Chuyện về sự xấu hổ
Cùng suy ngẫm 06/01/2021 09:24
Tôi đồng ý và nói: “Con người biết đỏ mặt vì xấu hổ. Charles Darwin, cha đẻ của thuyết Tiến hóa khẳng định: “Biết xấu hổ là biểu hiện mang tính con người nhất của loài người”. “Sự xấu hổ ấy ở dạng nhận thấy được, bao gồm sự đỏ mặt, bối rối của tâm trí, đầu cúi xuống…”.
Rồi chúng tôi dốc bầu tâm sự về “các trạng thái xấu hổ”. Tôi kể cảnh xấu hổ đáng yêu của đứa cháu ngoại 5 tuổi cứ thích bú mẹ. Mỗi lần bà ngoại trông thấy đều chỉ tay và “lêu lêu”. Cậu đỏ mặt, nhoẻn miệng cười tươi rồi rúc đầu trốn vào nách mẹ.
Ảnh minh hoạ |
Bạn tôi kể chuyện nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lúc trẻ sống ở TP Vinh mến yêu một cô gái Hà Tĩnh. Hai người không nên duyên do cha mẹ cô gái đã thuận gả cho một thanh niên cùng làng. Cô gái có lời với nhạc sĩ: “Em sẽ giới thiệu cho anh một cô bạn ở quê”. Một hôm 2 người đến nhà cô gái ấy chuyện trò. Ngồi dệt lụa bên khung cửi, cô gái lắng nghe, thẹn thùng, mặt đỏ thay cho lời nói. Thế rồi, nhạc sĩ vào quân đội và thời gian trôi đi... Một hôm tại buổi liên hoan văn nghệ quân khu, một chiến sĩ vỗ vai nhạc sĩ và trách: “Ông có tội to! Ông làm cho o tôi chờ đợi đến chục năm”. Nhạc sĩ hiểu sự tình và tạ tội bằng nhạc phẩm nổi tiếng “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” chứa chan tình cảm: “Ai hôm nay ra khơi buông lưới, mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ, nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa, thương con đò cắm con sào đứng đợi…”.
Tiếp lời bạn, tôi kể chuyện xấu hổ đáng ghét mà cũng đáng bỏ qua cho cố vấn phái đoàn đàm phán Mỹ là Kissinger tại phiên họp ngày 8/1/1973 của Hội nghị Paris về Việt Nam sau trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Hôm đó, vừa ngồi vào bàn hội nghị, cố vấn Lê Đức Thọ nói thẳng với phái đoàn Mỹ: "Các ông đã kiếm cớ thương lượng bị gián đoạn để dùng B52 đánh vào Hà Nội, đúng hôm tôi vừa trở về. Hành động của các ông thật trắng trợn và rất tàn bạo. Chính các ông không phải ai khác đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ". Kissinger đỏ mặt, lặng đi một lúc rồi lúng túng phân bua: "Đó không phải là lỗi của tôi". Cố vấn Lê Đức Thọ đập bàn, nói: "Hơn 10 năm Mỹ đã dùng bạo lực để khuất phục Việt Nam, nhưng các ông không rút ra được bài học nào từ thất bại đó. Thật là ngu xuẩn, thật là ngu xuẩn, ngu xuẩn". Các nhà báo có mặt phản ánh: “Lúc đó người phiên dịch không dám dịch những từ cuối của cố vấn ta, nhưng thành viên trong phái đoàn Mỹ không những đã dịch nốt mà còn nhấn mạnh từ cuối: "Stupid, stupid, stupid". Kissinger càng đỏ mặt và lúng túng đề nghị: "Xin ông giảm âm lượng và không nên dùng những tính từ như vừa rồi, vì ở ngoài kia còn bao nhiêu người theo dõi". Cố vấn ta đáp: "Những từ đó tôi đã dùng hết sức kiềm chế, còn báo Mỹ, người Mỹ đang dùng những từ khắc nghiệt hơn nhiều về hành động dối trá và tàn bạo của các ông.
Từ câu chuyện này, chúng tôi liên tưởng đến sự xấu hổ muộn màng và vuốt đuôi của những kẻ trộm cướp, giết người, buôn gian bán lận, tham ô tham nhũng, gây thất thoát tài sản, ngân quỹ của dân. Trong đó có tới gần 100 cán bộ cao cấp thuộc nhiệm kì Đại hội Đảng khóa XII bị kỉ luật thời gian qua.