“Vaccine” để cán bộ “miễn nhiễm” với tham nhũng
Nghiên cứu - Trao đổi 01/04/2022 14:31
Người coi tham ô, lãng phí là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội”. Người nhấn mạnh: Tham ô, lãng phí, quan liêu ngăn trở, phá hoại sự nghiệp cách mạng; tài sản của Nhà nước, của cải, công sức của nhân dân bị chiếm đoạt, lãng phí; đội ngũ cán bộ cách mạng bị tha hóa, suy thoái đạo đức, sút giảm tính chiến đấu. Do vậy, Người chỉ rõ, đấu tranh chống tham ô, lãng phí chính là để loại bỏ những trở lực của cách mạng, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành thường xuyên; “Phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên” (1); phải kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục và cưỡng chế, trong đó lấy tuyên truyền, giáo dục là nền tảng, cơ sở. Người nói: “Trong phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, giáo dục là chính, trừng phạt là phụ”. Việc tuyên truyền, giáo dục cần được đặc biệt coi trọng, làm cho cán bộ hiểu được sự nguy hại, xấu xa của tham ô, lãng phí, tiêu cực để tích cực phòng, chống. Nhưng khi cần thiết, đối với những kẻ đã suy thoái về đạo đức, cố tình chiếm đoạt tài sản của nước, của dân, phá hoại sự nghiệp cách mạng, phải trừng trị thẳng tay, để bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Xác định tham ô, lãng phí và quan liêu cũng là những thứ giặc nguy hiểm, “thứ giặc ở trong lòng”, Người nhắc nhở nếu chiến sĩ và Nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống “giặc nội xâm” là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.
Thấm nhuần việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, trước yêu cầu của thực tiễn phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xác định đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định:“Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn” (2). Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta đã được tiến hành với một quyết tâm chính trị cao nhất để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lí nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với một phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lí đến đó và không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kì cá nhân nào”.
Công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đi vào chiều sâu, có chuyển biến mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả cụ thể. Từ năm 2013 đến năm 2020, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, song cũng rất nhân văn, việc xử lí nghiêm minh các vi phạm nhằm mục đích chính là làm cho tổ chức Đảng, đảng viên thấy được vi phạm, khuyết điểm của mình để sửa chữa, khắc phục.
Để công tác phòng, chống tham nhũng đạt kết quả cao trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nguy cơ tham nhũng, quan liêu từ sự tha hóa quyền lực nhà nước và vai trò kiểm soát quyền lực nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ trọng tâm; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn ngừa và phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Hai là, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng”. Tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước rà soát, bổ sung, ban hành, hoàn thiện hệ thống văn bản về chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo hành lang pháp lí và cơ chế chặt chẽ để phòng ngừa thực sự các cá nhân, nhóm lợi ích không thể tham nhũng.
Xây dựng được cơ chế ngăn chặn “lợi ích nhóm”, chống đặc quyền, đặc lợi; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiên quyết loại bỏ những cản trở về thể chế và thủ tục hành chính tạo điều kiện cho tham nhũng. Quy định một cơ chế hữu hiệu theo dõi sự biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm giải trình, làm rõ tài sản, thu nhập gia tăng không hợp lí, không rõ ràng.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng các cấp về phòng, chống tham nhũng. Thường xuyên kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của cơ quan, đơn vị có chức năng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước về phẩm chất, năng lực, bản lĩnh vững vàng, liêm chính, miễn dịch với mọi sức ép, mua chuộc.
Bốn là, không có vùng cấm đối với các hành vi tham nhũng, xét xử nghiêm minh, kịp thời và công khai các vụ án tham nhũng, có mức hình phạt nghiêm khắc đối với các hành vi và hậu quả đã gây ra. Thực hiện các biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng.
Năm là, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lí của Nhà nước, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của toàn dân trong phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ, khen thưởng, tôn vinh những người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng, lãng phí; lấy ý kiến của Nhân dân về phẩm chất, năng lực, liêm chính đối với từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lí.
Cần khẳng định, đấu tranh xử lí nghiêm mọi hành vi tham nhũng là nhằm làm trong sạch nội bộ, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác, phải tẩy sạch nó, phải thực hiện cần, kiệm liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mĩ tục trong toàn dân, toàn quốc”.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.490
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, t.2, tr.250.