Chênh lệch “địa tô” thuộc về ai?
Pháp luật - Bạn đọc 01/06/2023 17:16
Ngày 5/6/2023, TAND TP Hồ Chí Minh lên lịch xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Thanh Dục, sinh năm 1954, trú tại 36/23 Hoàng Văn Thụ, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với bị đơn là Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Song Đạt (viết tắt là Công ty Song Đạt).
Cùng ngày, TAND TP Hồ Chí Minh cũng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự giữa nguyên đơn ông Dương Hải Toàn (hiện sinh sống ở Úc, ủy quyền cho ông Đinh Thế Thắng) và bị đơn là Công ty Song Đạt.
Ngày 6/6/2023, TAND TP Hồ Chí Minh lên lịch xét xử phúc thẩm vụ kiện của nguyên đơn là bà Trần Thị Thúy Hằng, sinh năm 1966, trú tại 104/63 đường Ven tường rào sân bay, phường 11, quận 5, TP Hồ Chí Minh) với cùng một bị đơn là Công ty Song Đạt.
Khu đất 18ha đến nay vẫn là bãi đất trống và đang được rao bán với giá 20 triệu đồng/m2. |
Theo chia sẻ của các nguyên đơn, đến thời điểm cuối tháng 5/2023 có khoảng 105 vụ khởi kiện dân sự độc lập của hàng trăm cá nhân đối với cùng một bị đơn là Công ty Song Đạt. Trong đó có 15 đơn kiện được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lí và 90 đơn kiện được TAND TP Thủ Đức thụ lí.
Nội dung các vụ kiện đều được các cấp tòa sử dụng cụm từ “Tranh chấp hợp đồng góp vốn” để mô tả tóm tắt vụ kiện Công ty Song Đạt. Theo đó, các nguyên đơn đều là thành viên hoặc người lao động ngành dầu khí. Họ đã góp vốn bằng tiền và vàng, tổng số gần 1 vạn lượng vàng và hàng chục tỉ đồng, đưa cho Công ty Song Đạt để đầu tư dự án bất động sản trên diện tích 18 ha ở phường Long Phước, quận 9 (nay là TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).
Thậm chí, phía Công ty Song Đạt từng tổ chức cho các thành viên bốc thăm xác định nền nhà của mình. Nhiều người góp vốn năm xưa, nay đã nghỉ hưu và là người cao tuổi, có người ra nước ngoài định cư, có người đã mất vì bạo bệnh, không ít người gia cảnh vô cùng khó khăn. Tuy nhiên sau 21 năm, họ chưa nhận được đất nền nhà, thay vào đó là một hành trình dài đấu tranh đòi quyền lợi. Họ chỉ biết trông đợi vào sự phán quyết công tâm của tòa án.
Chênh lệch “địa tô” đi đâu?
Theo chứng kiến của phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, vào thời điểm cuối tháng 5/2023, hiện trạng dự án vẫn chỉ là đất trống, được quây kín bằng hàng rào tôn cao quá đầu người, có bảo vệ canh gác ngày đêm, cửa ra vào khóa kín.
Đáng chú ý, vào ngày 28/5/2023, trang tin batdongsan.com.vn đăng một tin rao bán “Dự án nhà ở Song Đạt”, tại phường Long Phước, quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức). Người đăng tin mô tả quy mô dự án rộng 180.000m2, đơn giá 20 triệu đồng/m2, tổng giá trị xấp xỉ 3.600 tỉ đồng.
Về hạ tầng, đây là dự án khu nhà ở thấp tầng kết hợp 5 tòa chung cư. Dự án đã thực hiện xong các hạng mục hạ tầng chủ yếu, gồm san lấp mặt bằng đủ độ cao thiết kế, xây dựng hệ thống thoát nước, đường giao thông nội bộ và kết nối hoàn chỉnh với tuyến đường Long Phước hiện hữu.
Về pháp lí, đơn vị rao bán “Dự án nhà ở Song Đạt” mô tả tình trạng pháp lí hoàn thiện, đã hoàn thành đền bù và đóng thuế đất 100%. Đơn vị rao bán “Dự án nhà ở Song Đạt” cũng để lại số điện thoại đường dây nóng để nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ.
Trao đổi với phóng viên, một thành viên góp vốn - ông Hoàng Bá Cường nêu nhận định, với số tiền vàng xấp xỉ 9.500 lượng vàng SJC và gần 24 tỉ đồng tiền mặt (tính đến năm 2008), nếu quy đổi ra thời giá hiện hành năm 2023 sẽ tương đương 700 tỉ đồng. Thử hỏi, phần “địa tô” chênh lệch giữa 3.600 tỉ đồng họ đang rao bán trừ đi 700 tỉ đồng họ toan tính trả lại cho người góp vốn, khoản chênh lệch xấp xỉ 2.900 tỉ đồng sẽ rơi vào tay ai?
Ông Cường cho rằng, về mặt pháp lí đây là dự án được cấp có thẩm quyền thuộc TP Hồ Chí Minh phê duyệt theo trình tự rất cụ thể. Sau khi thiết kế kĩ thuật và dự toán hạ tầng được phê duyệt, hệ thống thoát nước và đường giao thông nội bộ đã được thi công và hoàn thành giai đoạn 1.
“Tất cả khối lượng công việc của dự án, từ việc mua gom tạo lập quỹ đất cho đến hoàn thành các hạng mục hạ tầng như hiện tại, đều được thực hiện bằng đồng tiền mồ hôi nước mắt của các thành viên góp vốn”, ông Cường lí giải.
Tháng 3/2010, tại khuôn viên dự án ở phường Long Phước, quận 9, TP Hồ Chí Minh, Công ty Song Đạt tổ chức cho các thành viên góp vốn bốc thăm xác định vị trí nền nhà dự án của mình. Tiếp theo đó các bên tiến hành thủ tục kí kết Phụ lục hợp đồng điều chỉnh các nội dung hợp đồng thay đổi theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và căn cứ kết quả bốc thăm xác định vị trí nền nhà, kí kết biên bản xác nhận góp vốn làm căn cứ để mỗi bên tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Có thể thấy, dự án đã hội đủ các điều kiện giao nền nhà và giấy tờ liên quan tới việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nền nhà dự án cho các thành viên góp vốn. Bởi vậy, các thành viên góp vốn kiến nghị Tòa án xem xét thấu đáo bản chất của sự việc, bảo vệ lợi ích hợp pháp của hàng trăm người đã mòn mỏi 21 năm góp tiền vàng nhưng chưa nhận được gì từ chủ đầu tư là Công ty Song Đạt.
Hành trình 21 năm đòi đất của hàng trăm lao động ngành Dầu khí Ngày 18/3/2023 vừa qua là tròn 21 năm, 224 lao động ngành Dầu khí và người thân kí vào hợp đồng góp vốn với Công ... |