Cần làm rõ chứng cứ khi xử Phạm Thanh Hải phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản?
Pháp luật - Bạn đọc 06/05/2019 11:03
Có hay không việc Hình sự hóa quan hệ dân sự?
Việc nhân viên Công ty IDT kí hợp đồng hợp đồng ủy thác đầu tư với ông Đinh Trung Nghĩa và Hà Minh Thiện, về việc góp vốn cho ông Phạm Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty IDT, để đầu tư vào các dự án của Công ty này, công khai giữa ban ngày (ngày 19/10/2015), tại trụ sở Công ty IDT, cũng giống như hàng nghìn hợp đồng ủy thác đầu tư của các nhà đầu tư đã kí với ông Phạm Thanh Hải. Các hợp đồng này đều không vi phạm pháp luật và đây là quan hệ dân sự trong Hợp đồng ủy thác đầu tư căn cứ vào Bộ luật Dân sự, không có điều khoản nào cấm không cho phép kí hợp đồng ủy thác đầu tư. Thế nhưng Cơ quan điều tra đã hình sự hóa quan hệ dân sự, thành hình sự và có sự nhầm lẫn giữa Hợp đồng ủy thác đầu tư với việc huy động vốn, hoạt động tín dụng, nên đã bắt tạm giam ông Phạm Thanh Hải. Sau 7 ngày tạm giam, đến ngày 27/10/2015, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 244 và Quyết định khởi tố bị can số 581 đối với ông Phạm Thanh Hải về tội “Kinh doanh trái phép”.
Bất ngờ cùng ngày 27/10/2015, Viện KSND TP Hà Nội đã ra Quyết định hủy quyết định tạm giam giữ, trả tự do cho ông Hải. Điều này được thừa nhận tại Cáo trạng số 247/CT-VKS(P3) ngày 2/8/2017 của Viện KSND TP Hà Nội.
Sau khi được trả tự do 2 ngày, Cơ quan điều tra lại ban hành Quyết định khởi tố vụ án số 36 và Quyết định khởi tố bị can số 63 đối với Phạm Thanh Hải về tội “Lừa dảo chiếm đoạt tài sản”. Căn cứ khởi tố vụ án theo đơn của bà Lê Thị Hằng (nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm hỗ trợ người nghèo đã bị Cơ quan An ninh khởi tố bắt tạm giam ngày 28/3/2017, vì đã tổ chức Chương trình “Trái tim Việt Nam” chiếm đoạt 8,8 tỉ đồng tiền của những người tham gia –PV), là người có 8 tỷ đồng ủy thác cho ông Hải đầu tư vào dự án của Công ty IDT (hợp đồng chưa đến thời hạn thanh toán).
Theo khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: “Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, theo quy định trong thời hạn 20 ngày cơ quan điều tra phải điều tra xác minh…”, thì việc Cơ quan điều tra vội ra ngay quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can Phạm Thanh Hải sau 1 ngày nhận đơn của bà Hằng là không đúng với quy định của pháp luật. Điều lạ lùng là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự số 36, trong 92 trang, Bản án Hình sự sơ thẩm số 186, không có dòng chữ nào đề cập đến đơn của bà Hằng, mà chỉ vẻn vẹn có 5 chữ “bị bắt lại ngày 29/10/2015”.
Tại trang 37, Bản án sơ thẩm trên, thì vụ án diễn biến bắt đầu từ việc cơ quan cảnh sát bắt quả tang nhân viên của Công ty IDT đang kí hợp đồng ủy thác đầu tư với ông Đinh Trung Nghĩa và Hà Minh Thiện... Đây là căn cứ để khởi tố vụ án hình sự số 244 và Quyết định khởi tố bị can số 581 đối với ông Phạm Thanh Hải, vì tội “Kinh doanh trái phép”, đã bị Viện KSND Hà Nội có quyết định hủy bỏ, không phải là căn cứ để khởi tố vụ án số 36 và Quyết định khởi tố bị can số 63 về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong toàn bộ Bản án sơ thẩm hình sự số 186 xử bị cáo Phạm Thanh Hải, tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tuyên bị cáo tù chung thân, không đưa ra được căn cứ pháp luật là đơn tố cáo ngày 28/10/2015 của bà Lê Thị Hằng. Vì vậy bị cáo Phạm Thanh Hải và các nhà đầu tư của Công ty IDT đề nghị tại phiên phúc thẩm vụ án này, phải làm rõ căn cứ khởi tố vụ án từ đơn tố cáo của Lê Thị Hằng và đối chất với người đứng đơn tố cáo trước tòa.
Từ các căn cứ pháp luật trên bị cáo và các nhà đầu tư (theo cơ quan điều tra là những người bị hại) cho rằng, đây là vụ án dân sự đã bị hình sự hóa là có cơ sở, bởi họ có căn cứ pháp luật minh chứng bị cáo không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn cơ quan điều tra, Viện KSND Hà Nội truy tố tội danh và bản án sơ thẩm đã tuyên án tù chung thân đối với Phạm Thanh Hải tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng các căn cứ đưa ra để buộc tội lại thiếu tính pháp lý.
P
Bị cáo Phạm Thanh Hải tại phiên tòa sơ thẩm |
Theo cơ quan điều tra và cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, thì bị cáo Hải “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hiện không còn khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư. Bản án hình sự sơ thẩm số 186 đưa ra danh sách có tới 508 người bị hại (nhà đầu tư), 8 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 24 tổ chức cá nhân có quyền lợi liên quan. Về hình sự với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo bị tuyên phạt án tù chung thân, về trách nhiệm dân sự tòa tuyên 2 khoản tiền bị cáo phải bồi thường cho người bị hại là 433.071.657.000 đồng .
Bản án cũng nêu rõ 6 khoản tiền ông Hải đang có trong các dự án đầu tư, tiền gửi ngân hàng còn 1.263.110.952.130 đồng, minh chứng rõ ràng ông Hải dư thừa khả năng chi trả 433.071.657.000 đồng, vẫn còn 830.039.295.000 đồng, không như cáo trạng nêu ông không có khả năng thanh toán cho nhà đầu tư.
Chưa hết, khoản tiền ông Hải đầu tư vào dự án Happylan do bà Phan Thị Phương Thảo làm chủ, ông Hải mua khoảng 5ha giá trị khoảng 500 tỷ đồng, có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phù hợp với quy định cũng pháp luật, chưa được cơ quan điều tra đưa vào tài sản hiện có của ông Hải…
Thiếu căn cứ pháp lý cho hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”?
Trang 41, Bản án hình sự sơ thẩm số 186 nêu:“Căn cứ tài liệu đến nay thu thập được từ tháng 10/2014 đến tháng 10/2015 đã có 2574 nhà đầu tư với 8303 hợp đồng (BL8951-17903), số tiền huy động theo phiếu thu 2.725.022.742.000 đồng(BL61-8950)”.
Tại trang 12, Cáo trạng số 83/CT-VKS(P3) ghi nhận số tiền ông Hải huy động là 2.725.022.742.000 đồng đã chi cả gốc và lãi cho các hợp đồng là 2.905.024.148.430 đồng. So sánh số tiền trên thấy rõ tiền đã chi trả cả gốc và lãi nhiều hơn số tiền huy động. Đây là minh chứng rõ ràng có căn cứ pháp luật các hợp đồng đến kỳ hạn đều được ông Hải chi trả sòng phẳng không nợ và chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Ngày 28/10/2015, trước 1 ngày khởi tố vụ án hình sự số số 36 và Quyết định số 63 khởi tố ông Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chính Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội, có Công văn số 6380/PC46-Đ10 ghi nhận:“Sau khi huy động vốn của nhiều người Hải dùng tiền để đầu tư nhiều dự án, đến kỳ hạn trả đầy đủ tiền cho khách theo hợp đồng, chưa có khách hàng nào thắc mắc hay khiếu kiện.”.
Trong số 506 nhà đầu tư, gọi là “người bị hại”, đều có hợp đồng chưa đến kỳ hạn thanh toán. Việc ủy quyền cho ông Hải được sử dụng vốn của nhà đầu tư để kinh doanh và đầu tư vào các dự án là hợp đồng dân sự, giống như người dân gửi tiền vào ngân hàng, ngân hàng được quyền đầu tư cho các dự án sản xuất kinh doanh, chưa đến kỳ hạn thì chưa thể lấy được tiền gửi ngân hàng. Cũng như vậy chưa đến kỳ hạn thì nhà đầu tư không thể tố cáo ông Hải không trả tiền. Vì sự thật này, bản án sơ thẩm đã không thể đưa ra minh chứng những hợp đồng nào đến hạn mà ông Hải không trả tiền cho nhà đầu tư (đến trước thời điểm ông Hải bị bắt). Trong khi cáo trạng và bản án gọi các nhà đầu tư là “người bị hại”, thì thay vì người bị hại không có đơn tố cáo người hại mình, mà lại ký tên kêu oan cho bị cáo Phạm Thanh Hải, đó là điều lạ lùng chưa từng thấy xẩy ra giữa công đường. Chưa hết lạ lùng, hàng chục nhà đàu tư đã gửi đơn đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước đề nghị được đi tù thay cho ông Hải - người “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của họ, để ông Hải được tiếp tục điều hành các dự án đầu tư, nhằm giải thoát cho hàng nghìn nhà đầu tư trước nguy cơ mất vốn làm ăn, cuộc sống khó khăn, vì họ cho rằng đây là lỗi khách quan không phải do ông Hải gây ra…