cứ vào giao dịch dân sự là giấy viết tay không có công chứng, chứng thực là “Đơn xin nhường quyền sử dụng đất” của ông Sơn cho bà Sáu từ năm 2000, thì đồng thời cũng phải xác định đây là giao dịch dân sự đã thực hiện xong trước ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực và vì vậy phải áp dụng điểm c, Khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Do đó, khi giải quyết tranh chấp này, TAND quận Long Biên cần áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Đất đai năm 2003, chứ không áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015.
Căn cứ Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu”.
Do đó, kết hợp điểm b, Khoản 1 Điều 127 Luật Đất đai năm 2003 và Điều 134 Bộ luật Dân sự 2005 thì giấy viết tay là “Đơn nhường quyền sử dụng đất” giữa ông Nguyễn Thế Sơn và bà Nguyễn Thị Sáu sai về hình thức không có ngày tháng năm, không có bản gốc, không có công chứng, chứng thực phải bị tuyên vô hiệu theo đúng quy định của Luật. “Đơn xin nhường quyền sử dụng nhà đất” giữa ông Nguyễn Thế Sơn và bà Nguyễn Thị Sáu vi phạm pháp lệnh Hợp đồng dân sự năm 1991: Không có ngày tháng năm lập hợp đồng, không có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991 và quy định của Điều 127 Luật Đất đai 2003. Đơn xin nhường quyền sử dụng nhà đất giữa ông Nguyễn Thế Sơn và bà Nguyễn Thị Sáu không xác định rõ giáp ranh, vị trí thửa đất diện tích 30m2 đã nhượng cho bà Sáu nằm ở vị trí nào.
Trong khi Bản đồ địa chính thửa đất mang tên bà Nguyễn Thị Bảy được lập năm 2018, lưu giữ tại UBND phường Ngọc Lâm và Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai quận Long Biên.
Thứ ba, Toà sơ thẩm đã không xác định rõ quá trình thay đổi về diện tích đất của ông Sơn như thế nào, vì sao thay đổi và nếu đúng theo Bản án của Toà sơ thẩm đã tuyên thì phần đất của ông Sơn đã chênh lên không đúng với thực tế lên đến hàng trăm mét vuông. Đây là điều không hợp lí.
Tòa sơ thẩm biết rõ, căn cứ văn bản Nhà nước thì tổng diện tích đất thoát lũ mà ông Sơn được cấp năm 1971 là 100m2, mỗi chiều 10m. Nếu năm 1979, ông Sơn đã bán cho bà Sáu 30m2 thì chỉ còn 70m2; sau đó bán cho ông Lâm 30m2 thì còn 40m2, nhưng bản photo từ giấy viết tay mà không có bản gốc, thì ông Sơn viết tổng diện tích đất là 136m2. Vậy tăng lên 36m2 đất? 36m2 đất này nằm ở vị trí nào của thửa đất? Điều này chứng tỏ không có chuyện ông Sơn bán đất cho bà Sáu năm 1979. Năm 1979, vốn bị nghiêm cấm mua bán đất theo luật. Nếu bản viết lại năm 2000 này là thật, thì tại sao ông Sơn và bà Sáu không công chứng, hoặc chứng thực theo luật định?
Có thể thấy, “Đơn nhường quyền” năm 2000 đã viết sai thực tế: Tổng diện tích đất thoát lũ của nhà ông Sơn chỉ có 100m2, nhưng khi viết lại thì đã biến diện tích đó lên 136m2; lúc ông Sơn viết bán cho bà Sáu là 30m2 và lúc khác lại viết là 25m2 mà Tòa sơ thẩm vẫn chấp nhận, đó là điều vô lí.
Năm 2003, ông Lâm mua căn nhà thờ của cụ Sửu (theo văn bản 162 của UBND quận Long Biên năm 2015), nhưng trong bản viết tay của ông Sơn năm 2000 cho bà Sáu đã có nhà ông Lâm. Trong giấy viết tay không có bất cứ ai kí tên, nhưng trong bản viết lại năm 2000 đã có 4 người con kí tên(!?).
Trong Thông báo số: 131/TB-UBND của UBND quận Long Biên cũng yêu cầu bà Sáu cung cấp thêm các giấy tờ sở hữu đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai. Tuy nhiên bà Sáu cũng không cung cấp được.
Việc bà Sáu cho rằng, đất của mình mua bán từ năm 1979 đến nay là 44 năm, nhưng bà Sáu không có bất kì một giấy tờ nào khác hoặc xác nhận, thông tin của UBND phường, quận về thửa đất của mình.
Được biết, bà Nguyễn Thị Bảy đã có đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội, Viện KSND Cấp cao tại Hà Nội kiến nghị để được xem xét toàn bộ bản án theo thủ tục giám đốc thẩm.